
Môi trường desktop trên Windows và giao diện gồm thanh Start Menu, thanh Taskbar, cửa sổ ứng dụng đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, giao diện người dùng đồ họa (GUI) vẫn là một thứ rất lạ lẫm đối với người dùng Windows thời kỳ đầu. Vì vậy, Microsoft đã phát hành một phần mềm giao diện shell có tên Microsoft Bob với mục tiêu khiến việc sử dụng máy tính trở nên dễ dàng hơn đối với mọi người. Tuy nhiên, Bob là một trong những sản phẩm công nghệ tệ nhất mọi thời đại.
Hoàn cảnh ra đời của Microsoft Bob:
Quay lại thời điểm giữa thập niên 90, hệ điều hành MS-DOS đang thống trị thị trường máy tính PC và người dùng máy tính khi đó đã quen với cách tương tác với hệ điều hành bằng dòng lệnh. Năm 1983, Bill Gates lần đầu giới thiệu Microsoft Windows với giao diện người dùng đồ họa (GUI) chạy trên nền MS-DOS và đến năm 1985 phiên bản Windows đầu tiên có GUI được phát hành là Windows 1.0. Thị trường khi đó có nhiều công ty phần mềm phát triển GUI, điển hình như GEM của Digital Research, chạy mặc định trên một số dòng máy tính của Altair.
Tuy nhiên cả Microsoft với giao diện Windows và những giao diện thứ 3 đều không mấy thành công. Nhiều người dùng khi đó cảm thấy Program Manager (môi trường shell mặc định của Windows 3.x) rối rắm và khó dùng. Máy tính thì ngày một phổ biến hơn, điều này có nghĩa đối tượng người dùng đa dạng hơn. Vì vậy, Microsoft đã nghĩ ra một giao diện đồ họa gần gũi, thân thiện với nhiều đối tượng người dùng. Cũng có thông tin cho rằng Bob là câu trả lời của Microsoft trước giao diện Navigator của Packard Bell được cài sẵn trên các máy tính của hãng này và mang lại trải nghiệm tương tự.
Bob được Microsoft phát hành vào tháng 3 năm 1995, cùng năm với Windows 95 dưới dạng phần mềm cài thêm. Sau khi cài đặt thì chúng ta sẽ có một ... Ngôi nhà với nhiều phòng như phòng khách, bếp, phòng làm việc ... và các vật thể trong phòng thể hiện một ứng dụng. Chẳng hạn như khi nhấp vào chiếc đồng hồ thì phần mềm đồng hồ mở ra cho phép thiết lập giờ, hẹn giờgiờ; nhấp vào cuốn lịch treo trên tường thì sẽ mở ứng dụng lịch; nhấp vào cây bút và tờ giấy sẽ mở phần mềm soạn thảo ...
Người dùng cũng có thể cá nhân hóa căn nhà bằng cách chọn kiểu nhà, kiểu phòng, di chuyển, thay đổi kích thước các vật thể. Xuyên suốt giao diện Bob sẽ có một nhân vật để hướng dẫn và giải thích chức năng, mặc định sẽ là chú chó vàng Rover (trên Windows XP vẫn còn) và người dùng có đến 12 nhân vật để chọn, bên cạnh Rover còn có đom đóm Blythe, mèo Chaos, thỏ Hopper, thằn lằn Java, trái đất Orby, vẹt cướp biển Ruby, chuột Scuzz, rùa Shelly, giun Digger, cái loa Speaker và người vô hình Invisible. Mỗi nhân vật này có những câu thoại và tính cách khác nhau.
Vào những năm đầu thập niên 90, máy tính đã trở nên phổ biến hơn với các hộ gia đình nên Microsoft Bob cũng được tích hợp nhiều tiện ích phục vụ cho cuộc sống như sức khỏe, quản lý chi tiêu, lên kế hoạch mua sắm, sửa chữa nhà cửa, chăm sóc thú cưng, hoạt động thể thao, đi du lịch ... tất cả trong một mục gọi là Household Manager.
Kênh LGR - một kênh chuyên về các phần mềm và phần cứng xưa cũ đã "trên tay" Microsoft Bob và một phiên bản add-on bổ sung ứng dụng là Microsoft Great Greetings, anh em có thể xem qua cho dễ hình dung về giao diện thú vị này.
