Ngày 31/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Công an cùng lãnh đạo, cán bộ đại diện cho 63 Sở GDĐT và 140 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với số lượng trên 1 triệu thí sinh dự thi thuộc các vùng miền, địa bàn khác nhau trên cả nước. Năm nay là kỳ thi cuối cùng kết thúc chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Dù nội dung chuyên môn theo chương trình khác nhau nhưng tính chất của Kỳ thi không thay đổi. Đây chính là một kênh để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng quản lý, dạy học của các nhà trường, cung cấp những kết quả đáng tin cậy để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề”, Thứ trưởng nói.
Nhấn mạnh tinh thần thực hiện nghiêm túc, không lơ là, chủ quan, Thứ trưởng cho rằng, mỗi một sơ xuất, làm không đúng quy chế xảy ra sẽ mang đến hệ lụy và tác động rất lớn với xã hội, ảnh hưởng tới mục đích, yêu cầu và chất lượng của kỳ thi.
Năm nay Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, với việc ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Trong đó, 5 nhóm vấn đề được đặc biệt coi trọng. Đó là công tác lãnh đạo chỉ đạo phải sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp cần nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả và thông suốt; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; công tác chuyên môn phải thực hiện đúng quy chế, quy trình; công tác truyền thông từ trung ương đến địa phương cần chủ động, kịp thời, đầy đủ và hiệu quả.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, Thứ trưởng nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra là vô cùng quan trọng. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng, kịp thời thì tính chất kỳ thi, trường thi sẽ đảm bảo nghiêm túc, mang lại sự công bằng cho các thí sinh.
Ghi nhận sự chung sức, đồng lòng của các thầy cô ở các trường đại học và các Sở GDĐT tham gia công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, Thứ trưởng đánh giá lực lượng này đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng và ý nghĩa.
Hằng năm Bộ GDĐT huy động 8.000 giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học tham gia tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Thực hiện công việc này, cũng chính là các trường đang lựa chọn bước đầu cho đầu vào của mình, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học.
Để công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm 2024 đạt kết quả tốt nhất, Thứ trưởng đề nghị, sau hội nghị tập huấn này, các cơ sở giáo dục đại học và các Sở GDĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra với yêu cầu cao nhất, tất cả các thầy cô tham gia vào đoàn thanh tra, kiểm tra đều phải được tập huấn về nghiệp vụ thanh tra.
Thứ trưởng cũng mong muốn, các thành viên được lựa chọn trong các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay không chỉ nắm kỹ quy trình, nội dung, mà còn lưu ý tới phương pháp, cách thức thanh tra, kiểm tra. Cần làm việc nghiêm túc, đúng quy tắc, nhưng với tinh thần hợp tác, không tạo ra căng thẳng; hỗ trợ thuận lợi nhất cho thí sinh.
Nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cần tuân thủ yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức Kỳ thi mà Bộ GDĐT đã chỉ đạo nhiều năm qua, Thứ trưởng nhắc lại yêu cầu: “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương lưu ý những điểm mới và những điểm cần chú ý trong Quy chế và Hướng dẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, đến hiện tại, có 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm 2023.
Báo cáo về phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Chánh thanh tra Nguyễn Đức Cường cho biết: Bộ GDĐT đã thành lập 4 đoàn của lãnh đạo Bộ và Ban chỉ đạo cấp quốc gia làm việc với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, sở GDĐT, hội đồng thi. Thành viên đoàn gồm lãnh đạo Bộ, thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo cấp quốc gia và một số cơ quan khác.
Chánh thanh tra Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh: Yêu cầu thanh tra, kiểm tra cần tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GDĐT; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng.
Ngoài ra, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GDĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Sở GDĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra; không làm thay nhiệm vụ hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Tại hội nghị, đại diện Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an đã tập huấn, hướng dẫn về cách nhận biết, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã thảo luận, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về Quy chế, Hướng dẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; hướng dẫn về cách nhận biết, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong Kỳ thi; thảo luận giải đáp về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024.