
Trong hàng ngàn trận chiến dữ dội của Thế chiến II, ít ai biết rằng một phần quan trọng của nó lại âm thầm diễn ra ở nơi lạnh lẽo và biệt lập nhất hành tinh: Bắc Cực. Trên quần đảo Svalbard, nơi từng bị xem là “vô chủ”, không người sinh sống mãi cho tới cuối thế kỷ 19, phát xít Đức đã xây dựng các trạm thời tiết bí mật đóng vai trò sống còn trong việc điều hướng quân đội, tàu chiến và máy bay khắp Châu Âu. Những trạm quan trắc này, đặc biệt là trạm mang mật danh Nussbaum, là một phần của “cuộc chiến thời tiết” ít được nhắc đến trong lịch sử hiện đại.
Svalbard, với cái tên gốc “Spitsbergen” nghĩa là “những ngọn núi nhọn”, từng chỉ là một dải núi tuyết và băng giá hoang sơ. Đây là nơi mà chỉ có những đoàn thợ săn cá voi liều lĩnh dám đặt chân tới nhưng phần lớn đều thất bại. Đến tận đầu thế kỷ 20, nơi đây mới có các mỏ than đầu tiên, còn ngày nay, ngoài khai khoáng, Svalbard còn là điểm đến của các nhà khoa học và nghệ sĩ quốc tế nhờ vẻ đẹp hoang dã và lịch sử đặc biệt của nó.
Tại sao Bắc Cực và Svalbard lại trở thành chiến địa trong cuộc chiến giành dữ liệu thời tiết
Svalbard nằm ở độ cao hơn 800 km về phía Bắc của Châu Âu, ở một vị trí tưởng như chẳng mang giá trị chiến lược nào. Tuy nhiên, khi bước vào Thế chiến II, Svalbard lại có một vị trí đặc biệt khi đây là nơi khởi nguồn của nhiều luồng khí quyển điều phối thời tiết khắp châu Âu. Với vị thế đó, nó đã trở thành tâm điểm tranh chấp âm thầm giữa phe Đồng minh và phe Trục.
Trên thực tế, thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sự mà còn là yếu tố then chốt trong việc hoạch định chiến sự. Các trận đánh lớn, hoạt động của tàu chiến, máy bay đều phụ thuộc vào dự báo khí tượng và tình hình thời tiết. Svalbard, theo Hiệp ước Svalbard 1920, là lãnh thổ của Na Uy nhưng không được phép xây dựng căn cứ quân sự thường trực, và mọi quốc gia ký kết đều có quyền khai thác tài nguyên. Mãi đến đầu thế kỷ 20, trước chiến tranh, các khu định cư của Na Uy và Liên Xô cùng tồn tại, chủ yếu để khai thác than và duy trì các trạm khí tượng phục vụ hàng hải quốc tế. Svalbard là một cộng đồng quốc tế hoà bình, không thuộc riêng về phe nào, nhưng khi chiến tranh nổ ra, vị trí này nhanh chóng trở thành “mắt thần” của cả hai phe trên vùng Bắc Cực.
Quân đội Đức thiết lập trạm thời tiết tại Bắc Cực, Svalbard trong Thế Chiến II
Khi Thế chiến II nổ ra, Svalbard ban đầu không bị ảnh hưởng bởi việc Đức chiếm đóng Na Uy năm 1940. Tuy nhiên, sau khi Đức tấn công Liên Xô năm 1941, vùng đất này trở nên cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát các tuyến đường vận chuyển tiếp tế của Đồng minh đến Liên Xô, cũng như là “trạm quan sát khí tượng” lý tưởng để dự báo thời tiết cho toàn bộ Bắc Đại Tây Dương và châu Âu. Các trạm khí tượng trên Svalbard do Na Uy và Liên Xô vận hành đã gửi các báo cáo khí tượng không được mã hoá, từ đó vô tình cung cấp dữ liệu quý giá cho Đức Quốc xã lên kế hoạch cho các chiến dịch hải quân và không quân, đặc biệt là các đợt tấn công vào đoàn tàu tiếp vận của Đồng minh đến Liên Xô.
Khi các báo cáo thời tiết từ Svalbard bị phát hiện đang bị Đức quốc xã chặn bắt, phe Đồng minh lập tức phản ứng. Tháng 8 năm 1941, phe Đồng minh mở chiến dịch Operation Gauntlet, phối hợp giữa Anh, Canada, Na Uy và Liên Xô, nhằm sơ tán toàn bộ dân cư Na Uy và Liên Xô, phá hủy các mỏ than, sân bay, và đặc biệt là các trạm khí tượng trên quần đảo để ngăn Đức tận dụng nguồn thông tin khí tượng và tài nguyên. Chiến dịch này thành công mà không gặp phải kháng cự nào: toàn bộ tài sản có giá trị quân sự bị phá hủy, các kho than bị đốt cháy, các trạm vô tuyến bị triệt hạ, và toàn bộ dân thường được di tản an toàn.
