Nhập số điện thoại cần khôi phục mật khẩu.
Snap đối mặt với một cuộc khủng hoảng Fentanyl và nhìn xa hơn là sự sụp đổ của các đạo luật bảo vệ các công ty công nghệ và mạng xã hội
Snap mở ra một thị trường chợ đen không ai nghĩ tới
Snapchat ra đời vào năm 2011, trong thời điểm các mạng xã hội chủ yếu tập trung vào việc chia sẻ thông tin, tin tức, và hình ảnh với bạn bè và gia đình. Khác biệt với các ứng dụng khác, Snapchat chọn một cách tiếp cận táo bạo và mới mẻ hơn: khi mở ứng dụng, màn hình chính không phải là feed thông tin, mà là camera sẵn sàng để người dùng selfie. Ý tưởng của Snapchat rất đơn giản nhưng hay ho khi người dùng không cần lo lắng về vẻ ngoài hay sự hoàn hảo. Thay vào đó, họ có thể vui vẻ, làm điều tưng tửng, và chia sẻ ngay lập tức. Chính cách tiếp cận độc đáo này đã nhanh chóng thu hút người dùng, đặc biệt là giới trẻ tuổi teen. Theo Pew Research Center, năm 2024, có đến 55% thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi từ 13 đến 17 sử dụng Snapchat.
Tuy nhiên, như mọi nền tảng mạng xã hội, Snapchat cũng phải đối mặt với áp lực duy trì và tăng trưởng lượng người dùng. Để cạnh tranh, các mạng xã hội, bao gồm Snap, đã áp dụng thuật toán tối ưu nội dung hiển thị, thu hút người dùng tiêu thụ nhiều nội dung hơn và kết nối cả với những người lạ ngoài vòng bạn bè thật sự của họ. Điều này vô tình tạo ra một môi trường thuận lợi cho những kẻ xấu. Một số ví dụ như trên TikTok, những “kẻ săn mồi” sẽ tiếp cận các KOL, influencers với nội dung liên quan đến trẻ em. Hay trên Instagram, rất nhiều trường hợp đã báo lại rằng trẻ em tại Mỹ bị nhắn tin quấy rối, tống tiền trên nền tảng này. Còn với Snapchat, điều Evan Spiegel, CEO của công ty, không ngờ tới là nền tảng này lại trở thành thiên đường lý tưởng cho những người buôn bán ma tuý, chất gây nghiện.
Điểm đặc biệt khiến Snapchat trở nên phổ biến chính là tin nhắn tự động biến mất sau 24 giờ. Không giống Instagram hay Facebook vốn lưu giữ nội dung hoặc mới gần đây mới có tính năng tự huỷ, Snapchat từ đầu đã cho phép người dùng thoải mái thể hiện, không lo ngại rằng nội dung của họ sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, chính tính năng này đã vô tình trở thành lá chắn hoàn hảo cho những đứa trẻ muốn giấu cha mẹ và cho những kẻ buôn bán ma tuý trốn tránh sự giám sát của cảnh sát.
Snapchat từng khẳng định rằng tính năng này được thiết kế để mô phỏng thực tế của các cuộc trò chuyện trong cuộc sống, chứ không phải để trở thành công cụ hỗ trợ cho tội phạm. Nhưng theo Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia (National Crime Prevention Council), tính năng tin nhắn tự biến mất của Snapchat trong năm qua đã tạo ra một “chợ ma tuý số", nơi các kẻ buôn thuốc dễ dàng tiếp cận và bán thuốc cho trẻ vị thành niên. Mặc dù ý tưởng ban đầu là tích cực, hệ quả không lường trước được này đã khiến Snapchat trở thành tâm điểm chỉ trích trong cuộc khủng hoảng fentanyl và các vụ lạm dụng ma tuý trên mạng.
