Chia sẻ một số kinh nghiệm chạy đêm tại VnExpress Midnight và trải nghiệm với Garmin Instinct 3

Hôm vừa rồi mình có tham gia giải chạy đêm VP Bank VnExpress Midnight Marathon 2025 ở cự ly 21km. Mình chia sẻ một chút về cảm nhận khi chạy bộ giữa khuya cũng như trải nghiệm của mình với Garmin Instinct 3 nhé.
Lần đầu hiểu được cảm giác vừa chạy vừa ngủ
Đây không phải lần đầu mình chạy giữa khuya nhưng là lần đầu mình có cảm giác vừa chạy vừa buồn ngủ, đôi lúc không biết có ngủ thật sự khi đang chạy hay không.
Mình từng có ít nhất hai lần chạy giữa khuya. Lần đầu vào khoảng năm 2021 khi nhóm mình chạy 30km từ tầm giữa đêm đến 3-4h sáng. Lần hai là năm ngoái cũng chính giải chạy VnExpress Midnight nhưng ở cự ly 10km. Cả hai lần đó mình thấy không buồn ngủ gì cả vì thứ nhất là cự ly ngắn, còn ở cự ly dài thì mình chạy cùng bạn bè khá vui vẻ nên quên đi cảm giác buồn ngủ.
Còn lần mới đây thực sự rất buồn ngủ. Cự ly 21km xuất phát lúc 2:30 sáng nhưng mình phải dậy từ 1h sáng để chuẩn bị này kia. Từ km thứ 10 trở đi mình như chạy trong mơ vậy, vì đường chạy đi qua Thủ Đức, nhiều đoạn đường vắng và tối, nên cơn buồn ngủ xâm chiếm kéo dài. Và đôi lúc mình cảm thấy như ngủ gục khi đang chạy bộ. Cảm giác mơ mơ thực thực như một số lần chạy xe máy giữa trưa buồn ngủ vậy.
Đó là một trải nghiệm khá mới mẻ, đúng với tinh thần khi mình đăng ký giải này: muốn tìm hiểu xem cơ thể sẽ như thế nào khi chạy bộ cự ly khá dài giữa đêm, giúp mình suy nghĩ xem có nên đăng ký các giải chạy trail cự ly dài hơn, nơi runner phải xuất phát giữa đêm hoặc chạy bộ xuyên đêm.
Dù cảm xúc trước và trong khi chạy có khác nhau, nhưng khi hoàn thành thì luôn như vậy: sảng khoái, hài lòng về bản thân.
Trải nghiệm với Garmin Instinct 3 tất cả phiên bản
Nói chung chạy bộ cự ly 21km trong thành phố là một yêu cầu dưới sức đối với dòng Instinct 3, vốn có thế mạnh về sự bền bỉ cả về vật liệu chế tạo lẫn thời lượng pin. Trước đó mình cũng đeo những chiếc đồng hồ này chạy bộ ở Núi Dinh (Vũng Tàu) cũng cự ly 21km và thời gian dài hơn. Một số thứ mình đánh giá tốt ở dòng Instinct 3: tín hiệu vệ tinh tốt hơn, màn hình cải thiện, đèn flash.
Tại giải chạy đêm này ban tổ chức tặng kèm mỗi runner một chiếc vòng tay phát sáng, vừa trang trí vừa vì lý do an toàn. Mình thấy có khoảng 40-50% runner đeo vòng tay này khi chạy bộ, một vài người còn đeo đèn đội đầu, và một người mình gặp thì bật đèn LED trên đồng hồ trên suốt quãng đường mình có chạy cùng.
Mình cũng bật đèn LED trên Instinct 3 ở một số quãng đường khá tối ở nửa sau đường chạy. Kể từ khi sử dụng dòng Fenix 8 thì mình luôn bật đèn LED khi chạy bộ vào chiều tối hoặc rạng sáng, vì mình hay chạy ngoài đường gần nhà. Việc bật đèn giúp người chung quanh nhận ra mình, tăng múc độ an toàn.
Bản đồ đường chạy 21km VnExpress Midnight.
Tracklog khi chạy qua khu chung cư gần nhà mình được vẽ lại rất tốt, không bị lệch khi qua các toà nhà cao tầng.
Tại giải này cũng như các lần trải nghiệm chạy bộ, đạp xe trước đó của mình thì thấy khả năng bắt tín hiệu vệ tinh và vẽ lại đường chạy (tracklog) của dòng này rất tốt. Khi mình thử chạy bộ qua các toà chung cư cao tầng thì bản đồ vẽ lại rất suôn sẻ, không bị lỗi vẽ lệch như một số đồng hồ khác. Để có được sự đo đạc chính xác này thì dòng Instinct 3 được tích hợp chip vệ tinh đa băng tần GNSS, có công nghệ SatIQ của Garmin.
Màn hình đơn sắc MIP trên Instinct 3 Solar (trái) và Instinct E hiển thị vào ban đêm. Chất lượng cải thiện khá rõ so với Instinct 2X năm ngoái.
