Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu chỗ ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, Luật đã bổ sung quy định liên quan đến nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp sẽ được xem xét thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp với giá thuê nhà lưu trú do bên thuê thỏa thuận với bên cho thuê theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Ngày 08/01/2024 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 19/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư hướng dẫn, dự kiến trình Chính phủ trong Quý II/2024.
Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Đề án.
- Đối với các Bộ, ngành: tập trung thực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP;
- Đối với các địa phương: cần khẩn trương thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Tại Đề án, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 5.800 căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2021 đến nay mới có 1 dự án đã hoàn thành với 619 căn (tỷ lệ hoàn thành so với mục tiêu đến năm 2025 là 11%). Như vậy, để đảm bảo mục tiêu của Đề án, tỉnh Hải Dương còn phải tập trung đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thành hơn 5.000 căn hộ nhà ở xã hội nữa.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), gói tín dụng 125.000 tỉ đồng với sự tham gia của 5 ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dường như chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Tính đến thời điểm này, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã triển khai đúng một năm. Tuy nhiên, thống kê mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy sau một năm triển khai, kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn rất thấp. Với chủ đầu tư dự án mới giải ngân được 415 tỉ đồng tại 6 dự án, còn người mua nhà hơn 540 triệu đồng tại hai dự án.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này. Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Nguyên nhân không chỉ vì phải chịu lãi suất cao 7,5%/năm với thời hạn vay 5 năm, mà còn bởi vì mức lãi suất này bị điều chỉnh 6 tháng/lần và sau thời hạn ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi. Phía HoREA nhận định người mua, thuê mua nhà ở xã hội đang có tâm lý ngại vay.