Tai nạn của Michael Brewer với Fentanyl
Một trong những loại thuốc phổ biến nhất được buôn bán qua Snapchat là fentanyl – một chất gây nghiện tổng hợp mạnh hơn morphine đến 100 lần, giá rẻ và cực kỳ dễ sản xuất. Tuy nhiên, Fentanyl rất độc khi chỉ cần một lượng nhỏ khoảng 2 milligrams, tương đương với 5–6 hạt muối, đã có thể đủ để giết chết một người trưởng thành. Loại thuốc này được dễ dàng pha chế trên thị trường chợ đen và nhét vào bất kỳ viên thuốc nào, khiến chi phí sản xuất thấp nhưng lại tạo ra những “cú phê” cực mạnh, dẫn đến nghiện ngập nhanh chóng.
Theo bác sĩ Kimberly Fenton, một chuyên gia y khoa tại Orlando, phần lớn những ca ngộ độc fentanyl – đặc biệt là ở trẻ em – thường dẫn đến tử vong trước khi kịp đưa đến bệnh viện. Chỉ trong vài phút sau khi sử dụng, nạn nhân sẽ bắt đầu thở chậm, và nếu liều lượng đủ lớn, tim có thể ngừng đập hoàn toàn.
Và Micheal Brewer là nạn nhân của loại ma tuý tổng hợp này. Michael tải Snapchat lần đầu tiên khi mới 11 tuổi, nhỏ hơn quy định độ tuổi tối thiểu của ứng dụng 2 năm. Tuy nhiên, em chỉ cần thay đổi ngày sinh là có thể dễ dàng đăng kí và sử dụng. Cũng như nhiều đứa trẻ khác, Michael nhanh chóng bị cuốn vào việc tăng điểm Snapscore – chỉ số thể hiện mức độ hoạt động của người dùng. Một trong những cách đơn giản để tăng điểm là kết bạn qua tính năng Quick Add, cho phép gợi ý kết nối dựa trên bạn chung hoặc địa điểm gần nhau. Michael sử dụng tính năng này không ngừng gửi và nhận lời mời kết bạn.
Michael sau đó kết bạn với người dùng có tên MaryJane, kèm theo biểu tượng 🌳 và 💊. MaryJane nhanh chóng giới thiệu cho cậu một loạt các loại thuốc như marijuana, THC cartridges, Adderall và Percocet, với lời cam kết giao đến tận nhà. Vốn đang trải qua giai đoạn khó khăn khi cha bị kết án 5 năm tù vì gian lận tài chính và rửa tiền, cùng sự cô lập trong đại dịch Covid-19, Michael dễ dàng bị cuốn hút bởi sự tò mò và dần trở thành khách hàng thường xuyên của những kẻ buôn thuốc nhờ vào tính năng tin nhắn tự biến mất của Snapchat
Đêm Giáng sinh 2020, Michael sử dụng Quick Add để kết bạn với một người bán khác, có biểu tượng 💊 và 🍄. Cậu đặt mua Percocet với giá 20 đô. Sau khi được giao hàng, Michael nhớ rằng mình đã dùng thuốc và ngay sau đó mơ thấy mình đang chìm sâu trong một tàu ngầm lao xuống đáy đại dương. Trên thực tế, em trai của Michael, Brady, đã phát hiện anh mình đang thở hổn hển lúc 3 giờ sáng, giống như cố thở qua một chiếc ống hút nhỏ. Michael nằm bất động, trắng bệch. Cậu được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tim ngừng đập 4 lần. Bác sĩ Kimberly Fenton đã sử dụng naloxone, một loại thuốc giải độc opioid, nhưng không hiệu quả ngay. Khi kiểm tra kỹ hơn, Fenton phát hiện đồng tử của Michael co lại như đầu ghim – dấu hiệu đặc trưng của fentanyl – và bà quyết định tiêm thêm naloxone. Lần này, đồng tử của Michael giãn ra, nhịp tim quay lại, và cậu được cứu sống sau nhiều giờ chiến đấu với tử thần.
Trong khi chờ em tỉnh lại, gia đình cậu đã kiểm tra điện thoại để tìm hiểu nguồn gốc thuốc. Họ phát hiện người bán hàng cuối cùng mà Michael đã liên lạc trên Snapchat, dẫn đến việc cảnh sát bắt giữ kẻ bán thuốc, Luis Molina. Tuy nhiên, vì không đủ bằng chứng – các tin nhắn đã bị xoá, và thuốc thu giữ không phải fentanyl – Molina chỉ bị quản thúc 36 tháng mà không phải ngồi tù. Michael may mắn sống sót, nhưng phải chịu những tổn thương nặng nề. Não bộ bị ảnh hưởng khiến cậu gặp khó khăn trong việc nói chuyện, chân tay co quắp, và nghiêm trọng nhất là mất hoàn toàn thị lực. Michael hiện đang trải qua vật lý trị liệu để phục hồi chức năng tại Florida.