Tại sao Microsoft Bob thất bại?
Dù được phát triển nhằm mang lại trải nghiệm sử dụng máy tính dễ dàng hơn nhưng Microsoft Bob vẫn được nhớ đến là một trong những sản phẩm thất bại nhất của Microsoft. Sau màn trình diễn tại triển lãm CES năm 1995, Bob đã trở thành tâm điểm chế giễu của các reviewer khi đó. Tờ NYTimes nói thiết kế của ngôi nhà nhìn như sản phẩm của một "học sinh lớp 6 gặp thách thức về thẩm mỹ." Tờ Washington Post nói môi trường tương tác là ngôi nhà quá "vô hồn" và "vô trùng", dùng một lúc thì không còn thấy các nhân vật dễ thương nữa, đồng thời Bob thiếu khả năng tùy chỉnh và khả năng truy cập hạn chế vào các thành phần của Windows. Thật vậy, thiết kế dễ thương và có phần hoạt hình của Bob khiến nhiều người dùng đặc biệt là người lớn cảm thấy nó không phù hợp và họ cảm thấy phiền toái với các nhân vật hướng dẫn như chú chó Rover.
Bob thất bại không chỉ ở thiết kế giao diện mà còn nằm ở hiệu năng. Phần mềm này cần nhiều tài nguyên phần cứng, yêu cầu phải có vi xử lý 486 (Intel i486) và ít nhất 8 MB RAM - một dung lượng RAM lớn vào thời điểm đó khiến nhiều chiếc máy tính gia đình cấu hình phổ thông không thể chạy được. Thêm vào đóđó, ngay cả khi chạy trên máy tính có cấu hình mạnh thì Bob vẫn chậm và lag.
Bob được tích hợp một số ứng dụng cơ bản như soạn thảo, lịch, sổ ghi chú ... và các ứng dụng này quá đơn giản, thiếu nhiều tính năng so với các ứng dụng Windows thông thường. Khả năng tích hợp các ứng dụng Windows vào Bob cũng bị hạn chế. Để có thể bổ sung ứng dụng vào môi trường ngôi nhà của Bob thì Microsoft đã phát hành bản cập nhật Great Greetings nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ.
Đĩa cài đặt Bob và cuốn sách hướng dẫn sử dụng dài đến 200 trang đi kèm dù Microsoft quảng cáo đây là phần mềm giúp mọi người dùng máy tính một cách dễ dàng 😁
Bob được bán với mức giá 100 đô, có thể nói là đắt so với những gì nó mang lại. Nó chỉ đơn thuần là một phần mềm chạy trên nền Windows mà Windows 3.x khi đó đã có giao diện đồ họa. Việc Microsoft phát hành Bob không lâu trước khi tung ra Windows 95 càng khiến người dùng không có lý do gì để bỏ tiền ra mua Bob. Windows 95 là phiên bản Windows đầu tiên sở hữu giao diện gồm Start Menu và Taskbar - đặt ra nền tảng thiết kế môi trường Windows về sau.
Cho đến thời điểm khai tử 1 năm sau đó, Microsoft Bob được cho là chỉ bán được khoảng 30.000 bản, có nguồn nói 58.000 bản. Bob đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách 25 sản phẩm công nghệ tệ nhất mọi thời đại của tạp chí PCWorld và lọt danh sách 50 phát minh tệ nhất theo bình chọn của tạp chí Time.
Dù vậy, Bob cũng là nguồn cảm hứng của nhiều thứ mà Microsoft tạo ra sau này, điển hình là nhân vật hướng dẫn hình con chó con mèo trên Bob đã đặt ra ý tưởng về Clippy - chiếc kẹp giấy trợ lý ảo mặc định trên Microsoft Office hay chú chó vàng Rover xuất hiện trở lại với vai trò là trợ lý tìm kiếm mỗi khi chúng ta tìm gì đó trên Windows XP. Ngoài ra, font chữ Comic Sans cũng được nhà thiết kế đồ họa Vincent Connare tạo ra từ Bob bởi ông nhận thấy font Times New Roman không phù hợp để sử dụng cho các câu thoại từ nhân vật trợ lý ngộ ngĩnh trong Bob.