Khi nhắc đến Hy Lạp, hình ảnh đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ đến là những ngôi nhà trắng, với mái vòm xanh rực rỡ, tạo nên một khung cảnh rất đặc trưng khó nhầm lẫn. Nằm cạnh đại dương xanh biếc, những ngôi nhà này dường như lại càng nổi bật hơn nữa, tạo nên một bức tranh rất đẹp về mặt thị giác. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lại là màu xanh và trắng? Những sắc màu này có ý nghĩa gì đặc biệt đối với người dân nơi đây?
Trên thực tế, có nhiều lý giải khác nhau về sự lựa chọn màu sắc này. Một số người cho rằng truyền thống sơn nhà màu xanh và trắng bắt nguồn từ lá cờ của Hy Lạp, thể hiện niềm tự hào và sự đoàn kết của dân tộc qua các thế hệ.
Những ngôi nhà màu trắng
Bên cạnh cách lý giải đó, cũng có những lý do thực tế khiến 2 màu sắc này trở thành một phần của Hy Lạp. Trước đây, các ngôi nhà trên những hòn đảo của Hy Lạp chủ yếu được xây dựng bằng đá, vì gỗ rất hiếm trong vùng đất này. Nhưng đá ở đây lại có màu tối, dễ hấp thụ nhiệt từ mặt trời, khiến không gian trong nhà trở nên rất nóng và ngột ngạt. Đặc biệt vào mùa hè, khi nhiệt độ có thể lên đến 45°C và với những viên đá sẫm màu hấp thụ nhiệt, môi trường bên trong nhà trở nên nóng bức đến mức không thể chịu nổi.
Giải pháp đơn giản và hiệu quả được người dân nghĩ ra là sơn nhà bằng màu sáng, chủ yếu là màu trắng. Họ sử dụng vôi, nước và muối biển để tạo thành một loại sơn tự chế, giúp phản xạ ánh sáng mặt trời và giữ cho không gian trong nhà luôn mát mẻ. Màu trắng không chỉ giúp làm giảm nhiệt mà còn mang đến sự tươi mới cho những ngôi nhà nơi đây.
Ngoài lý do khí hậu, màu trắng còn có liên quan đến một sự kiện đặc biệt trong lịch sử Hy Lạp. Vào năm 1938, khi dịch tả bùng phát dưới thời nhà độc tài Ioannis Metaxas, chính quyền đã ban hành một đạo luật yêu cầu tất cả các ngôi nhà phải sơn trắng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Mặc dù điều này có vẻ lạ, nhưng lớp sơn trắng có chứa đá vôi, một vật liệu được xem là có đặc tính kháng khuẩn và khử trùng mạnh mẽ vào thời điểm đó.
Vậy còn màu xanh lam?
Trước đây, người dân Hy Lạp thường tận dụng sơn thuyền còn sót lại để sơn các ngôi nhà. Màu xanh lam vào thời điểm đó lại là màu sơn rẻ nhất và dễ kiếm. Họ thường trộn đá vôi với một chất tẩy rửa đặc biệt có tên "loulaki", một loại bột talc màu xanh mà hầu hết các gia đình trên đảo đều có sẵn. Vì vậy, màu xanh lam trở thành một lựa chọn tự nhiên, đơn giản và dễ làm.
Sơn nhà màu xanh và trắng bắt đầu trở thành quy định bắt buộc ở Hy Lạp vào năm 1974, chế độ khi đó tin rằng màu sắc sẽ truyền cảm hứng và khơi dậy lòng yêu nước, phản ánh chủ nghĩa dân tộc. Mặc dù các quy định ngày nay đã được nới lỏng hơn, nhưng màu xanh và trắng đã trở thành một điểm thu hút du khách lớn, mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành du lịch địa phương, đặc biệt là ở những vùng du lịch nổi tiếng nhất Santorini. Do đó, nhiều người dân trên đảo vẫn tiếp tục chọn sơn nhà của họ với những màu này. Dù cho một số ngôi nhà đã sử dụng các màu khác như đỏ, xanh lá cây hoặc hồng, nhưng về tổng thể màu trắng và xanh lam vẫn chiếm ưu thế hơn hẳn.