
Trước đây, tôi dành 4-5 buổi mỗi tuần ở phòng gym, tập trung vào các nhóm cơ với lịch split quen thuộc: ngực, lưng, vai, tay, chân. Mục tiêu là cơ bắp to hơn, nét hơn, nhìn “đẹp” hơn trong gương. Và mục đích chính thì đương nhiên rồi, là đẹp trong mắt người khác giới, và chiếm được “mắt xanh” từ họ.
Tôi không phủ nhận bodybuilding đã giúp tôi có một cơ thể săn chắc và tự tin hơn, nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy… nhàm chán. Những buổi tập lặp đi lặp lại, cảm giác mệt mỏi nặng nề sau mỗi set tạ khiến tôi dần mất đi sự hứng khởi.
Tôi tự hỏi: “Mình tập thế này để làm gì? Chỉ để nhìn đẹp thôi sao?” Rồi những khi chơi thể thao cùng anh em, sao mà sức bền của tôi lại quá yếu? Tui rất là giận bản thân mình những lúc đó.
Chơi bóng rổ với tôi là một sở thích không thể thiếu, nhưng nếu không có thể lực đủ, tôi sẽ không còn vui
Tôi không thể chạy theo kịp những người cùng tuổi tôi trong suốt trận hay như tôi không còn đủ sức để leo một địa hình mà tôi cho là đơn giản nữa.
Rồi một lần tình cờ xem video về các vận động viên athlete, tôi bị cuốn hút bởi cách họ di chuyển linh hoạt, mạnh mẽ và bền bỉ.
Chưa kể, sau khi xem một video phân tích về cách tập luyện cũng như trò chuyện chuyên sâu từ Lê Cao Cườnng - một chuyên gia trong lĩnh vực tập luyện, HLV thể lực của tuyển U23 Việt Nam cùng nhiều bằng cấp giá trị khác
Từ Video, tôi thấy khá nhiều điều thú vị, cũng như hữu ích mà mình đã bỏ xót hoặc hiểu lầm trong suốt một thời gian dài về cơ thể cũng như tập luyện của bản thân. Do đó tôi quyết định thử thay đổi. Tôi giảm tạ nặng, tập trung vào các bài tập toàn thân (compound movements), phát triển core, sức mạnh bùng nổ (explosive power), tốc độ và endurance.
Lịch tập của tôi giờ là 3 buổi/tuần, kết hợp các bài như squat, deadlift, plyometrics, RDL, và các bài HIIT. Và tôi gọi 3 buổi đó là push/pull và fullbody.
Xen kẽ, tôi leo núi vào cuối tuần và chơi bóng rổ với bạn bè. Chỉ sau một tháng, tôi cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt.
Kết quả sau một tháng
1. Cơ thể linh hoạt hơn: Tôi không còn cảm giác “cứng” như khi chỉ tập tạ. Các bài tập core và plyometrics giúp tôi di chuyển uyển chuyển hơn, đặc biệt khi chơi bóng rổ. Những pha xoay người, bật nhảy giờ nhẹ nhàng và tự nhiên hơn nhiều.
2. Sức mạnh thực dụng: Nếu trước đây tôi tự hào vì bench press được 6-70kg, thì giờ tôi tự hào vì có thể bật nhảy cao hơn, chạy nhanh hơn và leo núi mà không hụt hơi. Sức mạnh từ athletic không chỉ nằm ở cơ bắp mà là sự kết hợp giữa lực và khả năng vận động.
3. Độ bền tăng rõ rệt: Các bài HIIT và chơi bóng rổ giúp tôi cải thiện endurance (sức chịu đựng). Trước đây, tôi chỉ chạy bộ 10 phút là thở hổn hển, giờ tôi có thể chơi bóng cả tiếng mà vẫn đủ sức.
4. Tinh thần sảng khoái: Điều bất ngờ nhất là cảm giác sau mỗi buổi tập. Không còn cái mệt “nặng nề” như khi tập bodybuilding, tôi thấy mình tràn đầy năng lượng, như vừa vượt qua một thử thách thú vị.
