Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là quy định các cơ sở nhập khẩu, sản xuất thuốc công bố giá bán buôn dự kiến để công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
|
Các đại biểu dự phiên họp. |
Giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, dự thảo luật quy định về công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá.
Dự thảo luật cũng đã quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc kiểm soát giá bán buôn là điểm mới, cần tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng công tác mua thuốc của cơ sở y tế; phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.
“Giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất. Không thể cùng một loại thuốc nhưng nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá khác. Đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc, lắng nghe ý kiến nhiều ngành, nhiều cơ quan và cả ý kiến từ những người sử dụng thuốc”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện quảng cáo thuốc trên truyền thông rất nhiều nhưng thuốc liệu có bảo đảm chất lượng hay không; do đó, cần rõ trách nhiệm, chặt chẽ trong quy định.
Đề cập quy định của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát dự thảo luật này để điều chỉnh; làm sao Luật Dược sửa đổi có tuổi thọ cao, giúp việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, chất lượng hơn.
Kết luận nội dung này khi điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh quy định liên quan đến giá thuốc nhằm tăng cường quản lý tốt hơn, song không được làm tăng gánh nặng cho cơ sở kinh doanh, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Giá.
|
Quang cảnh phiên họp. |
Có chính sách đột phá để công nghiệp dược Việt Nam có thể trở thành nền công nghiệp mũi nhọn
Đáng chú ý, về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược trong dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể, làm rõ các chính sách và đề nghị có chính sách đột phá để công nghiệp dược Việt Nam có thể trở thành nền công nghiệp mũi nhọn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định những nguyên tắc chung trong chính sách của Nhà nước về dược tại Điều 7 sửa đổi; cụ thể lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược và các ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 sửa đổi; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Theo đó, Điều 7 dự thảo luật đã làm rõ hơn một số nội dung so với dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy như: Làm rõ nội hàm ưu tiên về các thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu; quy định về việc áp dụng các cơ chế ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ thuốc; bổ sung chính sách “xúc tiến thương mại để xuất khẩu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền”.
Điều 8 quy định cụ thể các lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó quy định quy mô của dự án đầu tư trong một số lĩnh vực dược với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt…