Bloomberg: Apple đề xuất đầu tư thêm 10 triệu đô vào Indonesia sau lệnh cấm bán iPhone 16
Gần đây, chính phủ Indonesia đã gây sức ép lên các tập đoàn công nghệ, yêu cầu tăng cường sản xuất trong nước. Lệnh cấm bán iPhone 16 của Apple và Google Pixel là minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách này. Chắc anh em cũng không lạ gì với điều mình vừa nói, còn anh em nào chưa rõ thì mời đọc bài này.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Apple đã đề xuất đầu tư gần 10 triệu USD vào một nhà máy ở Bandung để sản xuất linh kiện và phụ kiện cho các thiết bị của hãng.
Động thái này được xem là nỗ lực nhằm gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia, sau khi Bộ Công nghiệp nước này cho rằng Apple chưa đáp ứng yêu cầu 40% hàm lượng nội địa đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng. Hiện Bộ Công nghiệp Indonesia đang xem xét đề xuất của Apple và dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng.
Mặc dù khoản đầu tư bổ sung của Apple có thể được coi là một chiến thắng cho Indonesia, nhưng theo một số chuyên gia cách tiếp cận cứng rắn này có nguy cơ gây tác dụng ngược, khiến các công ty khác e ngại đầu tư vào quốc gia này.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joko Widodo cũng từng gây áp lực buộc ByteDance (công ty mẹ của TikTok) phải đầu tư 1,5 tỷ USD vào liên doanh với Tokopedia để tiếp tục hoạt động tại Indonesia. Bên cạnh đó, LG Electronics đã từng phàn nàn rằng do chính sách cứng rắn này, họ không thể nhập khẩu một số linh kiện để sản xuất máy giặt và tivi.
Theo chính phủ Indonesia, Apple mới chỉ đầu tư 1,5 nghìn tỷ rupiah (tương đương 96,2 triệu USD) vào các học viện phát triển ứng dụng, thấp hơn so với cam kết ban đầu là 1,7 nghìn tỷ rupiah. Mặt khác, việc hạn chế nhập khẩu hàng loạt sản phẩm từ đầu năm đến nay đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù Indonesia liên tục kêu gọi các công ty quốc tế thúc đẩy sản xuất nội địa, ngành công nghiệp nội địa của Indonesia vẫn đang trì trệ với tỷ trọng sản xuất trong GDP giảm từ 21,1% xuống còn 18,7% vào năm ngoái.