Cảnh báo không đặt cọc mua bán ô tô cũ giá rẻ trên mạng xã hội
08/12/2024 19:33
Đối tượng đăng quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội các loại xe ô tô với giá rẻ hơn nhiều so với giá ở các gara, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc...
Ngày 8-12, Công an thành phố Hà Nội cho biết, dịp cuối năm nhu cầu mua ô tô, xe máy cũ tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã đăng bài viết quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội nhiều loại xe ô tô với giá rẻ.
Các đối tượng lấy lý do thu mua được lô xe nhập khẩu giá tốt hoặc có mối quan hệ thân quen với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như cơ quan thuế, hải quan, công an…) nên mua được xe giá rẻ, hợp thức hóa được giấy tờ và làm thủ tục đăng ký xe hoàn toàn hợp pháp.
Để tạo niềm tin cho người mua, những đối tượng lừa đảo còn đăng kèm theo hình ảnh tình trạng xe, giấy tờ hóa đơn, hình ảnh việc mua bán, giao xe ô tô cho khách hàng, tặng quà tri ân cho khách mua xe…
Khi người mua liên lạc, các đối tượng sẽ báo giá thấp hơn rất nhiều so với loại xe cùng loại đang bán trên thị trường để đánh vào tâm lý ham rẻ. Sau khi thỏa thuận xong giá cả mua bán, các đối tượng sẽ cung cấp số tài khoản ngân hàng yêu cầu người mua chuyển một khoản tiền đặt cọc để “giữ xe”.
Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu người mua chuyển thêm các khoản tiền với nhiều lý do khác nhau như phí dịch vụ, phí vận chuyển giao xe tận nhà, phí làm thủ tục pháp lý… Đến khi bị phát hiện lừa đảo, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt số tiền đã chuyển của người mua xe.
Nạn nhân gần đây nhất của trò lừa đảo này là anh L.V.H (sinh năm 1982; ở phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội). Anh cho biết, có nhu cầu mua xe dịp Tết, anh đã lên mạng tìm kiếm. Tại một hội nhóm, khi hỏi thử chiếc xe Toyota Vios G1.5 AT, sản xuất 2018, anh được báo giá 299 triệu đồng. Trong khi ở các gara, giá loại xe này thường hơn 400 triệu đồng.
Anh H thắc mắc sao giá rẻ bất thường thì được trả lời, vì đây là xe thanh lý, do có mối quan hệ nên họ mua được giờ bán lại. Người bán xe đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục anh H. Anh H thấy quá hời nên đã đồng ý đặt cọc 20 triệu đồng mua. Tuy nhiên, đến ngày hẹn lấy, anh H gọi điện thoại cho người bán rất nhiều cuộc nhưng điện thoại luôn trong tình trạng thuê bao ngoài vùng phủ sóng. Đến lúc này, anh H mới nhận ra mình đã bị lừa.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo, người mua cần tìm hiểu giá trung bình của mẫu xe mà mình muốn mua trên các trang uy tín hoặc thông qua người có kinh nghiệm. Nếu giá rao bán rẻ hơn nhiều so với thị trường, đây có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
Ngoài ra, nhất định không đặt cọc nếu chưa gặp mặt trực tiếp người bán để xem tình trạng xe. Nếu người bán từ chối gặp hoặc đưa ra lý do không hợp lý thì nên thận trọng.
Thông thường, kẻ lừa đảo thường viện lý do “bán gấp” hoặc “có nhiều người đang hỏi mua” để thúc giục người mua đặt cọc ngay. Đây cũng là cách "thao túng tâm lý" để người mua nhanh chóng cọc tiền. Thủ đoạn lừa đặt cọc khi mua xe ô tô, xe máy cũ ngày càng tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Để bảo vệ bản thân, người mua cần nâng cao ý thức cảnh giác, trang bị đầy đủ kiến thức về giao dịch mua bán xe cũ.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.