Xác ướp 7000 tuổi hé lộ tiết lộ một dòng gene Bắc Phi chưa được biết đến và lịch sử của Sahara Xanh

Hai xác ướp 7.000 tuổi tại miền tây nam Libya đã tiết lộ một dòng gene Bắc Phi chưa từng được biết đến, mang đến cho các nhà khoa học thông tin mới về tổ tiên loài người và lịch sử khu vực Sahara trong thời kỳ “Sahara Xanh” – khi vùng sa mạc ngày nay từng là một vùng đất trù phú, đầy sức sống.
Tại một khu vực hẻo lánh ở Tây Nam Libya, nơi từng là một phần của Sahara Xanh cách đây hàng ngàn năm, các nhà khoa học đã khai quật được hai xác ướp có tuổi đời khoảng 7.000 năm tại khu trú ẩn Takarkori. Phát hiện này nằm trong một nghiên cứu do nhà khảo cổ di truyền Nada Salem và nhóm nghiên cứu tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck thực hiện. Khí hậu khô cằn của sa mạc thường khiến việc bảo tồn DNA trở nên khó khăn nhưng nhóm nghiên cứu vẫn thành công trong việc chiết tách đủ vật liệu di truyền để phân tích.
Khu vực đá Takarkori, Libya, nơi các nhà khoa học phát hiện ra bộ xương
Kết quả từ phân tích đã mang đến một bất ngờ quan trọng là các cá thể tại Takarkori thuộc về một dòng gene Bắc Phi độc đáo, tách biệt khỏi các nhóm người hạ Sahara từ khoảng 50.000 năm trước, vốn là thời điểm con người hiện đại bắt đầu di cư ra khỏi châu Phi. Dòng gene này đã duy trì sự cô lập qua hàng chục nghìn năm, với rất ít sự trao đổi di truyền với các nhóm người hạ Sahara, châu Âu hay vùng Cận Đông.
Điều bất ngờ khác là mặc dù những người Takarkori có ít tiếp xúc với người Neanderthal hơn các nhóm người Bắc Phi khác như nhóm người ở hang Taforalt, Ma-rốc, họ vẫn mang lượng DNA Neanderthal nhiều hơn so với các nhóm người hạ Sahara sống cùng thời. Điều này cho thấy họ đã từng có một mức độ tiếp xúc nhất định nào đó với người Neanderthal, dù không nhiều, nhưng đủ để để lại dấu vết di truyền khác biệt.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người Takarkori có liên hệ di truyền gần gũi với nhóm người săn bắt hái lượm 15.000 năm tuổi tại hang Taforalt. Cả hai nhóm đều giữ khoảng cách di truyền tương đương so với các cộng đồng hạ Sahara thời đó, cho thấy dòng chảy gene giữa Bắc và Nam châu Phi trong giai đoạn này là rất hạn chế.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng lật ngược giả thuyết trước đây rằng nông nghiệp lan rộng qua Sahara là kết quả của các cuộc di cư lớn. Thay vào đó, nhóm của Salem đề xuất rằng chăn nuôi đã lan truyền thông qua trao đổi văn hóa. Điều này có nghĩa là nhóm người bản địa học hỏi kỹ thuật từ nhau mà không cần đến sự di cư hoặc trộn lẫn di truyền quy mô lớn. Tổ tiên của người Takarkori, vốn là những người săn bắt hái lượm từ thời kỳ trước khi động vật được thuần hóa, đã phát triển những kỹ thuật chế tạo gốm, đan lát, và công cụ từ gỗ và xương. Họ cũng dần chuyển sang lối sống bán định cư, lưu lại một chỗ lâu hơn thay vì di chuyển liên tục.
Bộ xương được khai quật đã tiết lộ một dòng gene mới của loài người và nhiều điều về Sahara Xanh
Bên cạnh đó, yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cô lập di truyền. Trong thời kỳ ẩm ướt châu Phi, diễn ra khoảng 14.800 đến 5.500 năm trước, Sahara là một vùng đồng cỏ xanh tươi với hệ sinh thái đa dạng: từ hồ nước, đầm lầy, rừng cây đến savan và vùng núi. Chính sự đa dạng sinh thái này tạo nên những rào cản tự nhiên, khiến các nhóm người sinh sống tại đây ít có cơ hội tương tác hoặc lai tạo với nhau, dẫn đến sự cô lập về mặt di truyền.
Phát hiện này góp phần viết lại các lý thuyết về di cư cổ đại ở châu Phi. Trái ngược với giả định rằng Sahara xanh là “cầu nối” cho các dòng người di cư giữa Bắc và Nam châu Phi, nghiên cứu cho thấy các nét văn hóa như chăn nuôi có thể lan rộng mà không cần đến sự di chuyển quy mô lớn của dân cư.
Bên cạnh đó, khả năng chế tác và thích nghi công nghệ của tổ tiên người Takarkori dù chỉ là những người săn bắt hái lượm đã cho thấy một bước tiến đáng kể về mặt xã hội. Họ phát triển công cụ, kỹ năng sống và lối sống định cư sớm hơn nhiều so với tưởng tượng trước đây. Mặc dù dòng gene của người Takarkori không còn tồn tại nguyên vẹn trong các quần thể ngày nay, dấu vết của tổ tiên họ vẫn còn hiện diện trong cấu trúc di truyền của một số nhóm dân cư Bắc Phi hiện đại. Điều này góp phần làm nên sự đa dạng và độc đáo trong di sản di truyền của khu vực này.
Khám phá từ Takarkori không chỉ cho thấy Sahara từng là một vùng đất phồn thịnh, mà còn hé lộ rằng lịch sử loài người tại châu Phi vẫn còn nhiều điều chưa được khai phá. Có thể đâu đó dưới những lớp cát mênh mông vẫn còn ẩn giấu những xác ướp hay hiện vật sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về quá khứ.