Nghiên cứu giải thích vì sao chúng ta không thể cưỡng lại đồ ăn vặt

22/04/2025 10:16
Nghiên cứu giải thích vì sao chúng ta không thể cưỡng lại đồ ăn vặt

Anh em có để ý là mỗi lần đi qua mấy tiệm đồ ăn nhanh là cái miệng của anh em thèm thèm liền, dù bụng không đói. Một nghiên cứu mới giải thích rằng những lần mà anh em ăn đồ ăn nhanh trước đó được lưu trong hồi hải mã (nơi lưu giữ ký ức), làm cho chúng ta không thể nào cưỡng lại những cơn thèm ăn.


Cụ thể là một nhóm nơ ron trong hồi hải mã sẽ ghi lại chi tiết cảm giác và cảm xúc liên quan đến những đồ giàu năng lượng như khoai tây chiên, gà rán, sô cô la. Trên chuột, các nơ ron này kích hoạt cảm giác thèm ăn, khiến chúng ăn quá nhiều, ngay cả khi không đói. Khi các nhà khoa học "tắt" hoạt động của các nơ ron này, chuột giảm tiêu thụ đường và tránh được béo phì do chế độ ăn uống gây ra.


Con vật nào cũng cần ăn để sống, nên cơn đói xuất hiện để báo hiệu và đảm bảo sự tồn tại. Trước đây, khoa học thường tách biệt giữa hai loại cơn đói: đói do cơ thể thiếu năng lượng (đói chuyển hóa) và đói do sự hấp dẫn của món ăn (đói cảm xúc). Nhưng nghiên cứu mới này bổ sung thêm một yếu tố thứ ba: cơn đói do ký ức điều khiển.


Dù thử nghiệm được thực hiện trên động vật, kết quả này củng cố thêm bằng chứng “nỗi nhớ” về chất béo và đường âm thầm ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của con người, nhiều khi ta không hề nhận ra. Và trong một thế giới tràn ngập thức ăn giàu calo, những hoạt động thần kinh này có thể lý giải vì sao anh em rất dễ bị cơn thèm ăn “đánh gục”.


Vì sao não bộ khó lòng cưỡng lại đồ ăn vặt?


Mọi sinh vật đều có một nhiệm vụ cơ bản là tìm cách sống sót và đưa ra quyết định tốt nhất để tìm thức ăn trong môi trường. Trong thời kỳ sơ khai của loài người, khi calo rất khan hiếm, tổ tiên chúng ta làm điều này dựa vào các tín hiệu cảm giác (mùi, hình ảnh, địa điểm) để nhận diện thực phẩm giàu năng lượng. Khi ăn xong, não bộ lưu lại thông tin đó cùng với cảm giác mà món ăn mang lại, từ đó tạo ra một “cơ sở dữ liệu” trong đầu về hương vị và năng lượng mà thức ăn đó tạo ra. Thực chất, khi ăn, ta đang vô thức “kết nối thế giới bên ngoài và bên trong”, và đó chính là cơ chế hoạt động của trí nhớ.


Những tín hiệu này cũng ảnh hưởng đến quá trình tiết dopamine (chất dẫn truyền thần kinh tạo khoái cảm). Não sẽ cập nhật “giá trị” của món ăn dựa trên trải nghiệm khi ăn và sử dụng nó khi gặp lại hương vị đó. Ví dụ, khi anh em đi ngang một tiệm gà rán hay bánh ngọt, ký ức ấy có thể được kích hoạt và làm dấy lên cơn thèm. Nghiên cứu này cũng phát hiện ký ức về chất béo và đường được lưu qua hai con đường thần kinh khác nhau nhưng đều dẫn đến việc tiết dopamine. Phần lớn thực phẩm chỉ chứa chất béo hoặc tinh bột, nhưng đồ ăn siêu chế biến (ultraprocessed food) thì có cả hai. Khi hai con đường dẫn truyền cùng lúc bị kích hoạt, não bộ có thể tạo ra phản ứng thưởng mạnh hơn. Điều này giải thích vì sao các món đồ ăn nhanh đặc biệt khó cưỡng. Khi mà đồ ăn nhanh hiện diện khắp nơi và dễ tiếp cận, hệ thống ra quyết định tự nhiên của não bị quá tải, làm chúng ta khó lựa chọn những món lành mạnh hơn.


Liệu tâm lý trị liệu hay thuốc có thể giúp mình bớt thèm đồ ăn vặt không?


Câu trả lời là có. Não bộ của chúng ta không phải cỗ máy cứng nhắc – nó có thể học, và cũng có thể “học lại”. Nếu trước đây nó quen với việc cứ buồn là tìm đến đồ ngọt, thì theo thời gian, anh em cũng có thể “lập trình lại” để phản ứng khác đi.


Điều đầu tiên cần làm là hiểu rõ cơn thèm đó đến từ đâu. Có phải đang đói thật? Hay chỉ đơn giản là đang stress, buồn chán, hoặc cảm thấy trống rỗng? Một khi biết được nguyên nhân, chúng ta mới bắt đầu tháo gỡ cái “vòng lặp” vô thức đó được. Trong những trường hợp như vậy, liệu pháp tâm lý có thể là một hướng đi rất hiệu quả. Có hai phương pháp phổ biến thường được dùng là liệu pháp tiếp xúc và kỹ thuật nhận thức hành vi. Chúng giúp chúng ta nhìn lại cách mối quan hệ với đồ ăn được hình thành, rồi dần dần “làm lại từ đầu”, học cách phản ứng khác đi với những cảm xúc hoặc hoàn cảnh quen thuộc.


