
Vào thời cổ đại, Đế chế La Mã có một mạng lưới đường bộ trải dài hơn 400 ngàn km, kết nối Roma với mọi nơi từ Scotland đến Ai Cập và từ Bồ Đào Nha tới Syria. Vì vậy mà thành phố này nổi tiếng với ngạn ngữ: mọi con đường đều dẫn tới Roma.
Từ một khởi đầu khiêm tốn, Roma đã vươn lên thành trung tâm văn minh nhờ sở hữu nhiều lợi thế: gần một con sông thông ra biển, có sẵn nguồn vật liệu xây dựng gần đó, đất núi lửa màu mỡ, nước sạch từ các suối ở dãy Apennines và khí hậu ôn hòa.
Kể từ khi thành lập năm 750 TCN, Roma đã biến đổi rất nhiều không chỉ về quy hoạch mà còn cả địa hình. Đứng từ một cây cầu trên sông Tiber, phải nhìn xuống chí ít 15 mét mới thấy mặt nước bởi Roma đã được nâng cao hơn nhiều so với con sông, trong khi mới đầu chỉ cao hơn mực nước chừng 1 mét.
Từ cuối TK 6 TCN, người ta đã san lấp hàng loạt dọc bờ sông bằng đất xúc từ các ngọn đồi. Cuối TK 1 và trong suốt TK 2, các hoàng đế Domitian và Trajan tiếp tục nâng cao nền đất để ngăn lũ. Ngày nay Roma đại diện cho óc thẩm mỹ của con người, bởi tất cả những gì đẹp nhất của kiến trúc phương Tây cổ điển đều có mặt ở đây.
Đấu trường Colosseum
Còn được gọi là Đấu trường Flavian, được xây từ năm 70-80 và là nơi tổ chức các trận đấu giữa các đấu sĩ và săn thú. Nó có hình bầu dục dài 189 mét và rộng 156 mét, với sức chứa 50 ngàn người. Vật liệu xây dựng là đá travertine, xi măng La Mã, gạch và đá núi lửa tuff.
Bên ngoài có bốn tầng với hàng loạt cổng vòm, mỗi tầng được tô điểm bằng các cột theo 3 phong cách khác nhau: Tuscan ở tầng trệt, Ionic ở tầng hai và Corinthian ở tầng ba, còn tầng bốn chỉ có các ô cửa nhỏ hình vuông.
Mái vòm và hệ thống hầm của đấu trường giúp phân tán sức nặng cho toàn bộ cấu trúc, mấy phòng ngầm cũng là nơi nhốt động vật và đấu sĩ trước khi vào sân. Tầng lớp tinh hoa sẽ ngồi ở những chỗ thấp nhất và giới bình dân ngồi trên cao. Sau khi La Mã sụp đổ, đấu trường bị biến thành pháo đài và mỏ đá.
Circus Maximus
Circus Maximus là một trường đua xe ngựa được xây từ TK thứ 6 TCN. Trường đua dài 621 mét, rộng 118 mét và chứa được tới 250 ngàn khán giả cùng lúc. Họ ngồi trên các bậc làm bằng bê tông, đá và gỗ, với các bậc đặt dưới thấp hơn dành riêng cho giới thượng lưu. Trên khán đài có một ô được xây hẳn thành một khu nhà riêng biệt cho hoàng đế ngồi coi.
Đường đua được phủ cát và bao gồm 12 cổng xuất phát được sắp theo hình vòng cung, còn ở trung tâm là một rào cản được trang trí bằng các cột obelisk. Sau thời La Mã, chỗ này bị biến thành nơi khai thác vật liệu xây dựng và ngày nay là một công viên.
Đền Pantheon
Đền Pantheon là kiến trúc đặc sắc hàng đầu Roma. Ngôi đền nguyên bản được xây từ năm 27 TCN bởi một đồng minh thân cận của Hoàng đế Augustus là Marcus Agrippa, để thờ các thần La Mã. Nhưng ngôi đền gốc đã bị thiêu rụi và công trình hiện tại được Hoàng đế Hadrian xây lại từ năm 118-128. Tới năm 609 thì Pantheon được chuyển thành một nhà thờ.
Pantheon có một mái vòm bê tông không cốt thép khổng lồ, có đường kính 43,3 mét và chiều cao từ sàn đến đỉnh vòm cũng bằng y hệt, làm thành một hình cầu bên trong. Ở đỉnh vòm là một lỗ tròn để ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Nâng đỡ cho đầu hồi hình tam giác ở lối vào là hàng hiên với 16 cột Corinthian làm bằng đá granit.
