Tỉ lệ sinh sản của Nhật Bản và nhiều nước suy giảm: Tác Động Kinh Tế, Văn Hóa và Tương Lai Nhân Loại
Hiện tại, ở rất nhiều quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, tỉ lệ sinh sản đang suy giảm nhanh chóng, điều này mang lại rất nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế, văn hoá và địa chính trị nếu các quốc gia không có giải pháp cho vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng dân số của Nhật Bản là một lời cảnh báo rõ ràng cho loài người. Quốc gia này có tỉ lệ sinh chỉ 1,2 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Với tỉ lệ sinh này, Nhật Bản đã mất gần một triệu người trong năm 2023. Nếu bắt đầu với con số 100 triệu người ở thời điểm hiện tại cùng tỉ lệ này, sau ba thế hệ, Nhật sẽ chỉ còn khoảng 20 triệu người. Câu hỏi đặt ra là tại sao và tác động của nó tới kinh tế Nhật Bản, hay đứng rộng hơn là tầm toàn cầu thì sẽ như thế nào?
Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm dân số tại Nhật Bản
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dân số suy giảm tại Nhật Bản. Đầu tiên là áp lực kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất ổn, chi phí nuôi con cao, mức lương trì trệ là lý do khiến các cặp đôi ngại sinh con. Tình trạng việc làm không ổn định và bất bình đẳng thu nhập đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Ai cũng nói sinh, nhưng không ai chỉ ra được nuôi dạy như thế nào trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện tại.
Vấn đề thứ hai là sự thay đổi chuẩn mực xã hội. Hiện tại, cấu trúc gia đình truyền thống đã thay đổi khi ngày càng nhiều người ưu tiên giáo dục, sự nghiệp và đam mê cá nhân hơn là kết hôn và sinh con. Với sự thay đổi này, tỷ lệ kết hôn đã giảm đáng kể. Hơn nữa, việc sinh con ngoài hôn nhân vẫn còn hạn chế do chuẩn mực văn hóa tại quốc gia Đông Á này.
Tỉ lệ sinh con của người Nhật giảm xuống còn 1.2 con/phụ nữ, điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên do: kinh tế - áp lực văn hoá - công việc
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến hiện trạng này là văn hoá làm việc khắc nghiệt, áp lực cao. Môi trường công sở cứng nhắc, giờ làm việc dài và kỳ vọng giới tính đặt thêm gánh nặng lên phụ nữ. Điều này khiến họ khó cân bằng giữa công việc và gia đình. Mặc dù Nhật có chính sách nghỉ thai sản rõ ràng cho cả nam lẫn nữ, nhưng áp lực xã hội vẫn khiến nhiều nam giới ngại nghỉ phép chăm sóc con cũng như phụ nữ lo ngại việc trở lại thị trường lao động sau khi sinh.
Cuối cùng, dân số Nhật Bản đang ngày càng già đi. Tuổi thọ của người Nhật Bản thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này làm mất cân bằng dân số, khiến tháp dân số nghiêng hẳn về nhóm tuổi cao niên. Hiện trạng này gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội như lương hưu và y tế, đồng thời giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động.
Xu hướng sinh sản toàn cầu
Xu hướng giảm tỉ lệ sinh sản này không chỉ diễn ra tại Nhật Bản, nó còn đang trở thành một xu thế trên toàn cầu, nhất là ở những nước phát triển. Ví dụ như Hoa Kỳ, tỉ lệ sinh con tại đây trong năm 2024 là 1,8 con/phụ nữ, cao hơn Nhật Bản nhưng vẫn ở dưới mức cần thiết. Áp lực kinh tế lớn như chi phí chăm sóc trẻ em, nợ nần khiến nhiều người ngại lập gia đình và sinh con.
