Trong tháng 5/2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng Hải quan bắt giữ và xử lý.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2024, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 5,58 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 1,76 tỷ USD) so với tháng trước và nhập khẩu ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 3,82 tỷ USD) so với tháng trước. Cán cân thương mại tháng 5/2024 ước nhập siêu 1 tỷ USD.
Xuất khẩu tháng 5/2024 ước tính tăng mạnh ở nhóm hàng rau quả trong khi đó nhập khẩu trong tháng 5/2024 ước tính tăng mạnh ở các mặt hàng như dầu thô, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng xuất nhập khẩu 5 tháng năm 2024 ước đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16.6% (tương ứng tăng 44,56 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu ước tính đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 21,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 23,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ước xuất siêu 8 tỷ USD.
Hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng Hải quan bắt giữ và xử lý. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng nóng, nổi cộm như: vàng, pháo nổ, đường kính trắng sản phẩm gia cầm vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt – Lào; sản phẩm gia cầm, thuỷ sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc diễn ra cả tuyến đường bộ miền Bắc và tuyến hàng không miền Trung; than, xăng dầu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiếp diễn trên địa bàn vùng biển Đông Bắc và mở rộng sang địa bàn vùng biển Tây Nam. Trong tháng phát sinh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép súng quân dụng trên tuyến hàng không miền Bắc.
Cùng với đó, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ tại 03 tuyến: đường hàng không, tuyến đường biển và đường bộ. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan, như: Ban hành Kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới và Kế hoạch kiểm soát ma tuý và hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất ma tuý của Ngành năm 2024; cảnh báo về tình hình, phương thức thủ đoạn vận chuyển ma túy là Ketamine; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong tháng 5/2024 , ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 1.370 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.285 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 08 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 128,1 tỷ đồng.
Luỹ kế 5 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 8.401 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 04 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 53 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 284,8 tỷ đồng.