
Bắt đầu với dịch vụ GrabTaxi từ năm 2014, nay Grab đã phát triển lên rất nhiều dịch vụ gồm di chuyển, ăn uống, mua sắm, gửi hàng, thanh toán.
Hẳn anh em còn nhớ những năm đầu của mảng gọi xe thì Grab tiến vào Việt Nam vào quãng 2014, bắt đầu từ dịch vụ taxi. Đến nay, hãng này có hơn 15 dịch vụ ở nhiều mức giá khác nhau, từ chở người đến chở hàng và giao đồ ăn.
Có một điểm thú vị là dịch vụ gọi xe máy (GrabBike) được triển khai đầu tiên tại Việt Nam, sau đó mới đưa sang các nước Đông Nam Á khác. Dịch vụ này có thể nói đã giúp Grab xây dựng hình ảnh rất tốt trên đường phố.
Việt Nam là một trong các thị trường trọng điểm của Grab khi hãng này thành lập trung tâm R&D tại TP.HCM vào năm 2017, nhằm phát triển các tính năng cho địa phương và toàn khu vực. Tại thời điểm đó, tại ASEAN, Grab chỉ có trung tâm tại Singapore, Indonesia, Việt Nam. Các trung tâm khác nằm ở Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc. Một số tính năng của Grab do trung tâm R&D tại Việt Nam phát triển Chia sẻ hành trình, Xác thực hình ảnh tài xế, Cảnh báo tốc độ theo thời gian thực…
Mình từng ghé trung tâm này hồi khai trương năm 2017, nhìn chung rất chỉn chu và hiện đại, không thua kém mấy với văn phòng của họ tại Singapore.
Theo các con số từ Grab, tính trung bình, trong năm 2024, các tài xế Grab 2 bánh có số chuyến xe tăng thêm 30% trong một giờ online trên Grab so với năm 2014, năm ra mắt dịch vụ GrabBike. Mức tăng này đến từ việc tài xế Grab có thể linh hoạt chạy nhiều dịch vụ khác nhau trong ngày, và nhận nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến xe. Nhóm nhà hàng GrabFood đạt mức doanh thu trung bình hằng tháng tăng gấp 3 lần so với 2018, năm đầu tiên ra mắt dịch vụ GrabFood.
Grab cũng áp dụng khoa học dữ liệu rất nhiều với hơn 1.000 mô hình AI/ML - một trong những con số cao nhất trong khu vực.