Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch số 420/KH-BGDĐT về tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024.
Để bảo đảm minh bạch, nghiêm túc, khách quan trong khâu tổ chức thanh tra, kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 4 trường hợp không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra: Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người được giám hộ (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức kỳ thi; người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.
Người tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là công chức thanh tra, người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, giảng viên cơ hữu của đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non. Còn người tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra của sở giáo dục và đào tạo phải là thanh tra viên, công chức, viên chức của cơ quan thanh tra tỉnh, các đơn vị thuộc sở giáo dục và đào tạo.
Theo hướng dẫn, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các sở giáo dục và đào tạo sẽ thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, bao gồm: Công tác chuẩn bị thi; công tác coi thi; công tác chấm thi; công tác phúc khảo bài thi; công tác xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Riêng ở khâu coi thi, các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bố trí số lượng cán bộ kiểm tra tối thiểu tại một điểm thi theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi có 1 cán bộ thanh tra; từ 20 phòng thi đến 40 phòng thi có 3 cán bộ thanh tra; từ 41 phòng thi trở lên có 4 cán bộ thanh tra.
|
ảnh minh họa |
Theo kế hoạch số 420/KH-BGDĐT về tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, Quy chế thi; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở GD&ĐT và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi.
Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi theo thẩm quyền.
UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ và các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm Quy chế thi. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo trong công tác tổ chức, tham gia thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.
Chỉ đạo, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguyên tắc độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót khoảng trống, không bị động.
Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi khoa học, phù hợp, không chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Điều động cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phù hợp, khách quan, không bố trí cơ sở đào tạo của địa phương làm việc trực tiệp tại địa phương (trừ trường hợp đặc biệt, bất khả kháng).
Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi thành lập các đoàn của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, Hội đồng thi. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT là trưởng đoàn. Thành viên đoàn là thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và các thành viên khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Về thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, Bộ GD&ĐT thành lập 10 đoàn kiểm tra trực tiếp tại 20 sở GD&ĐT (không tính các đoàn của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) theo 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD&ĐT (không tính các đoàn của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) tổ chức kiểm tra trực tiếp công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác tổ chức thanh tra coi thi của sở GD&ĐT, Hội đồng thi và Điểm thi.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nêu rõ nội dung, cách thức tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu khác của Kỳ thi như công tác chấm thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp, thanh tra, kiểm tra đột xuất, trực thanh tra, kiểm tra thi.