Việc sửa đổi Luật Thuế TNDN rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế TNDN nói riêng.
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5949/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để lấy ý kiến hồ sơ dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Dự án này dự kiến sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2024) và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
Theo Bộ Tài chính, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN hiện hành đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Luật đã được hoàn thiện đúng định hướng cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí; góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 15 năm áp dụng, Luật xóa bỏ triệt để sự phân biệt đối xử chính sách thuế TNDN giữa các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp (DN); thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông; điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế; động viên kịp thời, hợp lý các nguồn lực cho NSNN.
Trong quá trình cải cách chính sách thuế TNDN, Luật Thuế TNDN đã tiếp tục thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống còn 22% từ 01/01/2014, riêng DN có quy mô nhỏ được áp dụng mức 20% từ ngày 01/7/2013.
Từ ngày 1/1/2016, mức thuế TNDN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình DN là 20% đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo các định hướng ưu tiên, đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế TNDN cùng với các biện pháp cải cách có liên quan khác đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong nước, đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội. Các quy định của Luật Thuế TNDN được hoàn thiện theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo đồng bộ với các pháp luật có liên quan nên góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ Tài chính cho biết, quy mô thu NSNN từ thuế TNDN ngày càng được mở rộng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, bình quân giai đoạn 2011-2015, số thuế TNDN không tính thuế TNDN từ dầu thô chiếm 16,05% và tính cả dầu thô là 24,8% tổng thu NSNN; tỷ lệ này trong giai đoạn 2016-2020 lần lượt là 14,6% và 16,9%; giai đoạn 2021-2023 tương ứng là 17% và 19,7%.
Xét theo tỷ trọng GDP, quy mô thu NSNN từ thuế TNDN không tính dầu thô, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 3,3%; giai đoạn 2016-2020 là 2,9% và 2021-2023 là 3,1% GDP. “Điều này một lần nữa khẳng định, thuế TNDN là sắc thuế có quy mô động viên ngân sách đứng thứ hai trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đặc biệt, thời gian qua, chính sách thuế TNDN đã được sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm. Việc thực hiện các chính sách này đã được cộng đồng DN đánh giá là có tác động tích cực, kịp thời và nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Cần sửa đổi, bổ sung những “khoảng trống” của Luật hiện hành
Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, thực tế triển khai chính sách thuế TNDN cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như tính ổn định chưa cao, một số nội dung ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tế; một số quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích còn hạn chế. Pháp luật về thuế TNDN đang bộc lộ “khoảng trống” trong điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh trong quá trình hợp tác quốc tế như chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận; thuế tối thiểu toàn cầu…
Điều này cho thấy việc sửa đổi Luật Thuế TNDN rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế TNDN nói riêng, mặt khác khắc phục các bất cập, chồng chéo; cũng như có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế hiệu quả các hành vi dịch chuyển lợi nhuận làm xói mòn cơ sở thuế.