Elon Musk: Trạm ISS nên dừng hoạt động càng sớm càng tốt và hãy hướng tới Sao Hỏa

Trong một bài đăng trên X, Elon Musk cho biết đã đến lúc sửa soạn đẩy Trạm ISS khỏi quỹ đạo, bởi nó đã làm xong mục đích của mình và không còn đem lại nhiều lợi ích, thay vì vậy hãy hướng đến sao Hỏa. Đặc biệt ở một bài đăng khác ông còn nêu ra thời điểm mong muốn của mình là chỉ sau 2 năm nữa, tức ngay vào năm 2027.
Trong khi đó theo kế hoạch phải đến tận năm 2030 thì ISS mới được đẩy khỏi quỹ đạo. Chính vì vậy ông nói thêm rằng quyết định cho chuyện này còn tùy vào Tổng thống Mỹ, với khuyến nghị càng sớm càng tốt.
Ngoài NASA thì ISS còn được một số đối tác tham gia chế tạo như Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos). Trạm được xây từ năm 1998 và bắt đầu tiếp nhận phi hành gia kể từ tháng 11/2000. Do đã hoạt động hơn 20 năm qua nên nó đang khá là xuống cấp.
Các đối tác đều đồng ý với cột mốc năm 2030, riêng Roscomos lại muốn rời ISS sớm và chỉ cam kết tới năm 2028. Như vậy dự định của Nga là gần nhất với mục tiêu của Musk.
Trạm sẽ được đẩy khỏi quỹ đạo bằng một con tàu do SpaceX chế tạo có tên là US Deorbit Vehicle (USDV), được làm dựa trên tàu Cargo Dragon nhưng có công suất mạnh hơn, với 46 động cơ Draco. USDV được trang bị 2 tấm pin mặt trời với tổng khối lượng khi phóng hơn 30 tấn. Nó sẽ được phóng lên để ghép nối với ISS và làm nhiều thao tác để hạ dần quỹ đạo của ISS, sao cho cả hai sẽ lao xuống bầu khí quyển rồi cháy tan.
Quan điểm hướng thẳng tới Sao Hỏa của Musk ắt là sẽ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ. Musk đang là lãnh đạo của cơ quan cố vấn DOGE và với ông Sao Hỏa đại diện cho sự hiệu quả, trong khi các sứ mệnh liên quan đến Mặt trăng đang cho thấy những điều ngược lại: trì trệ và hao tốn.
Chuyện này cũng chẳng mới gì bởi từ cuối năm ngoái ông đã nói Mặt trăng là một sự “sao lãng” rồi, có điều NASA lại đang gắng sức đưa các phi hành gia lên Mặt trăng thông qua chương trình Artemis, thay vì dồn sức cho Sao Hỏa. Hồi năm 2022, Artemis đã làm xong sứ mệnh đầu tiên là phóng thành công tàu Orion không người lái bay quanh Mặt trăng và còn 9 sứ mệnh nữa, rải rác từ năm 2026 tới 2035.
Việc hủy bỏ hoàn toàn một chương trình đã lên kế hoạch kỹ như Artemis không dễ tí nào. Ngay cả Musk cũng không hề nói phải hủy chương trình, dẫu có cho rằng Mặt trăng đang làm chúng ta mất tập trung.
Ông Trump đã đề cử tỷ phú Jared Issacman làm Giám đốc NASA. Do Issacman là người ít bày tỏ quan điểm cụ thể về Sao Hỏa và Mặt trăng, nên có thể NASA sẽ đi tới một giải pháp “thỏa hiệp” giữa 2 xu hướng, thí dụ bãi bỏ một số sứ mệnh nào đó của Artemis, hoặc cắt giảm chi phí để dồn lực cho Sao Hỏa. Trước khi ông Issacman nhậm chức, NASA đang do bà Janet Petro tạm điều hành và chính họ cũng mong được biết rõ các kế hoạch mà Nhà Trắng dành cho mình.