
Đại học Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền Trump lên toà án Liên bang ở Boston nhằm phản đối việc đóng băng 2.2 tỷ USD tài trợ liên bang và những yêu cầu từ chính phủ. Theo Harvard, việc đóng băng này là tuỳ tiện và độc đoán, vi phạm quyền tự do học thuật, vi phạm quyền hiến định của trường, cụ thể là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa kỳ và các điều khoản trong Điều VI của Đạo luật Dân quyền. Sự việc Harvard đệ đơn kiện đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong cuộc tranh luận về sự can thiệp của chính phủ đối với hệ thống giao dục đại học tại Mỹ.
Trước đó, Chính quyền Trump đã đóng băng tài trợ vì Harvard không tuân theo các yêu cầu về việc thay đổi chính sách tuyển sinh, kiểm soát các câu lạc bộ sinh viên, và hạn chế các hoạt động chính trị trên khuôn viên trường. Cụ thể, vào 11/4, chính quyền Trump đã gửi 1 lá thư đến Harvard yêu cầu các cải cách lớn về quản lý và lãnh đạo, yêu cầu xử lý nghiêm các cuộc biểu tình, kiểm tra sinh viên quốc tế để loại trừ những người “thù địch với giá trị của nước Mỹ”, đồng thời lập luận rằng Harrvard đã để tình trạng bài Do Thái không được kiểm soát tại các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza trong khuôn viên trường vào năm ngoái. Chủ tịch Alan Garber tuyên bố Harvard không chấp nhận những yêu cầu này và viện dẫn quyền tự do ngôn luận theo Tu Chính Án Thứ Nhất. Ngay sau đó, chính quyền Trump đã đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang.
Sau khi Harvard đệ đơn kiện. Chỉ vài giờ sau, Nhà Trắng đã phản hồi. Phát ngôn viên Nhà Trắng Harrison Fields cho biết trong 1 email khá gay gắt mà tạm dịch ở đây “Dòng chảy viện trợ liên bang cho những tổ chức như Harvard - nơi mà các quan chức ngồi mát ăn bát vàng bằng tiền thuế của các gia đình Mỹ đang vật lộn mưu sinh - sẽ sớm kết thúc. Tiền thuế là một đặc quyền và Harvard không đáp ứng được những điều kiện tối thiểu để được hưởng đặc quyền đó”. Với chính quyền Trump, Harvard trở thành trở ngại lớn đầu tiên trong nỗ lực buộc các trường đại học phải thay đổi - nơi mà Đảng Cộng Hoà cho rằng đã trở thành điểm nóng của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bài Do Thái. Một trong những công cụ chính quyền sử dụng là đòn bẩy tài chính, cụ thể là các khoản tài trợ nghiên cứu - vốn góp phần tạo ra những đột phá khoa học nhưng giờ đây lại trở thành mảnh đất để gây áp lực chính trị.
Ngoài khoản tài trợ 2.2 tỷ USD, Harvard có thể sẽ bị mất cả 1 tỷ USD tiền tài trợ nghiên cứu y tế và đối mặt với nguy cơ bị thu hồi quy chế miễn thuế cùg với việc cấm tuyển sinh sinh viên quốc tế. Và không chỉ Harvard, nhiều trường khác như Princeton, Cornell, Northwestern cũng đang phải đối mặt với các quyết định ngừng tài trợ Liên Bang.
Trước vụ kiện lần này, Garber viết gửi cộng đồng Harvard “Hôm nay, chúng ta đứng lên vì những giá trị đã khiến giáo dục đại học Hoa Kỳ trở thành ngọn hải đăng cho thế giới”, “chúng tôi khẳng định rằng các trường đại học trên toàn quốc hoàn toàn có thể thực hiện nghĩa vụ pháp lý và đóng góp cho xã hội mà không cần thiết phải khuất phục trước sự can thiệp sai trái của chính phủ.”
Hội đồng giáo dục Hoa kỳ - một tổ chức phi lợi nhuận với 1.600 trường đại học thành viên cũng ủng hộ Harvard. Chủ tịch hội đồng nói “chúng tôi hoan nghênh bước đi này của Harvard và mong đợi một phán quyết rõ ràng, dứt khoát từ toà án nhằm bác bỏ mọi nỗ lực phá hoại học thuật và khoa học”.