Mặt phía nam của trạm thời tiết mà Đức quốc xã thiết lập
Trạm thời tiết hiện nay, tồn tại qua gần một thế kỷ
Sau khi Đồng minh rút đi, Svalbard trở thành vùng đất “bỏ trống”, không có lực lượng quân sự thường trực của bất cứ phe nào. Tuy nhiên, cả Đồng minh và Đức Quốc xã đều nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát thông tin khí tượng ở đây. Ngay sau đó, Đức bí mật cử các nhóm nhỏ thiết lập trạm khí tượng tự động và bán tự động ở những khu vực hẻo lánh, với mục đích thu thập dữ liệu phục vụ cho các chiến dịch quân sự trên toàn châu Âu. Việc mất thông tin khiến Đức nhanh chóng biến Svalbard thành tiền đồn khí tượng của mình trong suốt cuộc chiến.
Về phía Đồng minh, họ cũng cố gắng tái lập sự hiện diện bằng các đợt đổ bộ nhỏ lẻ, lập các đồn trú nhỏ của Na Uy tại Barentsburg và Longyearbyen từ năm 1942, liên tục tuần tra và phá hủy các trạm khí tượng của Đức khi phát hiện. Thực tế cho thấy các trạm này không chỉ đơn thuần là nơi đo đạc khí tượng mà còn là một phần của cuộc chiến gián điệp, nơi cả hai phe liên tục phá huỷ, tái lập, và tranh giành quyền kiểm soát các thiết bị khí tượng tự động và bán tự động hiện đại nhất thời bấy giờ.
Trạm thời tiết mật danh Nussbaum – Pháo đài thời tiết bị lãng quên
Vậy là, ngay sau khi Đồng minh rút đi, các trạm thời tiết mới được thiết lập, trong đó có Nussbaum, tọa lạc tại một vùng hẻo lánh phía tây Spitsbergen, vốn là hòn đảo lớn nhất của Svalbard. Nussbaum bắt đầu hoạt động vào tháng 10 năm 1942, được vận hành bởi một nhóm nhỏ lính khí tượng học với các thành viên chủ chốt như Dr. Franz Nusser - trưởng trạm, Heinz Köhler - phó chỉ huy, Rudolf Garbaty - kỹ thuật viên radiosonde, Heinz Ehrich - trưởng vô tuyến, Eduard Müller - vô tuyến viên và Friedrich-Wilhelm Krüger - trợ lý tổng hợp.
Gustav Scheidweiler, kĩ thuật viên thời tiết đang chơi đàn accordion
Nhóm này gồm các chuyên gia khí tượng và lính kỹ thuật, được tiếp tế bằng tàu ngầm và máy bay. Họ phải sống trong điều kiện khắc nghiệt như bóng tối kéo dài, nhiệt độ xuống dưới -30°C, và hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, họ không chỉ thu thập số liệu khí tượng mà còn phải mã hoá, truyền về trụ sở Gestapo ở Tromsø tại Na Uy và Berlin. Các bản ghi chép khí tượng của họ, đến nay vẫn còn lưu giữ tại Đức, là những tư liệu quý giá về khí hậu Bắc Cực thời chiến.
Lều tạm họ sử dụng trong quá trình xây dựng trạm
Phe Đồng minh cũng không bỏ qua sự hiện diện này. Tháng 5 năm 1942, dưới sự chỉ huy của Einar Sverdrup, giám đốc công ty khai mỏ Store Norske, một đoàn tàu Na Uy lên đường tái chiếm Svalbard. Tuy nhiên, chiến dịch này thất bại thảm hại khi bị oanh tạc bởi 4 máy bay FW 200 Condor của Luftwaffe. Hai tàu bị đánh chìm, 13 người thiệt mạng, trong đó có cả Sverdrup. Trong số những người sống sót, nhiều người bị thương nặng và phải rút về Barentsburg – một trong những khu định cư hiếm hoi còn sót lại, nơi đã được chuẩn bị sẵn lương thực dự phòng cho trường hợp bị phong tỏa.
Phải đến tháng 6 năm đó, một chiến dịch khác do hải quân Anh dẫn đầu mới thành công chiếm lại khu vực và phát hiện Nussbaum vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, trạm này trụ lại được đến tận mùa hè năm 1943, trước khi bị lực lượng Na Uy tập kích ngày 20/6/1943. Trong trận này, Heinz Köhler bị bắn chết, năm thành viên còn lại chạy thoát ra bờ biển và được tàu ngầm U-302 cứu thoát hai ngày sau đó. Trước khi rút lui, họ đã kịp gửi tín hiệu cầu cứu và phá hủy các tài liệu mật cùng thiết bị quan trọng.
Cuộc đầu hàng cuối cùng của Thế chiến II
Dù các trạm ở Spitsbergen lần lượt bị phá hủy, phát xít Đức vẫn thành công trong việc thiết lập một căn cứ cuối cùng mang tên Haudegen tại đảo Nordaustlandet, một nơi không người ở và vô cùng hẻo lánh. Căn cứ này bắt đầu truyền dữ liệu về Gestapo tại Tromsø từ tháng 9 năm 1944.
