Từng là niềm tự hào, giờ chuỗi cung ứng Trung Quốc của Apple đang khiến họ gặp khó

13/04/2025 09:19
Từng là niềm tự hào, giờ chuỗi cung ứng Trung Quốc của Apple đang khiến họ gặp khó

Máy bay chở đầy iPhone từ các nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của Apple tại Ấn Độ trong nhiều tháng qua đã liên tục rời sân bay Chennai. Đây rõ ràng là một trong số những nỗ lực cuối cùng của Apple để trì hoãn thảm họa mang tên thuế quan. Nhưng thời gian đang cạn kiệt đối với công ty giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, trị giá 2.98 nghìn tỷ USD ở thời điểm viết bài, ngày 12/4/2025.


Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng vô cùng sâu sắc, và Apple bị kẹt giữa cuộc chiến tranh thương mại và cuộc chiến thuế quan đó.


Khi Tổng thống Trump châm ngòi cho cuộc chiến thương mại leo thang vào tuần trước, rõ ràng là Apple có thể là tập đoàn phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Trump nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, nơi Apple sản xuất phần lớn các thiết bị của mình, áp đặt mức thuế 54% lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tức là thuế leo thang lên tận 145% trong bối cảnh hai quốc gia trả đũa qua lại lẫn nhau.


Mức thuế thấp hơn được chính quyền tổng thống Trump đưa ra giữa tuần trước vốn đã thừa đủ đe dọa cắn sâu vào lợi nhuận lớn của Apple từ các thiết bị sản xuất tại Trung Quốc bán ở Mỹ. Mức thuế cao hơn có thể xóa sổ hoàn toàn lợi nhuận kinh doanh của Apple.


Giống như Nike và các thương hiệu hàng đầu khác của Mỹ, Apple đã trở thành cái tên tiên phong trong toàn cầu hóa khi hợp tác với Trung Quốc. Cỡ 4 thập kỷ trước, một giám đốc điều hành trẻ tuổi tên Tim Cook đã nhận ra tiềm năng của lực lượng lao động giá rẻ và nhiệt tình của đất nước này. Ông xây dựng một đế chế chuỗi cung ứng ở đó, và rồi sau đó, ông trở thành CEO của Apple.


Hơn một triệu công nhân hàng ngày đang ngồi trong các dây chuyền, sản xuất các thiết bị cao cấp cho Apple, dựa trên lịch trình vô cùng chặt chẽ. Công việc hàng ngày của họ là một trong những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và mạnh mẽ nhất giữa hai siêu cường thế giới.


Ở đó, Apple về cơ bản là một trong những nhà tuyển dụng gián tiếp lớn nhất, còn Trung Quốc là nơi cung cấp những thiết bị cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người trên toàn thế giới.


Chuỗi cung ứng và bàn cờ địa chính trị


Tim Cook đã phải vô cùng khéo léo chơi ván cờ chính trị ở cả hai quốc gia, Mỹ và Trung Quốc, để bảo vệ thành quả do ông gây dựng trong gần nửa thế kỷ qua. Cùng lúc, ông cho thực hiện các khoản đầu tư chiến lược vào Trung Quốc để đổi lấy cái nhìn thiện cảm từ Bắc Kinh. Cùng lúc, ông cũng đã từng đạt được miễn trừ thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Trump.


Nhưng giờ đây, Apple đang mắc kẹt. Chuỗi cung ứng của Apple ở Trung Quốc quá lớn và phức tạp, đến mức không thể di chuyển dễ dàng sang các quốc gia khác. Công ty đang nghiên cứu cách có thể chuyển một phần sản lượng lắp ráp iPhone sang Mỹ, theo nguồn tin thân cận với vấn đề này, nhưng việc thực hiện có thể mất nhiều năm.


Đa dạng hóa lắp ráp cuối cùng của các sản phẩm sang các quốc gia chi phí thấp khác, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam, có thể giúp Apple tránh được một phần tác động của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng động thái này không thể bù đắp sự phụ thuộc của Apple vào đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của Mỹ, nơi nhiều bộ phận linh kiện quan trọng bên trong iPhone hay MacBook sẽ vẫn tiếp tục được sản xuất.


Tim đã từng nói rằng việc sản xuất iPhone ở Mỹ sẽ rất khó khăn. Không đủ lao động, có kỹ năng và không có kỹ năng. Ngay cả khi có, nó cũng quá đắt đỏ. Một chiếc iPhone sản xuất 100% trên đất Mỹ, từ linh kiện đến lắp ráp có thể có giá bán lên tới 3.500 USD, Wedbush Securities đưa ra dự đoán.


Doug Guthrie, giáo sư tại Đại học Bang Arizona, người từng làm việc cho Apple, về phát triển tổ chức chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nói: “Trung Quốc đã mất 40 năm để xây dựng một chuỗi cung ứng sản xuất phức tạp. Chúng ta từng nắm trong tay điều đó. Thật sự là một thảm họa khi chúng ta để nó vuột khỏi tay.”