Màn hình MIP của Instinct 3 Solar khi chạy núi Dinh.
Màn hình MIP trên bản Instinct 3 Solar được cải tiến hơn so với dòng Instinct 2X năm ngoái mình có xài. Màn hình này có đèn nền sáng hơn, độ tương phản tốt hơn, quan sát khi trời nắng gắt hay trời tối đều rõ ràng, chi tiết. Anh em nào quen với dòng Instinct này trước đó thì sẽ thấy màn hình mới cải thiện rất nhiều. Màn hình đơn sắc cũng mang lại trải nghiệm khá cổ điển, có thể có một lượng fan nào đó của dòng màn hình này. Tuy nhiên một số anh em khác thích màn hình màu, thích các ký tự phải chi tiết và sắc nét thì chắc hẳn màn hình này sẽ không dành cho anh em.
Màn hình Instinct 3 AMOLED ban đêm (trên) và khi ra nắng gắt (dưới). Ở trên là bản màu đen, dưới là bản màu xanh.
Để đáp ứng xu hướng mới thì Garmin cũng có dòng Instinct 3 AMOLED, dòng Instinct đầu tiên có màn hình này. Phiên bản này có ưu thế hơn so với phiên bản Solar ở độ sắc nét của các ký tự, màu sắc sống động, xem “bản đồ” đường chạy tốt hơn (thực chất là một đường kẻ trên màn hình chứ không phải một bản đồ đúng nghĩa),… Đồng hồ hiển thị tốt trong các điều kiện nắng gắt lẫn ban đêm.
Tuy nhiên giao diện đồng hồ phải giống với dòng Instinct truyền thống, gồm một màn hình chính và một cửa sổ phụ, nên có vẻ chưa đẹp mắt. Giao diện Instinct sẽ hợp mắt trên màn hình trắng đen hơn. Còn màn hình AMOLED này sẽ hợp với cách thiết kế hiện tại của Garmin trên Fenix 8 và các dòng khác như 165, 265, Venu,… Tất nhiên đây chỉ là ý kiến cá nhân mình.
Mình khá thích đeo Instinct E vì nhỏ gọn, nhẹ (kích thước ở trên là 45mm).
Bên cạnh dòng Instinct 3 AMOLED và Instinct 3 Solar thì đợt này Garmin cũng cho ra bản Instinct E, cắt giảm một số tính năng để giảm giá thành. Instinct E không có đèn LED, chip GNSS đơn băng tần. Instinct E có kích cỡ 40mm và 45mm, trong khi Instinct 3 có đường kính 45mm và 50mm.
Instinct E mình đeo ở bàn tay nên nhịp tim có chút lệch.
Về thời lượng pin, sau khi mình chạy 21km với thời gian 2 giơ 30 phút thì pin như sau:
- Instinct 3 Solar: 100% pin còn 94% pin
- Instinct 3 AMOLED: 93% pin còn 87% pin
- Instinct E: 77% pin còn 50% pin
Pin từ 100% còn 94% sau 2 giờ 30 phút chạy.
Trước đó khi mình chạy 21km ở Núi Dinh trong thời gian 5 giờ 18 phút thì:
- Instinct 3 Solar: 22 ngày pin còn 14 ngày pin
- Instinct 3 AMOLED: 18 ngày pin còn 10 ngày pin
Thử treo Instinct 3 Solar ngoài ban công xem năng lượng mặt trời thu được thế nào: 236k lux hours trong khoảng 7 tiếng, duy trì pin 25 ngày không tăng không giảm.
Đối với Instinct 3 Solar mình có thử nghiệm thì thấy khi đi ngoài trời, đồng hồ có báo nạp được mức năng lượng nhất định. Có lần mình test treo đồng hồ ngoài ban công khoảng 7 tiếng đồng hồ thì đồng hồ báo thu nhận được 236k lux hours. Kết quả, thời lượng pin được giữ nguyên không giảm: buổi sáng báo còn 25 ngày pin và buổi chiều vẫn vậy.
Nói chung mình nghĩ pin đủ dùng cho các bạn chạy ultra từ 70-100km luôn, và các bạn trekking, hiking dài ngày. Bản Solar có thêm sạc năng lượng mặt trời nên sẽ bù thêm được phần nào lượng pin khi anh em hoạt động ngoài trời nắng. Theo nhà sản xuất, ở chế độ đồng hồ thông minh, pin Instinct 3 AMOLED có thể được 28 ngày không tính sạc năng lượng mặt trời, AMOLED được khoảng 20 ngày, Instinct E 14 ngày.
Dòng Instinct 3 có khung nhựa gia cố, viền kim loại, kính cường lực, chống nước 10TAM, đạt độ bền chuẩn quân đội Mỹ MIL-STD 810. Do đó dòng này hợp với anh em thích các hoạt động ngoài trời. AMOLED dành cho anh em thích màn hình đẹp, Solar dành cho anh em thích pin trâu. Còn Instinct E nhỏ gọn hơn, không có viền kim loại, dành cho anh em thích đồng hồ hầm hố với chi phí dễ thở hơn. Cá nhân mình thích dòng E 45mm vì nhỏ gọn, nhẹ, khác biệt.
Một thiếu hụt trên dòng Garmin Instinct 3 năm nay chính là bản đồ. Việc một dòng đồng hồ dành cho dân hoạt động ngoài trời thiếu đi bản đồ khiến chiếc đồng hồ giảm tính cạnh tranh một chút so với các đối thủ cùng tầm giá.
Instinct E có giá 8,29 triệu, Instinct 3 Solar từ 10,99 triệu, còn bản AMOLED giá từ 12,29 triệu. Tầm giá này Instinct sẽ phải đấu với một số đối thủ nổi bật, trong đó có Forerunner 265. Mình thấy phiên bản E và Solar đáng giá hơn AMOLED.
Một số kinh nghiệm khi chạy bộ ban đêm
Trên Facebook của mình có bạn hỏi tại sao lại có các giải chạy ban đêm, mình không rõ nguồn gốc từ đầu nhưng mình nghĩ đây là hình thức tổ chức mới mẻ để runner có hứng chạy bộ. Anh em nào chạy bộ hoặc chơi môn gì đó sẽ thấy đôi lúc mình bị ngán, cần có sự thay đổi, thì các giải chạy cũng cần thay đổi để thu hút runner. Theo ban tổ chức thì có 12.000 người tham dự (một con số lớn so với quy mô giải chạy tại VN), với nhiều cự ly, bắt đầu chạy từ 12h khuya và đóng đường lúc 6h sáng.
Tuy nhiên chạy bộ ban đêm cũng có một số bất cập vì nó thay đổi hoàn toàn giờ giấc sinh học của anh em cũng như thói quen sinh hoạt. Mình có dịp ngồi với một số huấn luyện viên chạy bộ có tiếng tăm, thì các bạn đó khuyên rằng cần lắng nghe cơ thể và cần nhận thức sự lệch nhịp sinh học đáng kể khi chạy ban đêm. Tất nhiên không vì vậy mà chúng ta từ bỏ một trải nghiệm đáng nhớ như vậy. Như ông anh mình U50 rồi, rất thích chạy đêm vì ông này hay bị nôn nao không ngủ được trước một giải chạy sớm còn hơn, nên hầu như giải chạy đêm nào ổng cũng tham gia.
Như mình tiếp cận cũng khá thận trọng, năm ngoái tham gia 10km, năm nay tăng lên 21km để thăm dò. Mình vốn chạy không nhanh, và vào giải này cũng chạy khá chậm với mục tiêu giữ sức để hoàn thành cuộc chạy chứ không đặt nặng thời gian hoàn thành.
Nguyên tắc chung vẫn là nghỉ ngơi và ngủ thật nhiều vào các đêm trước để giữ sức. Mình vẫn ngủ nghỉ bình thường, nhưng mấy ông anh chạy 42km, xuất phát 1h sáng, thì nguyên ngày hôm trước dành thời gian để ngủ nhiều nhất có thể - ngủ sáng, ngủ trưa, ngủ chiều.
Trong khi chạy thì anh em còn mới tham gia lần đầu nên giảm tốc độ so với thông thường, lắng nghe thật kỹ cơ thể để có phương án xử lý kịp thời, nạp năng lượng đầy đủ.
Sau khi hoàn thành xong có thể anh em sẽ thấy khoẻ mạnh, mãn nguyện và thấy còn tràn trề sức làm việc khác. Ví dụ mình có cậu em chạy xong còn đi cà phê với bạn bè, đi rước con, và một lịch khá dày trong ngày. Còn mình thì ưu tiên nghỉ ngơi hoàn toàn: nghỉ ngơi ở nhà, đọc truyện xem phim cả ngày. Mỗi người tuỳ thể trạng mà có cách đối xử khác nhau với cơ thể, nhưng mình nghĩ nghỉ ngơi cần được ưu tiên.
Chạy bộ ban đêm xong thì thời gian hồi phục kéo dài hơn thường lệ. Mình theo dõi sức khoẻ trên đồng hồ thì thấy múc độ căng thẳng kéo dài cả ngày hôm sau, và đây là lần khá hiếm hoi khi cả hai ngày liên tiếp đồng hồ khuyên mình nghỉ ngơi hoàn toàn, không đề xuất bất kỳ bài tập nào.
Chắc chắn chạy bộ ban đêm là một trải nghiệm mới mẻ mà trong khuôn khổ bài này không thể chia sẻ hết. Mình nghĩ các anh em runner sẽ bằng cách nào đó tham gia mà chả cần mình khuyên nên hay không nên, nhưng anh em nên nghỉ ngơi điều độ trước và sau cuộc chạy, và trong khi chạy nhớ giảm các mục tiêu và lắng nghe sức mình nhé.