Trong đền là sự kết hợp giữa các hình khối, với các hốc tường từng là nơi đặt tượng các vị thần và sàn nhà được làm bằng đá cẩm thạch. Công trình sử dụng bê tông trộn cùng các vật liệu nhẹ hơn như đá bọt trên mái vòm để giảm sức nặng.
Vương cung Thánh đường Thánh Peter
Nhà thờ Thánh Peter là một kiệt tác của kiến trúc Phục Hưng và người ta tin rằng địa điểm xây nhà thờ là nơi chôn cất Thánh Peter. Ban đầu nhà thờ được Hoàng đế Constantine xây dựng vào TK 4. Tới đầu TK 16, khi nhà thờ cũ xuống cấp thì Giáo hoàng Julius II đã cho xây như hiện tại từ năm 1506-1626.
Mái vòm chính được thiết kế bởi Michelangelo, là một trong những mái vòm lớn nhất thế giới với đường kính 42 mét. Phía trước Thánh đường là một quảng trường hình elip do kiến trúc sư Bernini thiết kế, được bao quanh bằng các hàng cột tượng trưng cho vòng tay đang ôm lấy.
Lâu đài Sant'Angelo
Đi thẳng từ quảng trường Thánh Peter ra bờ sông Tiber sẽ nhìn thấy bên mạn trái là Lâu đài Sant'Angelo, còn được gọi là Lăng Hadrian. Công trình được Hoàng đế Hadrian xây từ năm 135-139 và ban đầu là lăng mộ của ông cùng gia đình, sau này còn lưu giữ hài cốt của một số hoàng đế nữa. Khi Roma bị cướp phá năm 410, các bình tro đã thất lạc.
Từ TK 5, nơi này được chuyển thành pháo đài. Trong thời Trung cổ, các Giáo hoàng từng ẩn náu tại lâu đài trong các cuộc bao vây. Đặc biệt, có một hành lang trên cao gọi là Passetto di Borgo nối lâu đài với Thành Vatican.
Lăng mộ có cấu trúc hình trụ và qua thời Trung cổ được bổ sung tường thành, lan can và tháp phòng thủ. Bên trong có hội trường, nhà nguyện, phòng ở và cả nhà giam. Tên của lâu đài bắt nguồn từ hình ảnh Tổng lãnh Thiên thần Michael và hiện nay có một bức tượng Thiên thần Michael ở trên đỉnh.
Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore
Công trình còn có tên là Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, được xây từ năm 359 và tái thiết năm 432 dưới thời Giáo hoàng Sixtus III. Tại đây lưu giữ vài mảnh gỗ được cho là từ máng cỏ mà Chúa Jesus được đặt nằm.
Thánh đường có một tháp chuông cao 75 mét được xây vào TK 14. Bên trong có những bức tranh khảm có từ TK 5, ở gian giữa có 36 cột đá cẩm thạch và trần nhà với nhiều ô vuông dát vàng. Trước khi qua đời, Giáo hoàng Francis đã chọn được chôn cất ở đây.
Đài phun nước Trevi và các bậc thang Tây Ban Nha
Đài phun nước Trevi là một kiệt tác kiến trúc Baroque, do Nicola Salvi thiết kế năm 1762. Đài cao 26,3 mét, rộng 49 mét và chủ yếu được xây dựng từ đá travertine, nó đánh dấu điểm cuối của một cống dẫn nước thời cổ đại. Ở trung tâm là tượng thần nước Oceanus, còn hai bên là các bức tượng đại diện cho sự sung túc và sức khỏe. Du khách thường ném tiền xu vào hồ để “đoan chắc” sẽ trở lại Roma.
Các bậc thang Tây Ban Nha được xây dựng từ năm 1723-1725, nối quảng trường Piazza di Spagna với Nhà thờ Trinità dei Monti ở trên cao. Cầu thang gồm 135 bậc do Francesco de Sanctis thiết kế.
Với những công trình trên, Roma còn được gọi là Thành phố Vĩnh cửu. Biệt danh này đã có từ hơn 2 ngàn năm trước, khi nhà thơ Albius Tibullus viết rằng: “Romulus thậm chí còn chưa xây lại các bức tường của Thành phố Vĩnh cửu”. Sau 2.775 năm, Roma hoàn toàn xứng đáng với danh xưng đó khi người ta vẫn còn mãi trầm trồ về các di sản nơi đây.