Vì sao tập athletic “đã” hơn bodybuilding?
Để giải thích tại sao tôi cảm thấy tập luyện như vận động viên (athlete) mang lại cảm giác khác biệt so với bodybuilding, tôi đã suy nghĩ và tìm hiểu một chút. Dưới đây là những lý do chính, hy vọng anh em sẽ thấy thú vị:
Lúc đầu, tôi cố gắng tìm hiểu cái tên phù hợp để thay thế cho chữ athlete, nhưng đúng là ở Việt Nam mình, loại hình này vẫn còn khá mới và hầu hết anh em sẽ lầm tưởng việc tập luyện “chuyên sâu” như vậy sẽ bắt buộc anh em phải là một VDV chuyên nghiệp trong bất kì môn thể thao nào.
1 Tính đa dạng và thực dụng
Bodybuilding tập trung vào việc cô lập từng nhóm cơ (isolation), ví dụ bicep curl chỉ tác động đến cơ tay trước. Trong khi đó, athletic sử dụng các bài tập compound như squat, burpee hay kettlebell swing, kích hoạt nhiều nhóm cơ cùng lúc, gần giống với cách cơ thể hoạt động trong đời sống thực (chạy, nhảy, đẩy, kéo). Điều này làm tôi cảm thấy cơ thể mình “hữu dụng” hơn, không chỉ đẹp mà còn mạnh mẽ trong các tình huống thực tế.
2. Cường độ và nhịp độ
Các bài tập athletic thường có nhịp độ nhanh, kết hợp giữa sức mạnh và cardio (như HIIT hoặc plyometrics). Điều này kích thích cơ thể tiết adrenaline và endorphin, tạo cảm giác hưng phấn sau buổi tập. Trong khi đó, bodybuilding thường là những set tạ chậm, nặng, khiến cơ bắp mệt mỏi và đôi khi gây căng thẳng cho hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cảm giác “nặng nề”.
3. Tập trung vào core và sự cân bằng
Tập luyện theo athlete nhấn mạnh vào core (cơ trung tâm) – nền tảng cho mọi chuyển động. Các bài như plank, hanging leg raise hay medicine ball slam giúp tôi xây dựng một vùng bụng không chỉ đẹp mà còn mạnh, hỗ trợ tốt hơn cho mọi hoạt động từ leo núi đến chơi bóng rổ. Bodybuilding tuy cũng có các bài cho core, nhưng thường chỉ là phụ, không được chú trọng bằng.
4. Tính cộng đồng và niềm vui
Chơi bóng rổ hay leo núi mang lại cảm giác kết nối với bạn bè, thiên nhiên. Những buổi tập athletic trong nhóm khiến tôi cười nhiều hơn, khác hẳn với không gian phòng gym chỉ có mình và tạ. Sự vui vẻ này giúp tôi duy trì động lực tập luyện lâu dài.
5. Ít gây áp lực thẩm mỹ
Bodybuilding thường đi kèm với áp lực phải “to hơn, nét hơn”. Tôi từng ám ảnh với việc cơ bắp phải cân đối, % mỡ cơ thể phải thấp. Tập luyện athletic thì khác, mục tiêu là hiệu suất (performance), không phải ngoại hình. Điều này giúp tôi tập trung vào việc cải thiện bản thân thay vì so sánh với người khác.
Một tháng tập luyện athletic đã thay đổi cách tôi nhìn nhận về fitness. Từ một người chỉ chăm chăm xây cơ bắp, tôi giờ đây yêu thích cảm giác cơ thể mình mạnh mẽ, nhanh nhẹn và bền bỉ hơn. Cái mệt của athletic, với tôi, là một cái mệt đầy năng lượng, khác xa với sự nặng nề của bodybuilding.
Nếu anh em đang cảm thấy chán nản với phòng gym hay muốn thử thách bản thân theo cách mới, hãy thử tập theo athleti xem. Biết đâu, như tôi, các bạn sẽ tìm thấy niềm vui mới trong hành trình rèn luyện cơ thể!