Tất nhiên, cách này không dễ và cũng không nhanh vì mỗi loại đồ ăn, mỗi “ký ức vị giác” đều có câu chuyện riêng, không thể giải quyết tất cả cùng lúc. Nhưng nếu kiên nhẫn, nó thực sự có thể thay đổi thói quen từ gốc. Bên cạnh đó, cũng có những loại thuốc hỗ trợ, ví dụ như nhóm GLP-1 (một loại phổ biến là Ozempic), giúp làm dịu tín hiệu “thưởng” trong não sau khi ăn. Nghĩa là não mình sẽ ít tiết dopamine hơn, giảm bớt cái cảm giác sung sướng sau khi ăn món đó, từ đó… bớt thèm hơn.


Nghe cũng hấp dẫn nhưng thuốc chỉ là giải pháp tạm thời. Nó giúp mình kiểm soát được phần nào lượng ăn, nhưng nếu ngừng thuốc mà tâm lý, ký ức, thói quen vẫn như cũ, thì đâu lại vào đấy. Vậy nên, lựa chọn thông minh nhất vẫn là: hiểu rõ lý do vì sao mình ăn, và chủ động thay đổi cách tiếp cận, có thể kết hợp thêm thuốc nếu cần nhưng đừng chỉ dựa vào thuốc không thôi. Vì điều cần nhất, vẫn là sự hiểu mình và sự chủ động từ bên trong.


Cuộc sống hiện đại khiến việc cưỡng lại cơn thèm trở nên cực kỳ khó khăn. Nhiều anh em thường thiếu thời gian hoặc tiền bạc để chuẩn bị những món lành mạnh nhưng vẫn đủ hấp dẫn. Tệ hơn nữa là não bộ chỉ cần một lần trải nghiệm món ăn là đã có thể tạo ký ức, khiến cảm giác thèm gần như không thể tránh khỏi.


Dù vậy, chỉ riêng việc nhận thức được rằng ký ức có thể điều khiển hành vi ăn uống đã là điều rất quan trọng. Theo các nhà nghiên cứu, biết được ký ức chính là tác nhân gây ăn quá nhiều, anh em có thể bắt đầu thay đổi hành vi. Nhiều phản ứng diễn ra một cách vô thức, nên nếu nhận ra, chúng ta có thể ngắt được chuỗi ký ức thèm ăn.


Tin xem thêm

Liên Hợp Quốc: Lừa đảo công nghệ ở Đông Nam Á đang mở rộng toàn cầu

VĂN HOÁ XÃ HỘI
22/04/2025 10:34

Liên Hợp Quốc: Lừa đảo công nghệ ở Đông Nam Á đang mở rộng toàn cầu

Đến 31/12/2025: Người dân không đi đổi Giấy Đăng Ký Xe, giữ mẫu cũ CSGT phạt 6-8 triệu đồng?

VĂN HOÁ XÃ HỘI
22/04/2025 10:30

Theo quy định, trường hợp không đi đổi giấy đăng ký xe theo quy định, chủ phương tiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nghiên cứu giải thích vì sao chúng ta không thể cưỡng lại đồ ăn vặt

VĂN HOÁ XÃ HỘI
22/04/2025 10:16

Nghiên cứu giải thích vì sao chúng ta không thể cưỡng lại đồ ăn vặt

Trải nghiệm xém mất hàng trên AliExpress

VĂN HOÁ XÃ HỘI
22/04/2025 10:14

Trải nghiệm xém mất hàng trên AliExpress

Đức Giáo hoàng Phanxicô (Francis) đã qua đời vào hôm nay 21/4/2025, thọ 88 tuổi

VĂN HOÁ XÃ HỘI
21/04/2025 15:44

Đức Giáo hoàng Phanxicô (Francis) đã qua đời vào hôm nay 21/4/2025, thọ 88 tuổi tại dinh thự Casa Santa Martet ở Vatican.

Liên hoan diều nghệ thuật trên bờ biển Quy Nhơn

VĂN HOÁ XÃ HỘI
21/04/2025 15:42

Liên hoan diều nghệ thuật trên bờ biển Quy Nhơn

Mức tiêu thụ rượu bia giảm thấp nhất trong vòng 60 năm trở lại đây

VĂN HOÁ XÃ HỘI
21/04/2025 15:41

Mức tiêu thụ rượu bia giảm thấp nhất trong vòng 60 năm trở lại đây

Khủng hoảng tài chính tại Harvard: Vì sao đại học giàu nhất thế giới lại phải đi vay nợ?

VĂN HOÁ XÃ HỘI
21/04/2025 15:40

Khủng hoảng tài chính tại Harvard: Vì sao đại học giàu nhất thế giới lại phải đi vay nợ?

Thời tiết biển hôm nay 20/4/2025: Mưa rào và dông vài nơi

VĂN HOÁ XÃ HỘI
20/04/2025 07:35

Dự báo thời tiết biển hôm nay 20/4/2025, gió trên các vùng biển hoạt động với cường độ yếu đến trung bình. Một vài nơi có mưa rào và dông.