Văn Miếu- Quốc Tử Giám được coi là trung tâm giáo dục Nho học lớn nhất nước ta thời quân chủ, nơi đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Ngày nay, khi đến tham quan di tích, chúng ta vẫn bắt gặp những hiện vật mang ý nghĩa biểu tượng gắn với ngôi trường quốc học đầu tiên như là: nghiên mực và bút lông bằng đá.
Bốn nghiên mực đá trước đây được đặt tại nền cũ của Quốc Tử Giám xưa, sau được chuyển sang lưu giữ tại khu vực điện Đại Thành, một trong bốn nghiên mực được trưng bày tại không gian trưng bày “Quốc Tử Giám - trường quốc học đầu tiên”. Hiện vẫn chưa tìm thấy tài liệu cho biết bốn nghiên mực được làm từ khi nào. Tuy nhiên, trên bốn nghiên mực đều có hàng chữ “Thái Học đường nghiên” (Nghiên mực nhà Thái Học), đây là thông tin quan trọng phần nào cho biết niên đại của bốn nghiên mực. Thái Học là tên gọi trường Quốc Tử Giám được đặt dưới triều Lê (thế kỷ 15-18). Tương truyền, trước đây vào những buổi bình văn tại nhà Thái Học, học trò đến đây dự nghe tranh nhau mài mực trên những nghiên mực đá này để ghi chép.
Nghiên mực và bút lông là hai trong số những đồ dùng học tập không thể thiếu của học trò xưa. Trước nhà Bái Đường có dựng hai cột đá hình bút lông được làm vào mùa xuân năm Canh Thìn (1760).. Theo dòng chữ khắc trên bút lông đá bên tây nhà Bái Đường có ghi : “Phụng mệnh kính lập” (Vâng mệnh dựng) và bút lông đá bên đông :“ Canh Thìn quý xuân ” (Mùa xuân tháng ba năm Canh Thìn).
Đây là những hiện vật quý biểu tượng cho đạo học lâu đời của dân tộc ta, là minh chứng cho sự tồn tại của Quốc Tử Giám - trường quốc học đầu tiên của đất nước.