Cứ nói nhiều về những chiếc máy không gương lật cao cấp từ các hãng ra mắt trong thời gian qua, nhưng chúng ta thường quên mất một thực tế, đó là rất rất nhiều người không có điều kiện tài chính để sở hữu chúng. Và với nhu cầu đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội và internet như bây giờ, smartphone là quá đủ cho nhu cầu của số đông, cỡ 70 đến 80% thị trường tiềm năng của máy ảnh số.
Từng có một thời điểm, những chiếc máy ảnh compact nhỏ gọn kẹp chung ống kính tích hợp với những cảm biến kích thước nhỏ thống trị thị trường máy ảnh số những năm 2000 và 2010. Hiện giờ với smartphone, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị thay đổi, doanh số máy ảnh compact có giảm, nhưng không giảm tới mức biến thành một thị trường ngách phục vụ số lượng ít ỏi người dùng.
Sở dĩ khẳng định như vậy là vì, đơn vị nghiên cứu thị trường BCN Ranking của Nhật Bản vừa công bố số liệu nói rằng, trong tổng doanh số máy ảnh số, máy ảnh compact vẫn chiếm tới 60%. Dữ liệu này được tổng hợp từ 2400 cửa hàng bán lẻ trên khắp đất nước Nhật Bản. Dù so với thời kỳ đỉnh cao của máy ảnh compact, tỷ lệ kể trên đã giảm từ 20 đến 30%, nhưng vẫn đủ chiếm quá nửa thị trường.
Đặc biệt hơn cả, ở phân khúc giá máy ảnh compact trên 50 nghìn Yên Nhật, tương đương khoảng 329 USD, thị phần và doanh số máy bán ra thị trường đã tăng từ 6.8% vào tháng 9/2021 lên tới 33.2% vào tháng 9/2023. Điều này đồng nghĩa với việc, bất chấp tình trạng lạm phát xảy ra ở nhiều thị trường lớn trên toàn thế giới, mọi người vẫn muốn sở hữu những chiếc máy chất lượng tốt.
Lấy ví dụ rất đơn giản, trong dữ liệu của BCN Ranking, những chiếc máy như PowerShot SX740 HS hay PowerShot G7 X Mk II của Canon, và Lumix FZ80D của Panasonic bán rất chạy.
Thị trường máy ảnh compact tại Nhật Bản hiện giờ là sân chơi của Canon, với 31.1% thị phần, kế đến là Fujifilm với 13.4% thị phần. Những cái tên đáng nói kế tiếp bao gồm Kodak, Kenko và Ricoh Imaging. Cũng they số liệu của BCN Ranking, doanh số máy ảnh thay được ống kính trong tháng 9 và tháng 10 vừa rồi thấp hơn so với cùng kỳ 2023. Với hai yếu tố đó, đơn vị nghiên cứu thị trường đi đến kết luận rằng, máy ảnh compact hiện giờ vẫn được ưa chuộng hơn những hệ thống không gương lật với khả năng thay đổi ống kính tùy nhu cầu sử dụng.
Có một vấn đề nho nhỏ với thống kê thị trường của người Nhật Bản. Đó là họ đã bỏ qua một thực tế, đấy là một trong những mẫu máy ảnh ống kính liền tốt nhất thị trường hiện tại là sản phẩm của người Đức, Leica Q3.
Bên trong chiếc máy chỉ việc mua về bật lên chụp liền này là một cảm biến full frame, một ống kính lấy nét tự động với chất lượng và cách vận hành chẳng thua kém những chiếc ống Summilux ngàm M, và nó là một trong những chiếc máy ảnh bền nhất thị trường ở thời điểm hiện tại. Quan trọng hơn cả, ừ thì đắt thật, nhưng hiện giờ chưa thấy có một sản phẩm nào kết hợp được cả cảm biến lẫn ống kính tích hợp và trải nghiệm sử dụng giống như Leica Q3 cả.
Không thiếu những lần có nhiều nhà phân tích thị trường đưa ra quan điểm nói rằng, nhiều thương hiệu về cơ bản đang lờ đi thị trường máy ảnh compact ống kính tích hợp. Những số liệu thống kê rõ ràng ủng hộ quan điểm ấy. Những năm gần đây, Sony, Canon và Nikon đã tập trung vào thị trường prosumer và thị trường chuyên nghiệp, tạo ra những chiếc máy chạy đua tính năng để tăng tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên chiến lược này chỉ phát huy tác dụng khi nền kinh tế các nước không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về sức mua.
Còn thị trường lớn hơn, là những người thích chơi máy ảnh, muốn một thứ gì đó tốt hơn những cảm biến nhỏ xíu bên trong chiếc điện thoại họ dùng hàng ngày, thì hình như đang bị bỏ quên.
Sẽ có người nói đó là nhận xét không công bằng, vì chúng ta có Leica Q3, Fujifilm X100VI, Ricoh GR3x, hay cả Sony RX1R II. Nhưng lựa chọn vẫn tương đối giới hạn, và có cảm giác chúng là những sản phẩm được tạo ra để đẩy những công nghệ đã được phát triển và hoàn thiện trên những chiếc máy full frame thay được ống kính vào những sản phẩm dễ tiếp cận hơn với phần đông thị trường, hầu hết thời gian là với cảm biến kích thước nhỏ hơn. Điều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng các hãng vẫn đang liên tục đổi mới sáng tạo.
Một điều mỉa mai là, theo dữ liệu nghiên cứu thị trường của BCN Ranking, những giám đốc cấp cao tại các tập đoàn sản xuất thiết bị ghi hình và máy ảnh, vốn đều là những con người thuộc lứa tuổi boomer, hiện giờ cũng đang dùng smartphone để chụp hình chứ không sử dụng những chiếc máy ảnh mà chính tập đoàn của họ tạo ra.
Mỉa mai ở chỗ nào? Những người chịu trách nhiệm điều hành công ty, định hướng chiến lược kinh doanh, những người đã được chứng minh là thích dùng smartphone, những thiết bị ghi hình nhỏ gọn để ghi lại những khoảnh khắc. Chính họ là những người chịu trách nhiệm đầu tư để nghiên cứu phát triển những chiếc máy cồng kềnh nặng nề và đắt tiền, do giá trị thị phần và phản hồi từ cộng đồng mạng xã hội.
Cùng lúc, giới trẻ gen Z lại đang giúp những chiếc máy compact nhỏ xinh, những chiếc máy từng thống trị thập niên 2000 quay trở lại. Câu hỏi được đặt ra là, liệu các thương hiệu có đang cân nhắc giới trẻ sinh ra từ cuối thập niên 1990 trở đi là đối tượng khách hàng của họ hay không. Bằng chứng là trong số những chiếc máy ảnh ra mắt trong năm 2023 và 2024, đôi lúc phản ứng của thị trường khá ảm đạm.
Hệ quả hiện tại, với những thay đổi trên thị trường, cũng như sự trở lại của nhiếp ảnh phim, dù còn tương đối yếu ớt so với xu hướng chung của cả thị trường, nhưng vẫn đủ trở thành những dấu hiệu cho thấy ngành nhiếp ảnh cần thay đổi. Những chiếc máy compact, ống kính tích hợp hay những chiếc máy với mức giá dễ tiếp cận luôn là thứ giúp mọi người đến với bộ môn nhiếp ảnh.
Khảo sát thị trường của Nhật Bản liên quan tới cả thế giới ở chỗ, nếu chính những cái tên như Sony, Canon hay Nikon không nghiêm túc hơn với thị trường máy ảnh compact, thì chẳng biết thương hiệu nào sẽ chịu làm điều đó.