Kế hoạch chỉ nhập iPhone từ Ấn Độ vào Mỹ của Apple sẽ ảnh hưởng sao tới doanh thu?

02/05/2025 16:23
Kế hoạch chỉ nhập iPhone từ Ấn Độ vào Mỹ của Apple sẽ ảnh hưởng sao tới doanh thu?

Trong cuộc gọi công bố báo cáo tài chính quý I năm 2025 vừa rồi, Apple cho biết phần lớn đơn hàng các thiết bị công nghệ của hãng được vận chuyển và bán tại thị trường Mỹ trong quý II, kết thúc vào tháng 6 tới, sẽ có nguồn gốc từ Ấn ĐộViệt Nam. Đây rõ ràng là một động thái nhằm xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về tác động của thuế quan đối với hoạt động kinh doanh.


Tháng trước, Apple là một trong những công ty công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự phụ thuộc của họ vào chuỗi cung ứng công nghệ tại Trung Quốc. Đây chính là mục tiêu chính của những áp lực thuế quan toàn cầu từ phía chính quyền Trump. Hầu hết các thiết bị của Apple được lắp ráp tại nước này, và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những nỗ lực của công ty trong việc chuyển đổi việc lắp ráp cuối cùng các thiết bị dành cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ và các quốc gia khác.


CEO Tim Cook cho biết tác động từ thuế quan trong quý tháng 6, giả sử các chính sách hiện tại vẫn được duy trì, sẽ làm tăng thêm 900 triệu USD chi phí cho Apple, một con số mà ông gợi ý có thể trở nên tồi tệ hơn trong các quý sắp tới. Ông cũng nói rằng tác động từ thuế quan vào tháng 3 vẫn được kiểm soát ở mức hạn chế.


Apple báo cáo doanh thu của tập đoàn đã tăng trong giai đoạn ba tháng đầu năm, được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu iPhone cao hơn và việc việc ra mắt mẫu iPhone 16e giá dễ tiếp cận.


Nhìn chung, doanh số bán hàng tăng 5%, đạt mức 95 tỷ USD, vượt qua kỳ vọng và dự báo của các nhà phân tích. Lợi nhuận ròng trong giai đoạn này là 24.8 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2024. Doanh số bán iPhone trên phạm vi toàn cầu tăng 2% trong giai đoạn này.


Trong khi báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2025 với các nhà phân tích, ông Cook cho biết "đa số" đơn hàng iPhone được bán tại Mỹ trong quý II sẽ được lắp ráp và nhập khẩu từ Ấn Độ, trong khi "gần như tất cả" các thiết bị công nghệ khác của công ty được bán tại Mỹ trong giai đoạn này sẽ đến từ Việt Nam. Các thiết bị đang được lắp ráp tại Việt Nam bao gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods.


Ông cũng cho biết, Apple sẽ tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. "Điều mà chúng tôi học được cách đây không lâu là việc tập trung mọi thứ ở một địa điểm sẽ tạo ra quá nhiều rủi ro," ông nói.


Cổ phiếu của công ty đã phục hồi phần lớn giá trị bị mất sau khi hàng rào thuế đối ứng được công bố vào ngày mà tổng thống Trump gọi là Liberation Day. Những tuyên bố khi ấy của ông Trump đã khiến giá trị vốn hóa của tập đoàn giảm mạnh. Đạt được điều này là nhờ chính phủ Mỹ đã tạm dừng các biện pháp trả đũa thuế quan đối với smartphone cùng nhiều mặt hàng thiết bị công nghệ khác.


Chính quyền Mỹ hiện tại vẫn đang xem xét các hành động khác, có thể ảnh hưởng đến các công ty công nghệ, và công ty phải đối mặt với mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ vào Mỹ.


Các nhà đầu tư và nhà phân tích đã chờ đợi Apple công khai về phạm vi và quy mô mà Apple có thể chuyển đổi hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc, giữa lúc cuộc chiến thương mại vẫn còn đang tiếp diễn rất nóng. Ông Cook càng lúc càng nghiêm túc trong việc coi Ấn Độ như một đối tác sản xuất. Các nhà phân tích ước tính rằng việc chuyển hướng toàn bộ sản lượng iPhone của Ấn Độ về thị trường Mỹ, ước tính khoảng 25 triệu máy, sẽ cho phép Apple đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của thị trường quê nhà.


Theo phân tích của TechInsights, mức thuế khoảng 50% áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc có thể làm tăng thêm từ 300 đến 500 USD vào chi phí giá linh kiện phần cứng của iPhone 16 Pro.


Apple đã dành nhiều thập kỷ để giúp xây dựng chuỗi cung ứng rất sâu và rộng tại Trung Quốc, góp phần biến nước này trở thành một cường quốc sản xuất, tạo ra các dây chuyền lắp ráp và nhà máy khổng lồ chứa đựng đội quân công nhân lành nghề lắp ráp thiết bị của mình.


Doanh số bán hàng của sản phẩm chủ lực của công ty, iPhone, đã đình trệ một phần vì khách hàng ở khu vực Trung Quốc gần đây đã chuyển sang các thương hiệu địa phương, khiến doanh số bán hàng ở đó giảm xuống. Xu hướng này có thể tiếp tục khi các thương hiệu Mỹ mất đi sức hấp dẫn trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài. Doanh thu từ iPhone giờ vẫn đang chiếm khoảng một nửa doanh số của Apple.


Doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc đã giảm hơn 2% trong quý I, một xu hướng khá nhất quán trong những năm gần đây.


Khoảng một phần tư lợi nhuận hoạt động của công ty đến từ khoản tiền mà Google trả cho Apple, để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của Apple, theo ước tính của nhà phân tích Craig Moffett của đơn vị nghiên cứu thị trường MoffettNathanson. Các khoản thanh toán có khi lên tới 20 tỷ USD hàng năm từ Google rất có thể sẽ biến mất trong tương lai gần, sau khi một thẩm phán liên bang tuyên bố chúng là bất hợp pháp về mặt chống độc quyền.


Thị trường cũng bỏ qua tin tức vào hôm thứ 4, rằng một thẩm phán liên bang khác đã lên tiếng chỉ trích Apple về các chính sách vận hành và phân phối ứng dụng trên App Store. Các biện pháp khắc phục mà bà yêu cầu có thể ảnh hưởng đến một nguồn doanh thu với biên lợi nhuận cao, nếu các nhà phát triển được phép thuyết phục khách hàng mua ứng dụng hoặc trả tiền cho gói dịch vụ trực tuyến một cách trực tiếp trên quy mô lớn. Lệnh của tòa án có thể khiến thị trường xao nhãng, khi thẩm phán đã thực hiện một nước đi chưa từng có, là đề nghị điều tra về hành vi bất tuân hình sự, liên quan đến cách thức hoạt động của Apple.


Apple không chỉ đang chật vật tìm cách làm mới các dòng sản phẩm của mình, mà còn đang cố gắng bắt kịp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sau khi đưa ra những lời hứa cung cấp các tính năng Apple Intelligence mới cho thiết bị của họ, nhưng đã trì hoãn nhiều lần.


Khi công bố báo cáo tài chính quý I, ông Cook cho biết, công ty cần thêm thời gian để cung cấp các tính năng AI được cá nhân hóa cho trợ lý Siri của mình đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của công ty.


Tin xem thêm