
Những con tàu lớn nhất của Hải quân Mỹ không chỉ có tàu sân bay, mà tàu y tế cũng nằm trong số đó. Tàu y tế không chỉ là một bệnh viện nổi, đôi khi chúng còn được trang bị tiên tiến hơn cả bệnh viện để đáp ứng nhiều tình huống phức tạp như chiến sự, thảm hoạ thiên nhiên, bùng phát dịch bệnh và cứu hộ trên biển.
Hải quân Mỹ có hai tàu bệnh viện lớn nhất là USNS Mercy và USNS Comfort. Cả hai không hề được đóng ngay từ đầu cho mục đích y tế mà được tạo từ tàu chở dầu để tiết kiệm chi phí. Chiếc USNS Mercy ban đầu được đóng với tên SS Worth vào năm 1976 để chở dầu, tới năm 1984 thì được sửa thành tàu bệnh viện và hoạt động năm 1986. USNS Comfort được đóng với tên SS Rose City vào năm 1975 và biến thành bệnh viện nổi năm 1987.
Họ trưng dụng tàu chở dầu bởi nhờ thân tàu lớn, chúng sẽ đủ không gian cho các hạng mục như phòng phẫu thuật, khu hồi sức tích cực và phòng bệnh. Những tàu chở dầu còn đi được đường dài, rất lý tưởng để triển khai cho các nhiệm vụ nhân đạo và quân sự ở xa.
Để đáp ứng nhu cầu triển khai trên hai đại dương khác nhau, tàu USNS Mercy có cảng chính tại San Diego, bang California; còn USNS Comfort thì trú đóng tại Norfolk, bang Virginia. Nếu Mercy tích cực trong các nhiệm vụ nhân đạo ở Thái Bình Dương, thì Comfort thường xuyên hỗ trợ công tác cứu trợ ở Nam Mỹ, biển Caribe và đi tới cả Ấn Độ Dương. Như vậy cho dù Hải quân Mỹ có hoạt động ở đâu đi nữa, thì không một con tàu nào phải đi quá xa.
Cả hai đều có thiết kế giống hệt nhau, chỉ khác ở một số tiểu tiết. Chúng đều dài 272,6 mét với độ dài của phần tiếp xúc mặt nước là 260,6 mét, rộng 32,25 mét và mớn nước sâu 10 mét. Đồng thời đạt tải trọng tối đa 69,39 ngàn tấn.
Mỗi tàu được trang bị 2 nồi hơi do hãng Foster Wheeler (Thụy Sĩ) sản xuất, sử dụng dầu diesel làm nhiên liệu. Hai nồi này sẽ nấu nước, sinh ra hơi nước để dẫn động cho hai tuabin General Electric. Hai tuabin này chuyển đổi hơi nước cao áp thành năng lượng cơ học, với tổng công suất 18,3 megawatt. Đến lượt chúng lại được kết nối với một trục làm quay chân vịt. Hệ thống đẩy này giúp tàu đạt tốc độ 32,4 km/giờ và đi xa được 24,8 ngàn km.
Phòng động cơ.
Mỗi tàu đều có một bãi đáp trực thăng, phục vụ cho việc chở bệnh nhân tới. Thủy thủ đoàn của mỗi chiếc đều lớn hơn 1.200 người, chiếc Comfort có 63 thuỷ thủ dân sự, 956 bác sĩ cùng nhân viên y tế và 258 nhân viên hỗ trợ hải quân; còn chiếc Mercy lúc cao điểm sẽ có 61 thuỷ thủ cùng 1.214 nhân viên y tế. Tất cả những người này đều có khu ở riêng, tách biệt với các phòng bệnh và có 10 thang máy trên tàu,
Mỗi tàu có các khoa như chăm sóc tích cực (80 giường), hồi phục (20 giường), chăm sóc trung gian (120 giường), chăm sóc cơ bản (120 giường) và chăm sóc hạn chế (500 giường), tổng cộng là 1 ngàn giường được chia thành 15 khu. Trên tàu còn có 12 phòng mổ và một nhà thuốc.
Ngoài khu bệnh nhân, chúng cũng không thiếu các hạ tầng và trang thiết bị hiện đại như máy chụp X-quang, máy chụp CT, phòng xét nghiệm, khu vật lý trị liệu, nơi điều trị bỏng, phòng nha, phòng đo mắt và chẩn đoán hình ảnh. Ngân hàng máu trên tàu có sức chứa 5 ngàn đơn vị máu (350-450 ml/đơn vị). Tương tự như bệnh viện, nó củng có khu giặt ủi và cả phòng lạnh.
Phòng bệnh trên tàu USNS Comfort.
Nguồn nước khá dư dả, nhờ tàu có thể lọc nước thẳng từ nước biển bằng 4 máy chưng cất, với năng suất lên tới 1,1 triệu lít/ngày. Lượng đồ ăn trong ngày có thể phục vụ hơn 7 ngàn người. Đồng thời mỗi tàu đều có 2 máy sản xuất oxy để phục vụ cả mục đích y tế lẫn dự phòng.
Do các cuộc chiến thường diễn ra ở "mặt đông" Hoa Kỳ, chiếc Comfort nổi hơn về mặt quân sự. Trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, Comfort là tàu chăm sóc y tế chính cho quân đội Hoa Kỳ tại Vịnh Ả Rập. Sau sự kiện 11/9, Comfort được bố trí tại New York để hỗ trợ cho lực lượng ứng phó khẩn cấp. Tới cuộc chiến Iraq (2003) thì nó đóng vai trò là trung tâm chữa trị cho những người bị thương.
Trong dịch Covid-19 thì Mercy được điều tới Los Angeles và Comfort đến New York để hỗ trợ các bịnh viện quá tải. Hiện chúng đang tham gia vào các sứ mệnh như Continuing Promise nhằm viện trợ y tế cho khu vực Mỹ Latinh. Để gánh bớt vài nhiệm vụ của hai tàu này, Hải quân Mỹ đang chế tạo một lớp Tàu y tế viễn chinh (EMS) gọn nhẹ và chạy nhanh hơn với chiếc đầu tiên là USNS Bethesda, dự kiến hoạt động năm 2026.