Biểu đồ so sánh dự báo dân số thế giới giữa 2022 và 2024. Dự báo được thực hiện ở năm 2024 cho thấy dân số tại các quốc gia phát triển sẽ có xu hướng giảm mạnh cho tới năm 20100
Hay với Hàn Quốc, tỷ lệ sinh giảm ở tất cả các nhóm tuổi dưới 40, với số ca sinh năm 2023 giảm 2% so với năm trước. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với chỉ 0,68 con/phụ nữ vào năm 2024—giảm mạnh từ mức 1,2 vào năm 2014. Nếu tiếp tục xu thế này, dân số Hàn Quốc có thể giảm một nửa vào năm 2100. Nguyên nhân của xu hướng này cũng đến từ các yếu tố tương tự với truyền thống xã hội, văn hoá làm việc căng thẳng, chi phí giáo dục cao và bất bình đẳng giới trong vai trò chăm sóc gia đình.
Một ví dụ khác là Liên Minh Châu Âu. Vào năm 2022, EU ghi nhận tỷ lệ sinh chỉ 1,46, tiếp nối xu hướng giảm dài hạn bắt đầu từ những năm 2000. Pháp dẫn đầu với tỷ lệ sinh cao nhất EU (1,79), trong khi các nước như Malta (1,08), Tây Ban Nha (1,16) và Ý (1,24) có tỷ lệ thấp nhất. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ năm 1960, số ca sinh sống tại EU giảm xuống dưới bốn triệu vào năm 2022.
Tác động của việc suy giảm tỉ lệ sinh
Những tác động tiêu cực lên kinh tế, văn hoá và địa chính trị
Việc suy giảm tỉ lệ sinh sản có tác động rất lớn đến nhiều tác động lên nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Đứng ở khía cạnh quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Hàn Quốc, việc này có thể để lại hậu quả lên nền kinh tế khi lực lượng lao động sẽ bị thu hẹp. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng thiếu lao động và giảm năng suất sản xuất. Ngoài ra, hiện trạng dân số già đi sẽ đặt áp lực lên vấn đề an sinh xã hội. Ví dụ như ở Nhật, trước đây 6 người lao động mới phải hỗ trợ 1 người nghỉ hưu nhưng hiện tại, con số này chỉ còn 3 người và dự kiến sẽ giảm còn 2 vào năm 2035. Ngoài ra, với số lượng lao động và tiêu dùng ít hơn, Nhật Bản đối mặt với tăng trưởng GDP chậm lại. Dân số già làm tăng chi tiêu công cho y tế và lương hưu, trong khi nguồn thu thuế giảm.
Tỉ lệ sinh sản thấp có tác động đến kinh tế, xã hội, chính trị và điều đó đặt áp lực lớn lên thế hệ trẻ
Bên cạnh hậu quả về kinh tế, việc suy giảm tỉ lệ sinh còn có tác động đến văn hoá xã hội. Theo đó, xu thế cá nhân hoá sẽ ngày một phát triển khi người trẻ ưu tiên mục tiêu cá nhân hơn là lập gia đình, kết hôn. Hay phụ nữ cũng sẽ có xu hướng ở một mình hơn khi áp lực chăm sóc gia đình vẫn được đặt lên vai họ. Những điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng giảm tỉ lệ sinh. Khi đó, nó đặt ra rủi ro với an ninh quốc gia khi không có lực lượng quân sự đủ, cùng với điều kiện kinh tế mạnh để cạnh tranh trên toàn cầu.
Đứng ở góc nhìn toàn cầu, việc giảm tỉ lệ sinh cũng sẽ tạo ra tác động về mặt kinh tế và văn hoá tương tự như cách nó tác động lên mỗi quốc gia, thậm chí có thể làm các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật mất vị đi ảnh hưởng địa chính trị khi sức mạnh kinh tế, văn hoá bị suy giảm. Rất nhiều người nổi tiếng đã nói lên sự quan ngại về việc tỉ lệ sinh suy giảm. Elon Musk là một ví dụ nổi bật nhất khi ông coi việc giảm tỉ lệ sinh sản là một nguy cơ lớn với nền văn minh hơn so với tác động mà biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời, Musk cũng kêu gọi có các chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề này thay vì tình trạng nhập cư như hiện tại. Bên cạnh Musk, Đức Giáo Hoàng Francis cũng đã bày tỏ quan ngại về “mùa đông nhân khẩu học” ở châu Âu và kêu gọi các gia đình chấp nhận vai trò làm cha mẹ như một phần trách nhiệm xã hội.
