
Sáng nay, mình thấy một post trên Tinh tế Fact của một người nick @Working Title tự nhận là pro-Mỹ nhưng chỉ trích chính sách thuế nhập khẩu xe hơi mới của Mỹ hay của Donal Trump. Mình cũng nghe chuyện thuế này mỗi ngày vì mình nghe đài NHK mỗi ngày và Nhật là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi quy định thuế mới này đi vào hoạt động vào ngày 2/4/2025 tới đây.
Trong các chuyến đi Nhật, Hàn của mình hay post các hình ảnh và chủ đề kiểu rất khó tìm thấy xe Nhật ở Hàn hay ngược lại. Và giờ mình suy nghĩ về xe Mỹ, xe Châu Âu ở hai thị trường này cũng chiếm thị phần rất ít. Ngồi rảnh tìm số thì cụ thể hơn như sau:
Thị phần xe theo thương hiệu xuất xứ: Mỹ, Hàn, Nhật, Châu Âu
Tại thị trường Mỹ:
- Xe Nhật: 31-33%
- Xe Hàn: 10-11%
- Xe Châu Âu: 8-10%
- Xe Mỹ: 45-47%
Tại thị trường Nhật:
- Xe Mỹ: ít hơn 2%
- Xe Hàn: ít hơn 1%
- Xe Châu Âu: 5-7%
- Xe Nhật: 85-90%
Anh em rảnh xem thêm bài này của mình. Không liên quan lắm mà Nhật đã.
Tại thị trường Hàn Quốc:
- Xe Mỹ: 1-2%
- Xe Nhật: 1-1.5%
- Xe Châu Âu: 10-12%
- Xe Hàn: 67-75%
Tại thị trường xe Châu Âu:
- Xe Mỹ: 3-5%
- Xe Nhật: 13%
- Xe Hàn: 9%
- Xe Châu Âu: 55-60%
Nếu xem thị trường là một miếng bánh, thực sự nó là vậy thì chúng ta thấy điều gì?
- Nhật và Hàn là hai nước ăn bánh Mỹ nhiều nhất nhưng lại không cho Mỹ ăn bánh của mình.
- Nhật và Hàn cũng tự ăn hết bánh của mình chứ không chia cho thằng nào khác.
- Châu Âu có vẻ rộng lượng hơn xíu khi chia sẻ bánh của mình cho các nước khác nhưng cho Mỹ ăn ít nhất.
- Mỹ có vẻ thoải mái hơn khi cho các nước khác ăn chung bánh của mình, trong đó Nhật ham ăn nhất khi ăn gần bằng Mỹ luôn.
Giải thích và phủ nhận giải thích
Có rất là nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc là xe Mỹ không chiếm thị phần lớn tại các nước Nhật, Hàn, Châu Âu đó là vì nó quá lớn, nó hao xăng, nó tốn chi phí bảo trì, nó quá cá tính… Tuy nhiên nếu đúng là như vậy thì tại sao xe Nhật lại không phổ biến ở Hàn và ngược lại, xe Châu Âu cũng không phổ biến ở Nhật và Hàn.
Có rất nhiều giải thích về sự chênh lệch của thị phần xe hơi ở các thị trường nó có thể đúng hoặc đúng phần nào trong từng góc hẹp. Tuy nhiên nhìn rộng ra thì có vẻ có một lý do khác.
Hàng rào thuế quan và sự lừa dối
Đây là công cụ cơ bản để các nước thoả thuận với nhau để đảm bảo việc xe hơi bán từ nước này tới nước kia được diễn ra công bằng. Mỗi nước, tuỳ vào mỗi xe sẽ có các mức thuế khác nhau, sẽ đàm phán với nhau để đưa ra con số cụ thể và đồng ý với nhau. Thuế là công cụ thương mại để các bên đối xử với nhau theo thoả thuận.
Tuy nhiên thực tế thì thuế Nhập khẩu không phản ánh đúng cam kết của các bên với nhau vì các nước có thể tạo ra các hàng rào phi thương mại như các quy định về kỹ thuật, thuế liên quan, văn hoá tiêu dùng, chủng loại sản phẩm… hoặc thậm chí là dùng chủ nghĩa dân tộc.
Như trường hợp của Hàn Quốc và Nhật Bản thì chủ nghĩa dân tộc được áp dụng như một hàng rào phi thương mại, phi kỹ thuật.
Nhật bản áp dụng thuế 0% với xe nhập từ Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu… tức là coi như mở cửa hoàn toàn, sòng phẳng, tự do. Tuy nhiên nhìn vào thị phần xe ở Nhật thì anh em có thể thấy nó cực đoan với 90% nằm trong tay các công ty Nhật Bản. Có một cánh cửa nào đó nó lớn hơn, rộng hơn đang bao trùm cả cái hàng rào thuế quan mà Nhật đã mở bung ra cho các nước.