Vượn cái Lucy là bằng chứng cho việc loài người tiến hoá đi bằng hai chân trước khi não phát triển
Lucy là một trong những phát hiện hóa thạch mang tính đại diện cho quá trình tiến hoá của loài người trong việc chuyển sang đi lại bằng hai chân.
Vào ngày 24 tháng 11 năm 1974, Johanson cùng nhóm nghiên cứu của mình đang tìm kiếm hóa thạch họ hàng cổ xưa của loài người, hay hominin, tại khu vực Hadar ở Ethiopia. Trong khi khảo sát, ông nhận thấy một mảnh xương cánh tay lộ ra từ sườn đồi. Phát hiện này dẫn đến việc khai quật thêm các phần còn lại của bộ xương. Sau khi hoàn tất việc khai quật, nhóm nghiên cứu đã đặt biệt danh cho bộ xương là “Lucy,” lấy cảm hứng từ bài hát “Lucy in the Sky With Diamonds” của Beatles mà họ đã nghe trong lúc ăn mừng.
Sau khi khai quật, nhóm nghiên cứu đã thu thập được khoảng 40% bộ xương của Lucy, bao gồm hàm dưới, mảnh sọ, đốt sống, xương sườn, cánh tay, xương chậu và chân. Mẫu hoá thạch này được xác định là giống cái trưởng thành với chiều cao chỉ hơn một mét. Bằng cách phân tích các lớp đá núi lửa ở khu vực xung quanh, các nhà khoa học xác định tuổi của Lucy là 3,2 triệu năm. Con số này gần gấp đôi tuổi của bất kỳ tổ tiên loài người nào được biết đến trước đó. Bộ xương của "cô" cho thấy một bộ não nhỏ kích thước tương đương tinh tinh với khuôn mặt nhô ra, cùng những đặc điểm rõ ràng của dáng đi thẳng. Những phát hiện này dẫn đến việc Lucy được phân loại vào nhóm Australopithecus afarensis vào năm 1978.Về cơ bản, loài Australopithecus afarensis có thể được coi là hominin - tổ tiên của loài người - với sự kết hợp giữa các đặc điểm của vượn và con người. Australopithecus afarensis đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi tiến hóa từ loài vượn sống trên cây sang loài đi bằng hai chân trên mặt đất. Khả năng đi thẳng bằng hai chân của chúng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự tiến hóa của loài người
Phát hiện về Lucy rất quan trọng vì nó xác nhận rằng việc di chuyển bằng hai chân — một trong những đặc điểm nhận dạng của loài người — đã diễn ra rất sớm trong quá trình tiến hóa, trước cả khi bộ não lớn phát triển. Dáng đi thẳng của Lucy là một bằng chứng quan trọng cho ý tưởng rằng tổ tiên loài người đã tiến hóa đặc điểm này từ hàng triệu năm trước ở châu Phi. Vào thời điểm đó, sự hoàn chỉnh và tuổi đời của Lucy được coi là một kỷ lục khiến "cô" trở thành một mắt xích quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu được cách loài người chuyển từ cuộc sống trên cây sang dáng đi bằng hai chân.
Lucy gần như nổi tiếng ngay lập tức sau khi được phát hiện khi một thông cáo báo chí nhỏ cũng đã đủ để gây ra sự thu hút của công chúng ngay cả trước khi phân tích khoa học hoàn tất. Biệt danh dễ nhớ và câu chuyện phát hiện đầy kịch tính đã giúp "cô" nhận được sự chú ý vượt xa sự tưởng tượng của giới học thuật.
Phát hiện về Lucy không chỉ nâng cao hiểu biết khoa học về sự tiến hóa của loài người mà còn thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ sự kết hợp độc đáo giữa tầm quan trọng khoa học và sức hấp dẫn văn hóa. Sự hoàn chỉnh và tuổi đời của cô khiến cô trở thành một phần vô giá trong việc tái dựng lịch sử tiến hóa của nhân loại, trong khi biệt danh thân thiện và câu chuyện đầy bất ngờ đã biến cô thành biểu tượng lâu dài về nguồn gốc chung của chúng ta. Sau 50 năm, Lucy vẫn là một trong những hóa thạch nổi tiếng nhất từng được phát hiện.