Cùng gia đình, Michael đã quyết định khởi kiện Snapchat. Họ liên hệ với Social Media Victims Law Center, hy vọng biến trải nghiệm đau thương của mình thành một bài học cảnh tỉnh và buộc các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những tổn hại mà họ góp phần gây ra. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg em không hoàn thành được câu nói: “Tôi còn sống, và tôi sẽ kiện CEO Snapchat”
Xu thế trẻ qua đời vì fentanyl quá liều tăng cao tại Mỹ và hành động của Snap
Michael Brewer không phải là trường hợp duy nhất. Em là một trong số rất ít nạn nhân sống sót để kể lại câu chuyện của mình. Hai tháng sau tai nạn của Michael, Sammy Chapman, một thiếu niên khác, đã tử vong vì fentanyl. Mẹ của Sammy đưa cái chết của con mình lên sóng quốc gia, cảnh báo các bậc phụ huynh về việc kiểm soát con cái, đặc biệt là cách chúng sử dụng Snapchat – nơi thuốc dễ dàng được buôn bán.
Năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, hơn 1.600 trẻ em đã qua đời vì sử dụng thuốc quá liều – con số này gần gấp đôi năm 2019 và tiếp tục tăng thêm 10% vào năm 2021. Thuốc không chỉ dễ tiếp cận hơn mà còn độc hại hơn trước. Fentanyl nổi lên như một nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết này. Cơ quan phòng chống ma tuý (Drug Enforcement Administration) đã cáo buộc các mạng xã hội đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng, khi các mạng lưới buôn bán thuốc đã len lỏi vào trường học và các khu dân cư thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Snapchat bị nêu tên nhiều lần trong các báo cáo của DEA, và FBI cũng đang điều tra nền tảng này vì đã để các quảng cáo bán thuốc fentanyl lan rộng.
Trên thực tế, nội bộ Snap đã nhận thức từ lâu về các lỗ hổng trên nền tảng, đặc biệt là tính năng tin nhắn tự biến mất và Quick Add, bị lợi dụng bởi kẻ buôn ma túy và các tương tác nguy hại khác. Email nội bộ từ năm 2019 đến 2022 cảnh báo về quấy rối tình dục trực tuyến, liên hệ không mong muốn giữa người lớn và trẻ vị thành niên, cũng như buôn bán chất cấm, bao gồm fentanyl. Nhân viên cho rằng các mối quan ngại về an toàn thường bị ưu tiên thấp hơn so với các mục tiêu thiết kế sản do CEO Evan Spiegel thúc đẩy.
Mãi đến tháng 2 năm 2021, Snap mới bắt đầu chú ý nghiêm túc đến vấn đề này sau khi Jennifer Stout, Giám đốc chính sách công toàn cầu của Snap, nhận được thông tin về một vụ việc khác liên quan đến fentanyl trên Snapchat. Cú sốc này khiến Stout, một người mẹ, coi đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Vài tuần sau, vấn đề được gắn “mã đỏ,” trở thành ưu tiên cao nhất của Snap. Mọi nguồn lực của công ty được dồn vào việc phát triển các bộ lọc để phát hiện nội dung liên quan đến buôn bán thuốc và nhận diện các tài khoản thực hiện hoạt động này. Snap cũng triển khai trí tuệ nhân tạo và các mô hình học máy để giải mã tiếng lóng thường dùng trong các giao dịch như “percs” cho Percocet, “addy” cho Adderall, hoặc các emoji như 🔌 (người bán), 🛒 (THC cartridges), hay ⛽️ (hàng chất lượng cao).
Snapchat sau đó tổ chức các cuộc nói chuyện với gia đình các nạn nhân đã mất vì fentanyl, giữa bối cảnh cả thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19. Những câu chuyện họ chia sẻ có một điểm chung đau lòng: các em, tìm kiếm một lối thoát khỏi sự cô lập và chán nản, đã mua thuốc qua Snapchat và qua đời không lâu sau đó. Dù Snapchat cam kết tăng cường nhân sự cho đội ngũ pháp luật và giải quyết vấn đề, các bậc phụ huynh không bị thuyết phục và rời cuộc họp trong sự tức giận. Một trong số đó, Amy Neville, mất đi con trai Alexander vì mua oxycodone giả chứa fentanyl, cảm thấy lời nói của Snap là vô nghĩa khi trẻ em vẫn tiếp tục tử vong.
Trên thực tế, Snapchat luôn luôn cam kết loại bỏ các đối tượng buôn bán ma tuý, đầu tư hàng trăm triệu đô la vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo, gỡ bỏ 2,2 triệu nội dung liên quan đến ma túy và cấm hơn 700.000 tài khoản trong năm 2023, đồng thời tăng cường nhân sự để đảm bảo sự an toàn trên mạng xã hội này. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng tiến hành những thay đổi về bộ lọc và cải thiện các biện pháp an toàn. Tuy nhiên, sự chỉ trích từ pháp lý và công chúng vẫn tiếp diễn, khi tình hình không được cải thiện với các lỗ hổng về việc thiếu tính năng kiểm soát của phụ huynh và xác minh tuổi không hiệu quả.
Bất mãn với sự thiếu chủ động từ Snap, nhiều phụ huynh quyết định đã đến lúc phải lên tiếng. Một nhóm phụ huynh đến biểu tình tại trụ sở Snap ở Santa Monica với các biểu ngữ ghi “Gone in a Snap” (Ra đi vì Snap), hy vọng gây áp lực buộc công ty phải chịu trách nhiệm và ngăn chặn thêm những cái chết thương tâm.
Kiện tụng và cơn khủng hoảng mà Snap phải đối mặt
Nói một chút về Đạo Luật 230
Đạo Luật 230 ra đời vào năm 1996 như một phần của Đạo luật về Đạo đức Truyền thông (Communications Decency Act), được thiết kế để bảo vệ các nền tảng internet còn đang phát triển khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng tạo ra. Về cơ bản, các nền tảng phải đối mặt với việc: họ có buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý cho nội dung có hại hay họ được thả cửa cho bất kì nội dung nào cũng được tồn tại. Khoản 230 đã giải quyết vấn đề này bằng cách trao quyền miễn trừ pháp lý cho các nền tảng đối với nội dung bên thứ ba và cho phép họ tự do kiểm duyệt mà không bị kiện, ví các nền tảng này giống như các tiện ích công cộng (như công ty viễn thông) thay vì các nhà xuất bản.
Theo thời gian, tòa án đã củng cố khoản 230 này với các vụ án đáng chú ý. Năm 1995, AOL không bị quy trách nhiệm về nội dung phỉ báng do người dùng đăng. Tương tự, mạng xã hội này cũng không phải chịu trách nhiệm khi một bé gái 13 tuổi bị sát hại bởi một người dùng 19 tuổi khi kết nối qua nền tảng này. Đến năm 2015, mạng xã hội Experience Project cũng không bị quy lỗi khi một người dùng mua heroin qua nền tảng và tử vong vì quá liều. Những phán quyết này giúp bảo vệ Điều khoản 230 nhưng cũng khiến nó bị chỉ trích là “lá bài miễn trách nhiệm” cho các công ty công nghệ.
Mặc dù Điều khoản 230 đã thúc đẩy sự phát triển của internet, nhưng ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề. Một số ý kiến cho rằng điều khoản này giúp các nền tảng né tránh trách nhiệm kiểm soát nội dung có hại, trong khi những người khác lo ngại việc sửa đổi có thể hạn chế tự do ngôn luận. Do bế tắc chính trị, điều khoản này chưa được điều chỉnh, mặc dù công nghệ mới và tác động xã hội đặt ra thách thức về tính phù hợp của nó. Các đề xuất cải cách tập trung vào việc điều chỉnh Điều khoản 230 để phù hợp với thực tế kỹ thuật số hiện nay, cân bằng giữa an toàn, trách nhiệm và tự do ngôn luận.
