Thị trường bất động sản sôi động trở lại tại Hà Nội với hơn 22.000 giao dịch sơ cấp và thứ cấp trong Q1/2024, trong đó có hơn 13.000 giao dịch có giá trị dưới 5 tỷ đồng.
75% giao dịch BĐS Hà Nội diễn ra tại khu Đông và khu Tây
Trong tổng số 22.000 giao dịch BĐS trong quý 1/2024 tại Hà Nội, có tới 90% là giao dịch chung cư và thổ cư, tương đương 20.000 giao dịch.
Xét trên khu vực, khu Đông và khu Tây Hà Nội chiếm 75% các giao dịch trong quý 1, tương đương 14.100 giao dịch. Trong đó, khu Đông có 4.300 giao dịch, khu Tây là 9.800. Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing dự báo, khu Đông và khu Tây vẫn là hai khu vực có nguồn cung BĐS nhà ở lớn nhất tại Hà Nội trong những năm tới, các giao dịch chủ yếu tập trung tại hai khu vực này.
Đáng chú ý, hơn 60% giao dịch bất động sản Hà Nội có giá trị dưới 5 tỷ đồng. Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing nhận định đây là phân khúc giá dành cho các khách hàng có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư hướng tới suất đầu tư “vừa miếng”.
Với việc giá bất động sản nội thành neo ở mức cao, các giao dịch bất động sản dưới 5 tỷ thường tập trung ở các quận ngoài trung tâm. Chung cư dưới 5 tỷ đồng thường tập trung tại các đại đô thị tại Gia Lâm, Nam Từ Liêm trong khi nhà đất thổ cư dưới 5 tỷ tập trung tại Hà Đông, Long Biên và Hoàng Mai.
Giao dịch chuyển nhượng căn hộ và nhà trong ngõ sôi động
Giao dịch chung cư tại Hà Nội Q1/2024 sôi động với gần 12.000 giao dịch. Nguồn cung sơ cấp hạn chế do chỉ có một số chủ đầu tư có thể ra hàng, nên giao dịch chuyển nhượng chiếm phần lớn, lên tới 73%.
Với thị trường thổ cư, tổng lượng giao dịch nhà trong ngõ Quý 1/2024 đạt ~9,000 căn, tương đương ~92% số lượng giao dịch của thị trường thổ cư. Còn lại 8% là giao dịch nhà mặt phố.
Dòng tiền đáo hạn sổ tiết kiệm chảy vào bất động sản
Theo khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc và tích cực chuẩn bị mua nhà trong 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập trung lưu và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, thời điểm hiện tại có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu BĐS. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm thấp khiến họ đáo hạn sổ tiết kiệm và rót tiền vào các kênh đầu tư khác.
“Lạm phát hiện nay đã rơi vào tiệm cận 4%, vàng tăng giá, chứng khoán thì không phải ai cũng có nghề để đầu tư chứng khoán, vậy thì họ phải nghĩ tới câu chuyện đầu tư BĐS.
Với những dự án mà các chủ đầu tư đang ra hàng, họ cũng đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn, trong đó có việc sử dụng đòn bẩy tài chính với hỗ trợ lãi suất. Trường hợp không sử dụng hỗ trợ lãi suất, không vay thì khách hàng mua trả thẳng và được chiết khấu từ 13 - 15 - 17 thậm chí là 19% giá trị căn hộ, tùy từng dự án. Và đương nhiên, khi mà một người đang có sẵn tiền, người ta chỉ muốn mua một tài sản thôi, họ sẽ sử dụng phương án mua trả thẳng. Nhưng nếu mua trả thẳng thì khách hàng sẽ khó xuống tiền ở phân khúc cao”, ông Trung nhận định.