Mũi phía bắc Stationsbach, nơi không vệ tinh và các trạm thời tiết ở Svalbard là cách duy nhất để đo thời tiết
Khi Hitler tự sát và nước Đức sụp đổ, nhóm 11 binh sĩ ở đây bị cắt liên lạc hoàn toàn. Họ đốt toàn bộ tài liệu mật, tiếp tục sống trong cô lập và chỉ biết trông đợi một cuộc giải cứu không bao giờ đến. Trong suốt thời gian bị cô lập, nhóm này vẫn tiếp tục công việc khí tượng như một cách duy trì tinh thần và kỷ luật quân đội. Họ sống sót nhờ nguồn lương thực dự trữ và khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt, trở thành những người cuối cùng của quân đội Đức Quốc xã chính thức đầu hàng trên toàn thế giới. Mãi đến tháng 9 năm 1945, sau hơn ba tháng kể từ khi chiến tranh kết thúc, họ mới phát tín hiệu cầu cứu trên tần số của Đồng minh. Na Uy gửi một tàu săn hải cẩu đến tiếp cận và chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của họ. Những người lính này là những binh sĩ cuối cùng của Hitler chịu buông súng.
Dấu tích và di sản để lại
Svalbard ngày nay là điểm đến của du khách, nhà nghiên cứu, và nghệ sĩ, một nơi bình yên dưới ánh mặt trời không lặn của mùa hè tại Na uy. Nhưng dưới lớp băng vĩnh cửu và đá xám tro ấy vẫn còn những vết tích chiến tranh bị thời gian bỏ quên.
Xác máy bay Junkers Ju 88 của Đức quốc xã
Xác chiếc Ju-88 nằm trong tuyết tại Svalbard
Tại Signehamna, một nhóm thám hiểm đã tìm thấy dấu tích trạm Nussbaum với dây thép gỉ, mảnh gốm, vật dụng méo mó. Tất cả những tàn tích này là minh chứng câm lặng cho cuộc chiến tranh không tiếng súng từng diễn ra nơi này. Không xa đó là xác máy bay Junkers Ju 88, một chiến đấu cơ Đức từng tham gia tấn công đoàn tàu PQ-18 vào năm 1942. Sau khi trúng đạn phòng không, nó buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Svalbard, phi hành đoàn sống sót và được cứu đi, để lại chiếc máy bay lạnh lẽo giữa vùng băng trắng như một chứng tích kỳ lạ của thời chiến.
Xác chiếc Ju 88, mang số hiệu 4D+GS, vẫn còn nguyên phần đuôi và cánh, khung buồng lái chỉ còn trơ khung thép và dây điện, nằm lặng lẽ giữa băng tuyết như một bảo tàng chiến tranh ngoài trời. Xung quanh là các vật dụng như bình xăng, lốp máy bay – tất cả hòa vào cảnh sắc lạnh lẽo, hoang vắng của vùng cực, tạo cảm giác vừa siêu thực vừa ám ảnh cho bất kỳ ai tận mắt chứng kiến.
Svalbard cô đơn lạnh lẽo nhưng lại đang trở thành nơi tranh chấp mới, cũng là nơi đặt Global Seed Vault phòng thảm hoạ tận thế
Theo luật Di sản Văn hóa Na Uy ban hành năm 1992, mọi di tích từ trước năm 1946 đều được bảo tồn nguyên trạng, không được di dời hay phá huỷ, biến Svalbard thành một bảo tàng ngoài trời độc đáo về chiến tranh và lịch sử khí tượng học.
Svalbard - Vùng đất tưởng như không thuộc về ai
Thế chiến II có thể đã trôi qua gần một thế kỷ, nhưng vùng đất này vẫn tiếp tục chứng kiến các xung đột mới. Kể từ năm 2022, căng thẳng giữa các khu định cư Nga và Na Uy tại Svalbard gia tăng khiến nhiều hãng du lịch từ chối đưa khách tới các mỏ của Nga. Trong khi đó, Mỹ mở rộng ảnh hưởng tại Greenland, còn Trung Quốc từng tìm cách mua lại đất tại đây nhằm tìm chỗ đứng ở Bắc Cực.
Dù Svalbard được xem là vùng “không quốc tịch”, không yêu cầu visa nhập cảnh, và trẻ em sinh ra tại đây không có quốc tịch, nhưng thực tế, các cường quốc đang âm thầm cạnh tranh ảnh hưởng. Không chỉ Nga và Na Uy, mà cả Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu khác đều tìm cách củng cố vị thế khi Bắc Cực ngày càng có giá trị về thương mại, tài nguyên và chiến lược quân sự trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Svalbard tưởng như vô giá trị, lại một lần nữa có thẻ trở thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh lạnh mới, nơi các cường quốc ngấm ngầm tranh giành quyền lực trong kỷ nguyên tan băng.