Snap đối mặt với các vụ kiện từ gia đình của các trẻ em qua đời vì fentanyl
Vào tháng 10/2022, một nhóm 64 gia đình đã đệ đơn kiện Snapchat lên Tòa án Tối cao Los Angeles, cáo buộc ứng dụng này là một sản phẩm nguy hiểm, góp phần lớn vào các ca tử vong liên quan đến fentanyl trên mạng xã hội. Đơn kiện này không tập trung vào việc trẻ em tiếp cận thuốc, mà vào cách những kẻ bán thuốc dễ dàng tiếp cận các em thông qua Snapchat. Các gia đình cho rằng Snapchat được thiết kế để hỗ trợ điều này, từ tính năng gợi ý kết bạn với kẻ buôn thuốc, cho phép họ gửi nội dung quảng cáo, giá cả, đến việc xoá toàn bộ bằng chứng sau giao dịch.
Luật sư Laura Marquez-Garrett, người đại diện cho các gia đình tại Social Media Victims Law Center, cho rằng mặc dù trẻ em mắc sai lầm, nhưng chúng không đáng phải chết mà không có cơ hội sửa sai. Các luật sư dựa vào lập luận về trách nhiệm sản phẩm – một yếu tố của luật bồi thường thiệt hại – để chứng minh Snapchat phải chịu trách nhiệm. Đây là một cách tiếp cận có chiến lược và táo bạo, vì việc thắng kiện chống lại một công ty được bảo vệ bởi Mục 230 gần như chưa từng có tiền lệ.
Michael Brewer trở thành nhân chứng quan trọng trong vụ kiện, vì em là một trong số ít nạn nhân sống sót có thể kể lại câu chuyện của mình. Michael muốn biến trải nghiệm đau thương thành cách để yêu cầu các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm và không thể tiếp tục ẩn mình sau khoản 230 này. Nếu vụ kiện thắng, nó có thể trở thành bước ngoặt lớn, phá vỡ tấm lá chắn pháp lý mà các công ty công nghệ đã sử dụng trong suốt nhiều thập kỷ.
Và với các vụ kiện này, Snap cũng vin vào Khoảng 230 với phản hồi rằng công ty không thể nào chịu trách nhiệm cho những nội dung trên nền tảng này, cũng tương tự các nhà mạng không thể nào quản lý hết được những gì người dùng của họ giao tiếp thông qua cơ sở hạ tầng của họ. Tuy nhiên, với những gì mà trào lưu này đang tạo ra, thì Snap hiện đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi các nhà lập pháp và hành pháp và hai đảng đánh giá vai trò của công ty trong cuộc khủng hoảng Fentanyl. Trào lưu này không chỉ dừng lại ở Snap mà các nền tảng khác như Meta, TikTok, YouTube cũng đang đối mặt với nhiều vụ kiện tương tự nhiều trường hợp trẻ em là nạn nhân của những nền tảng mạng xã hội này.
Theo Nghị định 168 mới, mức phạt với các xe không chính chủ đã tăng so với trước nên người dân cần biết để tránh mắc phải.
Ngày 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết c...
Trẻ em sử dụng Internet là điều rất phổ biến hiện nay. Song, ở độ tuổi này, các em thường ít được trang bị những kỹ năng "tự vệ" trên môi trường mạng. Nghị định 1...
Ngoài trợ cấp thôi việc, công chức, viên chức còn có thể được hưởng trợ cấp theo số năm công tác, trợ cấp tìm việc...
Thủ đô Hà Nội ít mây, ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; gió nhẹ; sáng và đêm trời rét; nhiệt độ thấp nhất 12-14 độ C, nhiệt độ cao n...
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam khiến những người hâm mộ ở TP.HCM vỡ òa trong hạnh phúc, họ cùng nhau tràn xuống đường ăn mừng cả đêm.
Snapchat và cuộc khủng hoảng chợ ma tuý số với Fentanyl: khi công nghệ trở thành con dao hai lưỡi
Người sống lâu nhất thế giới đã qua đời ở tuổi 116
Thành phố Milan, nước Ý cấm hút thuốc lá ngoài trời
nội dung mới