
Trước khi trở thành một vùng sa mạc khô cằn và cằn cỗi như ngày nay, Sahara từng là một thảo nguyên xanh tươi với cây cối, sông hồ trù phú. Nơi đây còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật và các cộng đồng loài người nguyên thuỷ. Tại đây, các nhà khảo cổ đã từng tìm thấy hài cốt của 15 phụ nữ và trẻ em được chôn cất tại một hang đá trong khu vực.
Để tìm hiểu về nguồn gốc của những cư dân "Sahara xanh", các nhà khoa học đã tìm cách khôi phục lại bộ gen từ hài cốt của hai người phụ nữ được chôn cất tại Takarkori. Việc khai quật hang đá Takaroki bắt đầu diễn ra từ năm 2003 và hai bộ hài cốt phụ nữ 7.000 năm tuổi này nằm trong số những phát hiện quan trọng đầu tiên.
Savino di Lernia, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết nguyên nhân lựa chọn 2 bộ hài cốt này là vì các da, dây chẳng và mô trên cơ thể vẫn còn được bảo quản rất tốt. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học có thể giải trình tự toàn bộ gen từ hài cốt người được tìm thấy trong một môi trường nóng và khô cằn đến như vậy.
Các chuyên gia đã nghiên cứu hài cốt và hiện vật khai quật từ địa điểm Takarkoki trong nhiều năm, nhưng thu hồi DNA từ hài cốt là một việc không hề dễ dàng và mất nhiều thời gian. Bởi DNA cổ đại thường bị phân mảnh và ô nhiễm, đặc biệt là trong nhiệt độ khắc nghiệt của sa mạc lớn nhất thế giới, hiện trạng còn tệ hơn.
Kết quả phân tích bộ gen đã mang đến một bất ngờ lớn, khi các cư dân của Sahara xanh là một quần thể loài người chưa từng được biết đến, sống tại khu vực này trong hàng chục nghìn năm, tách rời với phần còn lại của thế giới.
Cộng đồng này được cho là có thể đã di cư đến đây trong làn sóng di cư đầu tiên của loài người ra khỏi châu Phi cách đây hơn 50.000 năm. Đồng tác giả của nghiên cứu - Harald Ringbauer cho biết thật kỳ lạ khi một dòng dõi di truyền lại bị cô lập như vậy.
Sự cô lập về mặt di truyền này cho thấy Sahara không phải là một tuyến đường di cư phổ biến giữa khu vực châu Phi cận Sahara và Bắc Phi vào thời điểm đó, dù cho điều kiện sống ở đây có thuận lợi đi chăng nữa.
Trước đây, dựa vào các bức tranh hang động mô tả cư dân nơi đây chăn nuôi cừu, dê, một số nhà khoa học từng suy đoán rằng họ có thể có nguồn gốc từ khu vực Cận Đông (Near East) – nơi khởi nguồn của nền nông nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã bác bỏ giả thuyết này, vì nhóm người ở Takaroki không có dấu hiệu pha trộn gen với các cộng đồng bên ngoài. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rất có thể hoạt động chăn thả gia súc đã được du nhập thông qua quá trình trao đổi văn hoá, tương tác với nhóm khác đã thuần hoá động vật.
“Giờ đây, chúng ta biết được rằng cộng đồng này bị cô lập về mặt di truyền, chứ không phải về mặt văn hoá. Dòng dõi di truyền của nhóm người này mang dấu vết của con người vào thời Pleistocene, kết thúc vào khoảng 11.000 năm trước.” - Savino di Lernia cho biết. Bên cạnh đó, DNA của hai người phụ nữ này còn cho thấy họ có thể bắt nguồn từ một dòng di truyền Bắc Phi cổ đại chưa được biết đến trước đây.