Dù chưa ghi nhận ca bệnh trên địa bàn nhưng nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã lo lắng, tìm đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Song, các chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá hoang mang.
Thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, trong 3 ngày qua, số lượng người dân tìm đến tiêm vaccine có thành phần bạch hầu dịch vụ tăng đột biến. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày đơn vị này chỉ tiêm khoảng từ 10 đến 15 mũi thì chỉ trong 3 ngày qua đã tiêm đến hơn 400 mũi vaccine. Do số lượng người dân tiêm vaccine tăng đột biến nên đơn vị này đã hết sạch các loại vaccine dịch vụ có thành phần phòng bệnh bạch hầu gồm: vaccine tetraxim (4 trong1), adacel (3 trong 1) và boostrix (3 trong 1). Viện Pasteur đang khẩn trương bổ sung nguồn vaccine bạch hầu để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, theo đại diện Viện Pasteur, vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu không phải là các loại vaccine hiếm. Người dân có thể đến các trung tâm tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế quận, huyện nếu có nhu cầu. Ở các điểm tiêm chủng này luôn có sẵn vaccine phòng bệnh bạch hầu. Đặc biệt, các loại vaccine có thành phần bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em hiện vẫn có đầy đủ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào. Ca bệnh bạch hầu gần đây nhất xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh là vào năm 2020, do đó, người dân không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu đến Thành phố là có thể xảy ra. Nguyên nhân là do Thành phố có mật độ dân cư đông, thường xuyên đón khách du lịch, lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến. Khả năng lây lan bệnh bạch hầu phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện các ca bệnh bạch hầu chỉ xuất hiện rải rác nên đây không phải là mối lo ngại lớn và người dân không nên quá hoang mang. Việc tiêm phòng vaccine cũng nên cân nhắc các yếu tố nguy cơ. Với những người đã được tiêm phòng đầy đủ thì không cần thiết phải tiêm nhắc lai. Những gia đình có trẻ nhỏ, thường xuyên di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều đối tượng nguy cơ thì mới cần tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu. Riêng với trẻ em dưới 2 tuổi cần tiêm đủ các loại vaccine có thành phần bạch hầu như vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1 (lúc 2,3,4 tháng tuổi) và vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) lúc 18 tháng tuổi. Với trẻ lớn và người lớn, có thể tiêm vaccine 4 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt), vaccine 3 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà), vaccine 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván) để phòng ngừa uốn ván.
Trước tình hình người dân nhiều địa phương lo lắng, đổ xô đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, dịch bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam nên việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, người dân không tự ý tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế.
Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Dưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh cần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế phường, xã.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ đường hô hấp, niêm mạc miệng, niêm mạc họng, do vậy các bác sĩ lưu ý người dân luôn giữ vệ sinh tay, chân, miệng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể và cần để ý môi trường sống xung quanh để ngăn ngừa lây bệnh.