Trong quá trình giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, đã phát hiện và ghi nhận các thông tin liên quan đến các chiến dịch tấn công mạng sử dụng mã độc để thực hiện các hành vi trái phép.
Cụ thể, lỗ hổng an toàn thông tin trên Foxit PDF Reader đã được xác định là đang bị khai thác bởi các đối tượng tấn công để lan truyền mã độc. Đồng thời, Cục An toàn thông tin cũng ghi nhận thông tin về một chiến dịch tấn công do nhóm Earth Hundun thực hiện trong năm 2024, trong đó sử dụng mã độc RAT để tiến hành các chuỗi tấn công và lan truyền mã độc vào các thiết bị khác.
1. Thông tin chi tiết về chiến dịch tấn công của nhóm Earth Hundun
Nhóm tấn công APT Earth Hundun nhằm vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương sử dụng mã độc Waterbear và biến thể mới nhất Deuterbear. Mã độc Deuterbear lần đầu được ghi nhận sử dụng vào tháng 10/2022.
Mã độc Deuterbear RAT đã được cải thiện khả năng bằng cách thu gọn lại chỉ còn 20 câu lệnh, có khả năng nhận nhiều plugin hơn để cải thiện tính linh động, bổ sung các chức năng cho phép điều khiển thiết bị người dùng dễ hơn.
2. Thông tin chi tiết về lỗ hổng an toàn thông tin trên Foxit PDF Reader
Qua quá trình phân tích, các chuyên gia bảo mật đã phát hiện nhiều chủng mã độc, công cụ độc hại được sử dụng trong chuỗi lây nhiễm như: VenomRAT, Agent-Tesla, Remcos, NjRAT, NanoCore RAT, Pony, Xworm, AsyncRAT và DCRat.
Lỗ hổng trên phần mềm Foxit PDF Reader đã bị khai thác bởi nhiều nhóm tấn công khác nhau với điểm chung là mã độc được phát tán dưới dạng các file PDF độc hại. Một số chiến dịch đáng chú ý có thể kể tới là:
- Nhóm tấn công APT-C-35 (DoNot Team) sử dụng mã độc Rafel RAT để thu thập và tải về máy chủ C&C các file tài liệu, ảnh, file nén và file cơ sở dữ liệu.
- Một số đối tượng tấn công chưa xác định đã phát tán các file PDF độc hại thông qua mạng xã hội Facebook, ứng dụng Discord nhằm phát tán mã độc RAT đánh cắp dữ liệu cookies, thông tin xác thực của người dùng trên trình duyệt Google Chrome và Edge, cùng với mã độc đào tiền ảo.
- Chiến dịch sử dụng nền tảng Trello làm nơi lưu trữ để phát tán mã độc Remcos RAT nhằm vào người dùng tại Việt Nam, Hàn Quốc cùng một số quốc gia khác.
Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của các đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị thực hiện:
1. Kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin đang sử dụng có khả năng bị ảnh hưởng bởi mã độc trên. Chủ động theo dõi các thông tin liên quan đến mã độc từ hãng nhằm thực hiện nâng cấp lên phiên bản mới nhất để tránh nguy cơ bị tấn công.
2. Tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.
3. Trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, điện thoại 02432091616, thư điện tử: ncsc@ais.gov.vn.
Cục An toàn thông tin cho biết, các đơn vị có thể tải xuống các mã IOC tại https://Аlert.khonggianmang.vn/.