Có thể bạn chưa biết, bụi mịn không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đây là điều khiến bụi mịn nguy hiểm và cũng chính là điều khiến chúng ta có thể có những đánh giá chưa chính xác về bụi mịn, bụi không mịn và những thiết bị liên quan đến bụi mịn như máy hút bụi hay máy lọc không khí.
Vật chất dạng hạt – Particulate Matter (PM)
PM viết tắt của Particulate Matter – vật chất dạng hạt, không phải là một chất gây ô nhiễm đơn lẻ, mà là hỗn hợp phức tạp của chất rắn và khí dung bao gồm các giọt chất lỏng nhỏ, các mảnh rắn khô và lõi rắn có lớp phủ chất lỏng [arb.ca.gov].
Các hạt có kích thước, hình dạng và thành phần hóa học rất khác nhau, nhưng được xác định theo đường kính cho mục đích quản lý chất lượng không khí, bao gồm [arb.ca.gov, epa.gov]:
- PM 10 chỉ những hạt có kích thước bằng và nhỏ hơn 10 micro-mét (μm)
- PM 2.5 chỉ những hạt có kích thước bằng và nhỏ hơn 2.5 μm
- PM 1.0 chỉ những hạt có kích thước bằng và nhỏ hơn 1.0 μm
Những hạt từ PM 10 có thể được hít vào phổi, một số hạt nhỏ hơn 10μm có thể xâm nhập sâu hơn vào máu và gây ra nhiều tác động xấu đến sức khoẻ.
Bụi mịn được định nghĩa là bụi có kích thước bằng và nhỏ hơn 2.5μm (PM2.5). Bản thân bụi mịn PM 2.5 cũng bao gồm một phần của PM10 (vì bằng hoặc nhỏ hơn 2.5μm cũng là nhỏ hơn 10 μm) và tương tự, PM 1.0 cũng là một phần của PM 2.5 và PM 10 [arb.ca.gov, epa.gov]
Giới hạn mắt người
Người trần mắt thịt, chúng ta chỉ có thể nhìn được các hạt ở ngưỡng khoảng 40μm, tức là đâu đó bằng với đường kính của một sợi tóc [Visual Capitalist].
Và hiển nhiên, con người sẽ KHÔNG nhìn thấy được bụi mịn PM 2.5 bằng mắt thường.
Những đánh giá chưa chính xác
Dưới đây là một số đánh giá chưa chính xác mình thường gặp:
“Tôi nhìn thấy chiếc máy hút bụi đó, máy lọc không khí đó hút được rất nhiều bụi mịn”
→ Thực tế: thứ bạn thấy là bụi không mịn, là bụi cỡ lớn, vì bạn vẫn nhìn thấy. Có thể máy đó hút được nhiều bụi, nhưng chưa thể khẳng định đó là bụi mịn. Vì vậy, nếu xem quảng cáo mà thấy người bán đổ một đống bụi ra và nói câu ở trên, các bạn cần cân nhắc về tính chính xác của thông tin đó.
“Tôi thấy máy lọc không khí vô dụng vì dù có hay không thì vẫn thấy rất nhiều bụi trên bề mặt đồ đạc”
→ Thực tế: thứ bạn thấy không phải là bụi mịn mà là bụi không mịn, là bụi lớn. Vì kích thước và khối lượng lớn, nên thay vì lơ lửng trong không khí, bụi lớn sẽ nhanh chóng rơi xuống và hạ cánh trên bề mặt đồ đạc.
Còn bụi mịn, là thứ bạn không thấy, rất nhỏ, rất nhẹ, đang lơ lửng trong không khí, mới là thứ khiến máy lọc không khí tồn tại, để làm nhiệm vụ hút đám bụi mịn lơ lửng đó vào, giữ lại trong màng lọc để hạn chế bạn hít phải chúng.
Máy lọc không khí vẫn sẽ hút được bụi không mịn, nhưng chỉ khi những hạt bụi đó còn lơ lửng trong không khí và được luồng khí đưa vào máy, đó là lý do các máy lọc không khí vẫn có màng lọc thô, nhưng không có nghĩa là máy lọc không khí sẽ lọc được toàn bộ bụi không mịn, đặc biệt là khi chúng đã an toạ ở trên một vật nào đó.
Nếu bạn đánh giá hiệu quả của máy lọc không khí (với tác dụng chính là lọc bụi mịn) bằng bụi không mịn, bạn đang dùng sai thước đo.
“Từ khi dùng máy lọc không khí, tôi thấy bụi trên đồ đạc giảm hẳn, vì thế tôi đánh giá máy lọc bụi mịn hiệu quả”
→ Thực tế: Cũng tương tự như trên, những gì bạn thấy không phải là bụi mịn, vì thế chỉ có thế đánh giá là máy lọc được bụi lớn hiệu quả, và có thể (chỉ là có thể thôi) máy cũng sẽ lọc bụi mịn hiệu quả.
Vì sao mình dùng từ có thể, vì với những trường hợp máy lọc không khí không dùng màng lọc HEPA (có khả năng loại bỏ 99.9% bụi mịn PM 2.5), mà chỉ dùng màng lọc như EPA (với khả năng lọc 85% bụi mịn), hay thậm chí chỉ dùng một số màng lọc không khí thông thường (không có khả năng lọc bụi mịn), máy sẽ lọc bụi lớn tốt nhưng lại lọc bụi mịn không tốt.
Những trường hợp đó có thể xảy ra khi nào? Khi nhà sản xuất máy lọc không khí, máy hút bụi… cố tình “đánh lận con đen”, cứ gọi màng lọc trên thiết bị là màng HEPA dù có thể không phải. Vì xét cho cùng, màng lọc HEPA cũng quá khó để phân biệt bằng mắt thường với các loại màng lọc không khí khác.
Làm thế nào để đánh giá chính xác hơn?
Chúng ta cần có công cụ đo đạc để có những nhận định chính xác hơn là dùng mắt. Đó là lý do chúng ta có những thiết bị đo độc lập hoặc có cảm biến tích hợp trên nhiều máy lọc không khí để phần nào cung cấp số liệu định lượng cụ thể bụi mịn PM2.5 / PM10 / PM1.0 có trong không khí.
Tuy nhiên, bản thân cảm biến nhận diện bụi mịn cũng có nhiều loại như cảm biến hồng ngoại, cảm biến laser, cũng có độ nhạy khác nhau, có vị trí đặt trên máy khác nhau, có sai số khác nhau. Vì vậy, đôi khi kết quả về lượng bụi mịn cũng chỉ mang tính chất tương đối nhưng cũng đủ để tham khảo và chắc chắn chính xác hơn việc chúng ta “nhìn thấy” hoặc “cảm thấy”.
Để tăng tính chính xác, có thể sử dụng nhiều hơn một máy đo hoặc cảm biến để đo đạc thông số bụi mịn trong phòng. Hoặc nếu muốn biết khả năng của thiết bị, sẽ cần đặt thiết bị vào một không gian có kiểm soát để thực hiện các bài test. Từ đó, chúng ta mới có thể đưa ra nhận định chính xác về lượng bụi mịn có trong không khí hay khả năng lọc bụi mịn của thiết bị.