Hy vọng cuối cùng và tốt nhất của công ty để tránh những xáo trộn thị trường tồi tệ hơn nằm ở chính khả năng của Tim Cook, cụ thể hơn là khả năng bảo đảm một quyết định miễn trừ thuế quan khác dành riêng cho Apple, như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ cấp miễn trừ cho các công ty “bị ảnh hưởng nặng nề” bởi thuế quan. Tuy nhiên, có vẻ như đó là một giải pháp tạm thời cho những thứ trông rất giống với sự rạn nứt ở tầm dài hạn hơn, giữa Mỹ và Trung Quốc.


Nếu không có miễn trừ thuế quan, người tiêu dùng Mỹ có khả năng phải trả nhiều tiền hơn để mua một chiếc iPhone, iPad hay máy tính Mac. Hoặc nếu không tăng giá bán, thuế quan sẽ ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của Apple, và lợi tức từ cổ phiếu Apple, sẽ giảm xuống. Khả năng cao nhất là cả hai hậu quả đó sẽ cùng xảy ra.


Một lý do khiến Apple gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc, là vì chính công ty này, chính Tim Cook đã giúp xây dựng chuỗi cung ứng ấy. Apple bắt đầu làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc cách đây hơn hai thập kỷ, và gia tăng sản xuất ở đó vào năm 2004 khi chiếc iPod bùng nổ về doanh số cũng như thị phần. Họ đã nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền Bắc Kinh với thái độ vô cùng thân thiện khi ấy. Đổi lại, Apple đến lượt đào tạo các nhà cung cấp để họ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của mình.


Thành phố iPhone


Theo thời gian, Apple đã giúp xây dựng một hệ sinh thái gồm hơn 1.000 nhà cung cấp khác nhau trong lãnh thổ Trung Quốc. Nhà sản xuất iPhone đã dạy họ cách vận hành hiệu quả hơn, vì vậy họ cạnh tranh với nhau, giảm chi phí của Apple, giáo sư Guthrie cho biết. Đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, Foxconn đã xây dựng một khu phức hợp rộng lớn đến mức, thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc đã từ lâu được cả thế giới gọi là “thành phố iPhone” hay “thủ phủ iPhone”.


Kết hợp chi phí thấp với các thiết bị có giá bán ra thị trường cao, đồng nghĩa với việc biên độ lợi nhuận của Apple cho mảng kinh doanh smartphone toàn cầu có thể vượt qua ngưỡng 80%, ngay cả khi thị phần sản phẩm bán ra thị trường chỉ chiếm chưa đầy 20%, theo Counterpoint Research.


Các quốc gia khác không mang lại tiềm năng tương tự để tạo ra một trung tâm sản xuất mới. Đó chính là điều mà Guthrie nhận thấy khi ông nghiên cứu các lựa chọn thay thế cho Apple. Ấn Độ hoàn toàn không thiếu nhân công, nhưng bộ máy quan liêu của chính quyền các bang tại đây có thể khiến việc di chuyển nhanh chóng dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ trở nên khó khăn hơn.


Các nhà cung cấp của Apple ở Ấn Độ đã tập trung vào hai bang miền Nam Ấn Độ, nơi vốn có quy trình hợp lý hơn. Nhà máy chính của Foxconn tại Ấn Độ tọa lạc gần Chennai. Các quan chức Ấn Độ hy vọng rằng các mức thuế mới đối với Trung Quốc sẽ giúp đất nước đảm nhận nhiều bước và công việc hơn trong chuỗi cung ứng của Apple, ngoài việc lắp ráp thiết bị thương mại, khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng. Nhưng một nỗ lực như vậy sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.


Khi Stephan Kruger làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple từ năm 2014 đến 2018, anh đã tận mắt chứng kiến những lợi thế của dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Có thời điểm, anh đã giúp các nhà cung cấp khởi động quá trình sản xuất mô tơ rung tịnh tiến “haptic engine” trang bị bên trong iPhone và MacBook. Nó chính là bộ phận mô phỏng các cú chạm màn hình, bấm touchpad, rung và các phản hồi xúc giác khác. Thời điểm đầu năm, anh làm việc với các nhà cung cấp để lắp đặt máy móc, kiểm tra chúng và tinh chỉnh quy trình sản xuất để Apple sẵn sàng tăng sản lượng vào cuối mùa hè, trước sự kiện ra mắt iPhone thường niên vào tháng 9.


Khả năng của đội ngũ lao động tại Mỹ, nói thẳng ra là sẽ không bao giờ đủ tầm để so sánh với Trung Quốc, ở bất kỳ bước nào trong quá trình kể trên. Chuỗi cung ứng của Apple đòi hỏi những người lao động lành nghề, những người có thể thiết lập máy móc để dập các bộ phận kim loại chính xác. Những công nhân đó cũng sẽ chính là những người đào tạo những công nhân mới, không có kỹ năng khi quy trình sản xuất diễn ra.


Tim Cook và Trung Quốc


Năm 2015, Tim Cook xuất hiện trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS. Tại đây ông nói: “Mỹ, theo thời gian, bắt đầu mai một nhiều kỹ năng chuyên môn. Bạn có thể lấy tất cả những người làm khuôn mẫu và dụng cụ ở Mỹ, họ ít tới mức hoàn toàn có thể đặt họ vào chung một căn phòng mà chúng ta đang ngồi hiện tại. