Nghiên cứu khoa học nói rằng sống gần sân golf có nguy cơ mắc Parkinson tăng vì thuốc trừ sâu

Các khu dân cư gần sân golf thường được coi là những địa điểm lý tưởng, kết hợp giữa thiên nhiên, giải trí và tầm nhìn đẹp. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc sống trong phạm vi vài km trong bán kính các sân golf có thể không phải lúc nào cũng là điều tốt như mọi người vẫn nghĩ. Nghiên cứu còn chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe thần kinh do việc bảo trì các khu vực xanh này gây ra.
Để tìm hiểu xem có mối liên hệ giữa nguy cơ mắc bệnh Parkinson và việc sống gần sân golf hay không, các nhà nghiên cứu từ Viện Thần Kinh Barrow và Bệnh viện Mayo Clinic đã thực hiện một nghiên cứu dựa trên dân số, kiểm soát mẫu. Nghiên cứu này đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng khoa học, với cả những luồng quan điểm và phản hồi tích cực lẫn tiêu cực.
Nghiên cứu này đánh giá 419 trường hợp mắc bệnh Parkinson và 5.113 đối chứng phù hợp, cùng việc khảo sát 139 sân golf ở khu vực miền nam bang Minnesota và phía tây bang Wisconsin. Sử dụng công cụ thống kê Odds Ratio (OR) để điều chỉnh các yếu tố như tuổi tác, giới tính, thu nhập và đặc điểm khu vực (nông thôn/thành thị), kết quả nghiên cứu có vẻ như xác nhận giả thuyết của các nhà khoa học.
Các nhà khoa học đưa ra tuyên bố, việc sống trong phạm vi 3.2 km gần một sân golf có khả năng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 198%, và trong khoảng 5 km, nguy cơ này vẫn còn cao, 121%. Nguy cơ giảm khoảng 13% với mỗi 1.6 km tiếp theo một người sống xa sân golf hơn.
Đáng nói nhất, nguy cơ mắc Parkinson sẽ tăng cao hơn đối với cư dân sống gần các sân golf sử dụng nước uống từ nguồn nước ngầm có nguy cơ bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu.
Trên thực tế, các nhà khoa học nhận thấy rằng những người sống gần sân golf và sử dụng nước ngầm có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao gấp đôi so với những người không sống gần khu vực phủ xanh của các sân golf. Đối với những người sống gần sân golf, nguồn cung cấp nước ngầm làm tăng khả năng mắc bệnh Parkinson của họ khoảng 50%, so với những người sử dụng các nguồn nước từ các nhà cung cấp tư nhân khác.
Những con số này chắc chắn gây ra nhiều lo ngại. Người chăm sóc cỏ sân golf ở Mỹ phụ thuộc khá nhiều vào thuốc trừ sâu, nhiều hơn hẳn so với các khu vực khác trên thế giới, và hàng trăm hóa chất đã được xác định là thường xuyên được sử dụng. Các nghiên cứu kéo dài gần một thập kỷ cho thấy nước ngầm có mức độ ô nhiễm khác nhau dưới và xung quanh các sân golf.
Ngoài ra, việc sống gần sân golf đã từng được các nhà khoa học liên kết với một hội chứng rối loạn thần kinh khác, xơ cứng teo cơ (ALS). Mối liên hệ này đã được xác định trong một bài kết quả nghiên cứu khoa học đăng vào năm 2024 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Dược Michigan.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này đã vấp phải sự phản đối từ cộng đồng khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra những hạn chế đáng kể của nghiên cứu này. Những vấn đề bất cập bao gồm việc ước tính phơi nhiễm dựa trên địa chỉ chỉ tính đến hai hoặc ba năm sống gần sân golf trước khi chẩn đoán bệnh PD, thay vì thời gian phơi nhiễm suốt đời.
Điều này đặc biệt quan trọng vì bệnh PD có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển. Nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu về bệnh PD và địa chỉ từ năm 1991 đến 2015, nhưng chỉ sử dụng dữ liệu sân golf từ năm 2013, và các nhà khoa học không xem xét các yếu tố khác của bệnh Parkinson như chấn thương hay yếu tố di truyền.
"Nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và bệnh Parkinson, tuy nhiên, có một số hạn chế quan trọng trong phương pháp luận cần lưu ý," Giáo sư David Dexter, giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Parkinson’s UK giải thích:
"Thứ nhất, bệnh Parkinson bắt đầu hình thành và phát triển trong não từ 10 đến 15 năm trước khi có thể được chẩn đoán ra. Nghiên cứu này không chỉ sử dụng những người vĩnh viễn sống ở khu vực đó. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến mức độ phơi nhiễm của người tham gia mà còn cho thấy bệnh Parkinson của họ có thể đã bắt đầu trước khi họ chuyển đến gần một sân golf."
"Quần thể cư dân được nghiên cứu cũng không được so sánh về địa điểm, với 80% bệnh nhân Parkinson sống ở khu vực thành thị so với chỉ 30% trong nhóm đối chứng, các yếu tố khác như ô nhiễm không khí từ xe cộ cũng có thể giải thích một phần sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh Parkinson," giáo sư Dexter nói thêm. "Ngoài ra, không có phân tích nào về nước uống để kiểm tra mức độ thuốc trừ sâu. Một lần nữa, điều này làm giảm tính hợp lệ của tuyên bố về phơi nhiễm thuốc trừ sâu vì các nghiên cứu chưa được kiểm soát chặt chẽ."
Vì vậy, mặc dù mối quan hệ nhân quả vẫn chưa được chứng minh, bằng chứng về mối liên hệ cũng còn mỏng manh do bản chất cách nghiên cứu. Mặc dù có thể có một mối liên hệ giữa sân golf, thuốc trừ sâu và bệnh Parkinson, nhưng cần có nghiên cứu sâu và chính xác hơn.
"Bệnh Parkinson là một căn bệnh phức tạp," tiến sĩ Katherine Fletcher, trưởng nhóm nghiên cứu tại Parkinson’s UK cho biết:
"Nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa rõ ràng, và có khả năng liên quan đến cả các yếu tố di truyền và môi trường. Nhiều nghiên cứu đã điều tra xem thuốc trừ sâu có làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở các quần thể cư dân khác nhau trên toàn thế giới hay không. Kết quả nghiên cứu rất khác nhau, nhưng nhìn chung các nghiên cứu đều cho thấy phơi nhiễm thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, bằng chứng từ các nghiên cứu này vẫn chưa đủ mạnh để chứng minh rằng phơi nhiễm thuốc trừ sâu trực tiếp gây ra bệnh Parkinson. Nghiên cứu này hỗ trợ mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và khả năng con người mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, nó đơn giản hóa vấn đề có phần hơi quá mức, và không xem xét cách một người có thể đã tiếp xúc với thuốc trừ sâu tại nơi làm việc hoặc liệu họ có liên kết di truyền với căn bệnh này hay không."