Theo thống kê, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả...
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng”.
Tốc độ 'làm sạch' tài khoản ngân hàng tăng mạnh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, NHNN đã có Chỉ thị, liên tục có văn bản chỉ đạo và gần đây nhất, ngày 1/7, NHNN có Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345).
Khẳng định lại các điểm quan trọng của Quyết định 2345, Phó Thống đốc chia sẻ, trước đây nhiều người lo sợ giấy tờ của mình bị các đối tượng chụp lại và mở tài khoản bằng giấy tờ giả hoặc thậm chí mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ thật của mình. Với Quyết định 2345, tình trạng này sẽ được giải quyết dứt điểm, việc mở tài khoản sẽ đúng người, mở bằng chính căn cước công dân đã được cơ quan chức năng công nhận. Tiếp đó, khi đã có tài khoản chính danh, sẽ không có trường hợp một số đối tượng mở tài khoản rồi cho thuê tài khoản bất hợp pháp. Bởi với Quyết định 2345, khi khách hàng giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học, đúng thông tin người mở tài khoản.
"Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng, sẽ không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.
Thông tin từ Phó Thống đốc NHNN cho biết, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả...
Theo Phó Thống đốc, con số 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được xác thực sinh trắc học trong những ngày qua tương đương số tài khoản mở mới trong vòng một năm của ngành Ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại xác thực sinh trắc học cho 2,6 triệu tài khoản khách hàng trong ngày 1/7, gấp 10-20 lần so với ngày bình thường. Đây là nỗ lực rất lớn của Ngành.
Để đảm bảo việc xác thực sinh trắc học tài khoản cho khách hàng và giao dịch chuyển tiền được thông suốt, NHNN kiểm soát các giao dịch hàng giờ để xử lý kịp thời nếu xảy ra tắc nghẽn cục bộ. Trong 3 ngày đầu tháng 7, toàn hệ thống thực hiện trung bình khoảng 23 triệu giao dịch mỗi ngày, trong đó có trên 1,9 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm 8,2% tống giá trị giao dịch, cao hơn mức bình quân của tháng 6/2024.
"Chỉ có hơn 8% giao dịch phải xác thực sinh trắc học, còn gần 92% giao dịch bình thường, nên không có chuyện tắc nghẽn. Một số trường hợp tắc nghẽn cục bộ trong ngày đầu tiên áp dụng đã được xử lý, đến ngày 2-3/7, cơ bản mọi giao dịch đã thông suốt“, Phó Thống đốc cho biết thêm.
Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ
Cũng theo Phó Thống đốc, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ nên chắc chắn an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.
"Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ nữa, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản khách hàng được tốt hơn", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đánh giá cao việc NHNN ban hành Quyết định 2345. Quyết định 2345 không chỉ góp phần giúp bảo vệ an toàn cho các giao dịch thanh toán của khách hàng, mà còn góp phần phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Về phía các ngân hàng, bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối Bán lẻ, Vietcombank cho rằng, Quyết định 2345 của NHNN đã tăng cường một lớp bảo vệ vô cùng chặt chẽ cho hàng rào công nghệ của Vietcombank, bổ sung thêm tiện ích về an toàn bảo mật cho khách hàng khi sử dụng phần mềm giao dịch điện thoại của Ngân hàng. Bà Nhung cho biết, rất khó cho các ngân hàng để kiểm soát hành vi khách hàng và bảo vệ lợi ích của khách hàng trên kênh số nếu không có sự chỉ đạo và hướng dẫn sát sao của NHNN trong thời gian qua, đặc biệt là với việc ban hành Quyết định 2345.
Là Tập đoàn hàng đầu về công nghệ, Tập đoàn VNPT đã đưa ra thị trường Hệ sinh thái Tài chính số VNPT Money đang được nhiều người tin dùng bởi sự tiện ích và tính bảo mật cao.
Nhằm tuân thủ theo quy định của Ngân hàng nhà nước, đồng thời tăng cường bảo mật, an toàn và đảm bảo giao dịch thông suốt cho khách hàng trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử, VNPT Money ra mắt tính năng năng xác thực dữ liệu sinh trắc học từ CCCD gắn chip.
Theo đó, từ ngày 01/07/2024 quyết định 2345/QĐ - NHNN, một số giao dịch chuyển tiền trực tuyến, nạp ví điện tử, thanh toán hóa đơn của khách hàng phải được xác thực bằng sinh trắc học: xác thực khuôn mặt trùng khớp với dữ liệu trên CCCD gắn chip do cơ quan công an cung cấp.
Các giao dịch cần xác thực sinh trắc học gồm: Giao dịch chuyển tiền, nạp ví (Giá trị trên 10 triệu đồng/lần, trên 20 triệu đồng/ngày); Thanh toán hóa đơn (Giá trị trên 100 triệu đồng mỗi lần hoặc ngày); Chuyển đổi thiết bị sử dụng ứng dụng VNPT Money; Thực hiện giao dịch tài chính đầu tiên trên VNPT Money.
Theo VNPT Money, dữ liệu sinh trắc học sẽ được dùng để xác thực là chính khách hàng đang thực hiện giao dịch điện tử, tăng cường bảo mật trước rủi ro tội phạm mạng ngày một tinh vi trong thời gian qua.