Đến thời điểm này, các doanh nghiệp thông tin di động đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.
Thông tin này vừa được ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho hay tại Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới diễn ra chiều 13/5.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông di động, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã rà soát, bảo đảm tất cả các SIM đang tồn trên các kênh (các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp) đều tuân thủ theo đúng quy định (không có thông tin thuê bao), muốn phát triển mới phải đăng ký đầy đủ thông tin. Đồng thời các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.
Bộ TT&TT đã nêu rõ quan điểm “từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm. Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới), đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật”.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao, các đơn vị đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông làm rõ một số nội dung, rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, gửi các phản ánh có liên quan để tổ chức xác minh, xử lý nghiêm các sai phạm.
Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới cho hay, tổng quan ngành TT&TT trong 4 tháng đầu năm 2024: Doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng); Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).
Một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 5/2024 đó là trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy; Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT đã tiếp nhận và xử lý và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ 45 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 42 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến và 03 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển đến.
Nội dung kiến nghị của cử tri tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật Bưu chính, Luật Báo chí, Luật Xuất bản; sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ; giải quyết tình trạng “SIM rác”, tin nhắn rác, “tài khoản rác”; phủ sóng các thôn, bản nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng quảng cáo không đúng sự thật về công dụng của thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông; có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm soát, kiểm duyệt hiệu quả hơn đối với các thông tin được truyền tải trên Internet... và một số vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT.
Một số giải pháp cụ thể của Bộ TT&TT đã làm đó là: Trình Chính phủ hồ sơ Luật Báo chí (sửa đổi); Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông năm 2023; Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Bộ TT&TT tiếp tục triển khai phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.