Tính đến hết ngày 15/5/2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao, trong đó 2 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10%.
Sáng 21/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024.
Tỷ lệ giải ngân của các Bộ ngành có thể đạt khoảng 15-17%
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài như đôn đốc các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo tháng; rà soát, chỉ đạo công tác triển khai các dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền cũng như báo cáo đối với các vấn đề không thuộc thẩm quyền.
Tính đến hết ngày 15/5/2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao, trong đó 2 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 8 Bộ ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024. Dự kiến đến hết tháng 6/2024 tỷ lệ giải ngân của các Bộ ngành có thể đạt khoảng 15-17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thời gian qua, đơn vị này đã nỗ lực triển khai các công việc thẩm định thiết kế đầu tư công và nhận sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành. Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành phê duyệt các gói đầu tiên, đang tiến hành các công đoạn cho đấu thầu. Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có khối lượng để có số vốn giải ngân đầu tiên, nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ có tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể.
Ông Mai Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, đơn vị được giao vốn là 572,86 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% vốn giao cho các Bộ, ngành, đã nhập TABMIS 100%. Dự kiến từ này đến cuối năm, đơn vị này sẽ giải ngân được khoảng 214 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn ODA là 4.366 tỷ đồng cho 12 dự án. Đến nay, đơn vị đã phân bổ 100% kế hoạch vốn cho 12 dự án và đã nhập dự toán trên hệ thống TABMIS. Đến ngày 15/5/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được hơn 910 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch. “Dự kiến đến hết tháng 5/2024 giải ngân được khoảng 1.156 tỷ đồng, ước đạt 35,6% kế hoạch, mặc dù tỷ lệ giải ngân chưa cao nhưng từ nay đến cuối tháng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có nhiều đơn rút vốn lớn, tỷ lệ này có tăng thêm. Phấn đấu hết năm 2024 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn nước ngoài được giao”, ông Dũng thông tin.
Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Trinh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy giải ngân, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc của các dự án ODA. Vừa qua, các Bộ đã họp ban Chỉ đạo giải ngân vốn ODA và các nhà tài trợ về nội dung này. Các Bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết từ sớm các vướng mắc phát sinh.
Liên quan đến các đề xuất xin điều chuyển vốn, bà Trinh cho biết, theo Luật Đầu tư công, việc điều chuyển vốn phải xuất phát trên cơ sở tổng hợp cũng như nhu cầu đề nghị bổ sung vốn từ các Bộ, ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các nhu cầu này để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, dự kiến từ năm 2025 sẽ có nhiều dự án mang tính quan trọng của quốc gia, sẽ phải dành nhiều vốn cho các dự án này. Do đó, cần thiết phải nhìn nhận lại các dự án đang xin trả vốn như hiện nay thì năm sau đăng ký vốn thế nào, có giải ngân được hay không, đối với những dự án vướng mắc liên tục nhiều năm liền nhưng không giải quyết được cũng cần làm rõ để giải quyết triệt để.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thống nhất một số giải pháp như giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn; khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác trong phạm vi thuộc thẩm quyền. Đối với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền xử lý của các Bộ ngành, cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, là năm hết sức quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Do đó, Bộ Tài chính và các Bộ ngành tham gia Hội nghị cùng thống nhất sẽ theo dõi sát sao và quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như Nghị quyết 01/NQ-CP đã đặt mục tiêu.