Những tác động tích cực mà xu thế này có thể mang lại
Bên cạnh những tác động tiêu cực kể trên, dĩ nhiên cũng sẽ có những điều tích cực đi kèm với việc giảm tỉ lệ sinh này nếu nó được quản lý hiệu quả. Một trong những điều tích cực đầu tiên là nó sẽ làm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên khi nhu cầu về năng lượng, nước sạch, đất đai và thực phẩm cũng giảm theo. Điều này góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên thiên nhiên.
Điều tích cực thứ hai là một lượng dân số nhỏ hơn cho phép các quốc gia đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và y tế cho thế hệ trẻ. Khi số lượng trẻ em giảm, các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo chất lượng giáo dục và chăm sóc y tế cho các em. Điều này không chỉ cải thiện phúc lợi cá nhân mà còn tạo ra một lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai.
Tuy nhiên, việc giảm tỉ lệ sinh có thể mang lại tác động tích cực lên môi trường khi nhu cầu giảm mạnh
Cuối cùng, việc giảm dân số cũng mở ra cơ hội để tái cấu trúc xã hội theo hướng bền vững hơn. Các quốc gia có thể tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, tự động hóa và đổi mới sáng tạo thay vì phụ thuộc vào tăng trưởng dân số để thúc đẩy kinh tế.
Nhưng quan ngại nhất là rủi ro về sự tuyệt chủng của loài người
Theo dự báo, dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh khoảng 9,7 tỉ người vào năm 2064 trước khi bắt đầu suy giảm. Đến năm 2100, dân số được dự đoán sẽ giảm xuống còn khoảng 8,8 tỷ người. Sau đó, gần 97% các quốc gia được dự đoán sẽ có tỉ lệ sinh dưới mức cân bằng dẫn đến sự thu hẹp dân số trên diện rộng, ngoại trừ một số khu vực ở Châu Phi cận Sahara.
Và việc giảm tỉ lệ sinh sản quá thấp có thể đặt loài người vào nguy cơ tuyệt chủng, dù sự kiện đó có thể đến sau vài nghìn năm nữa.
Nếu tỉ lệ sinh tiếp tục duy trì ở mức 1,6 - 1,8 con/người, dân số có thể suy giảm đáng kể trong vài thế kỷ tới. Nhà sử học Niall Ferguson ước tính rằng với tỷ lệ sinh thấp tương tự ở Hoa Kỳ hiện nay, dân số toàn cầu có thể giảm từ đỉnh điểm 10 tỷ xuống dưới 2 tỷ trong khoảng 300 năm. Ở các quốc gia có tỷ lệ sinh cực thấp (ví dụ: Hàn Quốc với 0,68), dân số có thể giảm một nửa mỗi thế hệ, dẫn đến sự suy giảm nhanh hơn.
Ngoài ra, khả năng tuyệt chủng của loài người khó có thể xảy ra trong tương lai gần vì dân số con người không đồng nhất. Các nhóm dân cư có tỉ lệ sinh cao hơn như Châu Phi sẽ tiếp tục tăng trưởng, bù đắp cho sự suy giảm ở những nơi khác. Nhưng một giả thuyết được dặt ra là nếu tỉ lệ sinh toàn cầu giảm xuống dưới một con/phụ nữ và duy trì như vậy mà không có can thiệp, nhân loại về lý thuyết có thể tiến gần đến tuyệt chủng trong vài nghìn năm.
Kết luận
Việc dân số của các quốc gia như Nhật Bản hay các quốc gia phát triển khác như Mỹ, EU, Hàn Quốc đang dần trở thành một xu thế toàn cầu. Điều này mang lại những tác động xấu đến nền kinh tế, văn hoá và địa chính trị nếu các quốc gia không có những giải pháp đúng đúng đắn cho những vấn đề này, đồng thời tận dụng những điều tích cực mà xu thế này mang lại.