Cục An ning mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị người dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, không tự ý truy cập vào "link lạ” được người khác gửi qua Zalo, Facebook, Chat, SMS, Email... để tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin...
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phát đi cảnh báo về việc các đối tượng giả mạo là nhân viên ngân hàng “hướng dẫn cài đặt xác thực sinh trắc để chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng. Theo đó, lợi dụng việc quy định kể từ ngày 1/7/2024, thực hiện Thông tư 2345 của Ngân hàng Nhà nước về áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng thì đối với những giao dịch trực tuyến chuyển tiền ngân hàng khác chủ tài khoản hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng sẽ phải được xác thực bằng sinh trắc học bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong dữ liệu cơ sở của ngân hàng...
Lợi dụng quy định của Ngân hàng Nhà nước, các đối tượng xấu đã bày trò giả mạo là nhân viên ngân hàng “hướng dẫn cài đặt xác thực sinh trắc để chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Cụ thể, các đối tượng gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, Facebook... xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, thậm chí yêu cầu nạn nhân gọi video call để thu thập giọng nói, cử chỉ của nạn nhân.
Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân truy cập vào “link lạ” mà chúng đưa ra để gọi là “cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại”. Và khi đã có thông tin cá nhân của nạn nhân trong tay, các đối tượng xấu sẽ thực hiện thao tác chiếm đoạt tiềntrong tài khoản ngân hàng của nạn nhân...
Để phòng ngừa thủ đoạn rất mới này của bọn tội phạm, Cục An ning mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị Nhân dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, không tự ý truy cập vào "link lạ” được người khác gửi qua Zalo, Facebook, Chat, SMS, Email... để tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin.
Ngoài ra, người dân không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán hay giấy tờ tùy thân cho người khác. Đáng nói, ngân hàng không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin. Nêu không thao tác được thì người dân cần trực tiếp đến ngân hàng để được nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ.
Các các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ.
Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) cho thấy, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị chiếm đoạt lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Điều này cho thấy bẫy lừa đảo trực tuyến vẫn là mối nguy gây tổn thất cho nhiều đơn vị lẫn người tiêu dùng hiện nay. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo.