Nhiều đề xuất nhằm thu hồi tài sản tham nhũng

11/10/2024 15:41
Ngày 11/10, Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Các bị cáo bị đem ra xét xử trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Các bị cáo bị đem ra xét xử trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian vừa qua, quán triệt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; cơ quan tiến hành tố tụng thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan đã thực hiện và áp dụng nhiều biện pháp theo quy định để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, hội nhập quốc tế hàng đầu cả nước. Với đặc thù này dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có nạn tham nhũng.

Đại diện các cơ quan chức năng cho biết, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đang được triển khai quyết liệt, với tỷ lệ ngày càng tăng. Trong đó, ngành thanh tra thành phố trong sáu tháng đầu năm đã thu hồi đạt tỷ lệ 100% tài sản tham nhũng (gần 23 nghìn tỷ đồng). Trước đó, năm 2021, tỷ lệ hồi cả năm chỉ đạt 48,22%. Con số này năm 2022 và 2023 lần lượt là: 87% và 78%.

Thành phố cũng thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước, mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều đề xuất nhằm thu hồi tài sản tham nhũng ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2021-2023, các đơn vị đã thụ lý điều tra 208 vụ án, trên 512 bị can và 419 vụ việc về kinh tế, tham nhũng.

Các tội phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực, trọng điểm là các vụ án về cổ phần hóa, đầu tư công, xuất nhập khẩu... với tổng số tài sản thất thoát, chiếm đoạt lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Đến nay, các đơn vị đã điều tra và thu hồi 1.260 tỷ đồng, đạt 63,24% tổng số tiền phải thu hồi.

Tuy vậy, thực tế, công tác thu hồi tài sản vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu thí dụ: Điều 128, Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, nhưng khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra để làm căn cứ quyết định phần tài sản phải kê biên.


Ngoài ra, còn phải xác định được giá trị của tài sản dự định kê biên để quyết định kê biên phần tài sản nào tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại tịch thu hoặc phạt tiền; nên trong thực tiễn việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Trong các tội phạm về tham nhũng thì tịch thu tài sản chỉ được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, dẫn đến Cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi tài sản.

Nhiều quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế, thiếu hiệu quả, như chưa có điều khoản quy định về việc phải xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc tài sản; các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập mang tính hình thức, hiệu quả thấp, gây khó khăn cho việc xác minh tài sản để áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, nhằm bảo đảm việc thu hồi.

Việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cũng chưa thực sự chặt chẽ do chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức kiểm soát tài sản thu nhập, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tại toạ đàm, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị cho rằng, trong quá trình tố tụng, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm sát viên kiểm soát các biện pháp ngăn chặn giao dịch, phong tỏa, trưng cầu giám định, định giá tài sản, xác minh quyền sở hữu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội (như nhà, đất, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, cổ phần, vốn góp, máy móc, nhà xưởng…) và việc chuyển dịch các tài sản này, trước, trong, sau thời gian phạm tội. Qua đó, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Quá trình xét xử vụ án hình sự, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc xét hỏi, tranh luận làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo và tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt đã được sử dụng, chuyển hóa. Việc này nhằm áp dụng các biện pháp thu hồi chính xác, triệt để.

Trong công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án phải chú trọng việc xử lý tài sản đã kê biên, phong tỏa và xác minh các tài sản mới để thực hiện việc thu hồi; đối với Viện Kiểm sát phải thực hiện việc kiểm sát ngay từ khi nhận bản án có hiệu lực pháp luật, quyết định thi hành án.

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cùng với đó, cần có quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp chây ì, cố tình né tránh hành vi trái pháp luật của đối tượng đã gây ra.


Tin xem thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ nội chính phải 'chắc - sắc - đắc'

VĂN HOÁ XÃ HỘI
01/01/2025 09:59

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu ...

Tương lai của du lịch toàn cầu được định hình với hộ chiếu điện tử thay cho hộ chiếu giấy

VĂN HOÁ XÃ HỘI
01/01/2025 09:56

Tương lai của du lịch toàn cầu được định hình với hộ chiếu điện tử thay cho hộ chiếu giấy

Thời tiết ngày 31/12: Bắc Bộ trời tiếp tục rét, Nam Bộ chiều tối có nơi có mưa

VĂN HOÁ XÃ HỘI
31/12/2024 08:02

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 31/12, Bắc Bộ và Thanh Hóa sáng sớm sương mù, ngày nắng, đêm và sáng trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. T...

Giá đào Tết tăng, hoa 'lười' nở khiến chủ vườn Nhật Tân mất ăn mất ngủ

VĂN HOÁ XÃ HỘI
31/12/2024 07:57

Do ảnh hưởng của mưa bão, năm nay, giá đào Tết loại thường dao động từ 1-2 triệu đồng, loại đặc biệt lên tới 8-10 triệu đồng/cây. Nhiều chủ vườn tại thủ phủ đào Nhật Tân ...

Phong tục đón Tết Dương lịch tại một số nước trên thế giới

VĂN HOÁ XÃ HỘI
31/12/2024 07:53

Phong tục đón Tết Dương lịch tại một số nước trên thế giới

Vì sao khó thay thế được máy bay vận tải C-17 Globemaster III?

VĂN HOÁ XÃ HỘI
31/12/2024 07:50

Vì sao khó thay thế được máy bay vận tải C-17 Globemaster III?

Tuyển Việt Nam được thưởng khủng sau khi vào chung kết AFF Cup 2024

THỂ THAO
30/12/2024 09:44

Tuyển Việt Nam được thưởng 1,5 tỷ đồng sau khi đánh bại Singapore để vào chung kết AFF Cup 2024.

Giá vé máy bay Tết 2025 cao ngất ngưởng, hạng phổ thông 'cháy vé'

VĂN HOÁ XÃ HỘI
30/12/2024 09:42

Giá vé máy nhiều chặng từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao ngất ngưởng, thậm chí "cháy vé" ở hạng phổ thông khiến nhiều n...

Đối ngoại 2024 tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

VĂN HOÁ XÃ HỘI
29/12/2024 15:36

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại trong năm qua được triển khai chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên...