Dự kiến khởi công 9 tuyến đường sắt trước năm 2030

02/04/2025 13:12
Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, từ nay đến 2030 dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt TPHCM - Cần Thơ.
Chín tuyến đường sắt dự kiến được khởi công trước năm 2030. Ảnh: Minh Hoàng

Theo Bộ Xây dựng, các dự án này có vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đô la Mỹ, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, baochinhphu.vn đưa tin.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, nối từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố, gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỉ đô la Mỹ, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến được lập từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035.

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 388,1km, có điểm đầu tại điểm nối ray với Trung Quốc (thành phố Lào Cai) và điểm cuối tại ga cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Tuyến đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm 30 ga hành khách và 2 depot tại Yên Thường, Yên Viên. Dự án được đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8,39 tỉ đô la Mỹ. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến lập từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Dự án đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi và điểm cuối tại ga Kim Sơn với tổng chiều dài khoảng 31km, dự kiến khởi công năm 2027 và cơ bản hoàn thành vào năm 2032.

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (dài 131 km) từng bị đình hoãn theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Hiện tại, Bộ Xây dựng giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2030.

Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 42km, phục vụ vận chuyển hành khách, đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2030. Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao UBND TPHCM làm chủ quản và bổ sung vào quy hoạch đường sắt đô thị.

Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình (tỉnh Bình Dương) và điểm cuối tại ga Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) với tổng chiều dài khoảng 175,2 km. Dự án hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2032.

Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại ga Trảng Bom (Đồng Nai) và điểm cuối tại ga Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng chiều dài khoảng 132km. Dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành vào năm 2035.

Dự án đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ có điểm đầu tại ga Vũng Áng (Hà Tĩnh) và điểm cuối tại ga Mụ Giạ (Quảng Bình), với tổng chiều dài khoảng 105km, tốc độ thiết kế tàu khách 120km/h và tàu hàng 80km/h. Nhà đầu tư đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công trước năm 2030 và hoàn thành vào năm 2035.

Dự án đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có điểm đầu tại ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và điểm cuối tại ga Đà Lạt (Lâm Đồng) với tổng chiều dài khoảng 84km. Tuyến đường đơn, khổ 1000mm, tốc độ thiết kế tàu khách 120km/h và tàu hàng 80km/h.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, đến năm 2030, cả nước sẽ phát triển thêm 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 4.802km, tăng 2.362km so với hiện tại. Đến năm 2050, tổng chiều dài sẽ đạt 6.354km, tăng thêm 1.552km.

Nhiều địa phương đã có quy hoạch đường sắt đô thị và liên vùng. Hà Nội dự kiến đầu tư 415km đường sắt đến năm 2035, trong khi TPHCM sẽ đầu tư 355km. Đến năm 2045, Hà Nội có nhu cầu đầu tư thêm 200km, TPHCM là 155km.


Tin xem thêm