Thị trường PC Q1/25: Tăng trưởng gần 10% nhưng có nguy cơ bị ảnh hưởng vì chính sách thuế quan

Theo báo cáo của Canalys, trong quý đầu tiên của năm 2025 thì toàn bộ thị trường PC đã xuất xưởng hơn 67 triệu máy, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đang trên đà phục hồi sau một giai đoạn sụt giảm.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thị trường PC tăng trưởng gần 10%
Mức tăng trưởng chung của toàn bộ thị trường PC là 9.4% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
Về mảng laptop, lượng xuất xưởng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và desktop cũng ghi nhận mức tăng trưởng 8%. Điều này cho thấy nhu cầu đối với cả thiết bị di động và máy tính truyền thống đều đang tăng lên, phản ánh sự đa dạng trong nhu cầu sử dụng của người dùng, từ làm việc di động đến sử dụng tại chỗ.
Và như thưởng lệ, các thương hiệu PC lớn trên thế giới vẫn tiếp tục là các cái tên Lenovo, HP, Dell, Apple và ASUS.
Mức tăng trưởng của các hãng
Lenovo tiếp tục dẫn đầu thị trường với lượng máy xuất xưởng là hơn 15.2 triệu chiếc, tăng trưởng 10.7% và chiếm 24.2% thị phần toàn cầu.
Đứng thứ hai là HP với mức tăng trưởng 6.1%, xuất xưởng 12.7 triệu chiếc. Xếp thứ ba là Dell ghi nhận mức tăng trưởng 3% với hơn 9.5 triệu chiếc.
Apple là hãng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 1 năm qua với 22.1%, số lượng máy bán ra thị trường là hơn 6.5 triệu chiếc. Năm ngoái, con số này của Apple chỉ là hơn 5.3 triệu máy.
Cuối cùng trong top 5 là ASUS, ghi nhận mức tăng trưởng 8.8% với hơn 4 triệu chiếc bán ra. Tuy nhiên, vị trí này thường là sự cạnh tranh gay gắt giữa ASUS và Acer.
Các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng
Yếu tố quan trọng nhất được Canalys đề cập đến đương nhiên là chiến lược "đẩy hàng" trước chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Các nhà cung cấp đã tăng tốc độ giao hàng, đặc biệt là đến thị trường Hoa Kỳ, nhằm tránh các mức thuế nhập khẩu tiềm năng có thể được áp dụng do căng thẳng thương mại.
Theo nhận định của Ishan Dutt, một nhà phân tích lại Canalys cho biết: "Lượng PC xuất xưởng đã trải qua một sự tăng vọt trong Q1 2025, được thúc đẩy bởi các nhà cung cấp đẩy nhanh việc giao hàng đến Hoa Kỳ để đón đầu các thông báo thuế quan ban đầu."
Ông cũng nói thêm rằng chiến lược chủ động này đã giúp các nhà sản xuất và kênh phân phối tích trữ hàng hóa trước khi chi phí có thể tăng lên, thúc đẩy lượng hàng bán ra mặc dù nhu cầu từ người dùng cuối có thể ổn định.
Theo Canalys, đến cuối năm 2025, hầu hết các OEM lớn dự kiến sẽ hoàn thành việc chuyển các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ ra khỏi Trung Quốc, nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động của thuế quan. Ví dụ, CEO HP là Enrique Lores tuyên bố rằng 90% sản phẩm của công ty được bán ở Mỹ sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vào cuối năm nay.
Yếu tố thứ hai tác động đến sự tăng trường đó là việc Microsoft sẽ kết thúc các hỗ trợ cho Windows 10 vào tháng 10 năm nay. Đây chất xúc tác, thúc đẩy cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cân nhắc nâng cấp thiết bị lên Windows 11 hoặc mua PC mới. Điều này tạo ra một chu kỳ làm mới thiết bị tiềm năng.
Canalys cũng đã làm một cuộc khảo sát với một số doanh nghiệp SMB, có khoảng 14% trong số được khảo sát không biết đến việc Windows 10 sẽ bị "khai tử" và 21% cho biết họ biết thông tin này nhưng không (chưa) có kế hoạch nâng cấp.
Sự tăng trưởng có nguy cơ bị ảnh hưởng vì thuế quan dù đã hoãn áp thuế
Ngoài Trung Quốc thì các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam đều bị áp thuế nhưng nếu so với Trung Quốc thì vẫn dễ chịu hơn, đặc biệt các nước như Việt Nam sẵn sàng đàm phán để giảm thuế thì Trung Quốc lại thực hiện trả đũa bằng việc áp thuế ngược lại, khiến cho căng thẳng leo thang.
Kế hoạch di dời việc sản xuất đã tiến hành vài năm qua nhưng vẫn rất khó để thay đổi hoàn toàn trong thời gian ngắn sắp tới (sau khi chính sách thuế chính thức có hiệu lực).
Mặc dù Tổng thống Trump đã hoãn áp thuế cho các sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính, bán dẫn...nhưng nếu các mức thuế mới được áp dụng hoặc tăng lên, giá PC có khả năng tăng theo, điều này có thể làm giảm nhu cầu từ người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến doanh số trong các quý tiếp theo của các OEM. Sự không chắc chắn về chính sách thương mại khiến các nhà cung cấp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn.
Mặc dù lượng hàng xuất xưởng tăng, Canalys lưu ý rằng nhu cầu thực tế từ người dùng cuối có thể chỉ ở mức "ổn định" chứ chưa bùng nổ. Điều này ngụ ý rằng sự tăng trưởng trong Q1 phần lớn là do việc "đẩy hàng" vào kênh phân phối hơn là nhu cầu đột biến từ người dùng cuối.