Người hâm mộ Thể thao Việt Nam mới đây lại được phen ngán ngẩm và thất vọng khi một loạt cầu thủ của đội Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị cảnh sát tạm giữ vì sử dụng ma túy. Vụ việc khiến người ta phải đặt câu hỏi về công tác quản lý của đội bóng và vì sao giới cầu thủ vẫn tìm tới “thú vui” nguy hiểm này?
“Cơn địa chấn” với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh
Theo lịch thi đấu, CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ làm khách của B.Bình Dương ở vòng 17 giải V-League diễn ra chiều nay (8/5). Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng và rất “khát” điểm. Thế nhưng bất ngờ là cả 4 trụ cột của đội gồm tiền vệ Đinh Thanh Trung, tiền vệ Nguyễn Trung Học, thủ môn Dương Quang Tuấn và trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng đều không được đăng ký thi đấu.
Sự vắng mặt bất thường của các trụ cột trùng khớp với thông tin cơ quan cảnh sát mới tạm giữ nhóm cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vì liên quan vụ sử dụng ma túy tập thể tại khách sạn ở TP Hà Tĩnh.
Đáng chú ý đây đều là những cầu thủ trụ cột, có tên tuổi, thậm chí Đinh Thanh Trung còn từng đoạt danh hiệu “Quả bóng Vàng Việt Nam” năm 2017 và đang được quy hoạch cho vị trí trong ban huấn luyện đội bóng từ mùa giải sau.
Trong khi đó, trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng vừa cùng đội U23 tham dự giải U23 châu Á tại Qatar. Còn Nguyễn Trung Học là cầu thủ quan trọng và không ít trận đeo băng đội trưởng của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Vì sao nhiều cầu thủ vẫn “làm bạn” với ma túy?
Đây không phải lần đầu tiên cầu thủ Việt Nam bị phát hiện sử dụng ma túy. Năm 2008, 5 cầu thủ đội Xi măng Hải Phòng bị phát hiện sử dụng ma túy tổng hợp sau khi V-League kết thúc. Ngay sau đó, nhóm cầu thủ của Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) cũng bị phát giác sử dụng thuốc lắc tại một khách sạn ở TP.HCM.
Trước đó, người hâm mộ còn bàng hoàng khi chứng kiến những cầu thủ tên tuổi khác như Xuân Thành tàng trữ thuốc lắc khi tới vũ trường có tiếng tại Hà Nội. Cầu thủ này trả giá bằng án treo giò hơn 1 năm và mất suất lên tuyển.
Nhưng có lẽ ám ảnh nhất là hình ảnh của cựu tuyển thủ Huy Hoàng gây tai nạn giao thông trên đường phố Thanh Hóa. Khi người dân và công an bủy vây chiếc xe của Huy Hoàng thì phát hiện cầu thủ này có những biểu hiện bất thường, thở dốc, mắt nhắm lim dim, thậm chí còn vỗ tay, uốn éo cơ thể theo tiếng nhạc giống như người phê thuốc!
Những cầu thủ sử dụng chất cấm nêu trên đều phải trả giá bằng chính sự nghiệp của mình. Đó là bài học với các cầu thủ thế hệ sau nhưng xem ra không phải ai cũng đủ sức đứng ngoài “thú vui” chết chóc này.
Điểm chung của nhóm cầu thủ “tệ nạn” là có hầu bao rủng rỉnh nhờ những bản hợp đồng tiền tỉ, có tầm ảnh hưởng không nhỏ ở đội bóng. Việc họ tìm tới ma túy được cho là để giải tỏa căng thẳng sau trận đấu. Rõ ràng đó chỉ là cách bao biện cho hành động ăn chơi, vô kỷ luật và cực kỳ thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận nhỏ trong giới cầu thủ.
Ở đây cũng phải đặt ra câu hỏi về cách quản lý, giáo dục cầu thủ của chính những đội bóng, HLV. Bởi hơn ai hết họ là người am hiểu, gần gũi với các cầu thủ nhất, có thể định hướng nghề nghiệp, lối sống, đạo đức cho cầu thủ vì chính lợi ích của CLB cũng như nền bóng đá nước nhà.