
Các nhà khảo cổ học vừa đưa ra một giả thiết mới về mục đích của việc xây dựng Stonehenge bên cạnh mục đích vốn đã được xác định trước đó là để quan sát hiện tượng thiên văn hay mặt trời.
Các nhà khảo cổ học đến từ University College London vừa cho đăng tải một nghiên cứu trên tạp chí Archaeology International với giả thuyết mới về vai trò của Stonehenge trong thời kì đồ đá. Theo đó, họ cho rằng Stonehenge không được xây dựng chỉ với mục đích để quan sát các hiện tượng thiên văn hay làm lịch mặt trời. Trên thực tế, Stonehenge có thể là biểu trưng cho sự đoàn kết của những nhóm người tại Anh trong thời kỳ đồ đá. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết này dựa vào nguồn gốc của những tảng đá tại Stonehenge, đặc biệc là tảng đá “Bàn thờ” (Altar Stone).
Trước đó, các nhà khoa học hoàn toàn không có một manh mối nào về nguồn gốc của những tảng đá được dùng để xây dựng Stonehenge. Tuy nhiên, một nghiên cứu cũng được đăng tải trong năm vừa qua đã giải thích nguồn gốc địa chất của chúng. Theo đó, tảng đá Altar Stone nặng 6 tấn có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Scotland. Những tảng đá khác thì lại có nguồn gốc từ Wales và các khu vực lân cận miền Nam nước Anh. Nguồn gốc đa dạng của những tảng đá này, đặc biệt là việc vẩn chuyển từ những nơi xa xôi mà không có bất kì công nghệ tiên tiến nào khiến Stonehenge trở nên độc đáo và bằng chứng cho thấy mức độ tổ chức và phối hợp xã hội cao tại đây.
Những tảng đá bàn thờ (Altar Stone) có nguồn gốc từ Bắc Scotland, kết hợp nguồn gốc đa dạng của những tảng đá tại đây gợi mở về vai trò biểu trưng cho sự thống nhất, liên minh của Stonehenge
Dựa trên phân tích địa chất này, các nhà nghiên cứu đã đề xuất ra một giả thuyết về vai trò là một đài tưởng niệm chính trị và tôn giáo của nước Anh vào thời kì đó, tượng trưng cho sự hợp tác giữa các cộng đồng khác nhau trên khắp nước Anh. Nói một cách khác, Stonehenge được xem như một dự án cộng đồng, đóng vai trò đoàn kết Anh bản địa thời kỳ đồ đá mới, trong bối cảnh có sự xuất hiện của các tộc người từ Đức và Hà Lan. Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc xây dựng công trình này, với các khối đá được vận chuyển từ những khu vực xa xôi, tượng trưng cho sự sự liên minh, nỗ lực vì mục đích chung giữa các bộ lạc.
Bên cạnh đó, nghiên cứu trên cũng đưa ra giả thuyết chi tiết về thời gian xây dựng cũng như mục đích của từng giai đoạn. Theo đó, Stonehenge được bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 3000 TCN với sự xuất hiện của 43 tảng đá từ xứ Wales cách đó khoảng 225 km. Sau đó, vào khoảng năm 2.500 TCN, các tảng đá lớn hơn (sarsen stones) được đưa đến. Với Altar Stone, tảng đá này cũng được thêm vào cùng khoảng thời gian đó và với nguồn gốc từ Bắc Scotland, tảng đá này như biểu tượng của sự liên minh của các bộ lạc tại đó với các bộ lạc khác. Ngoài ra, Altar Stone cũng được đặt thẳng hàng với hoàng hôn vào ngày đông chí, nhấn mạnh ý nghĩa thiên văn của nó.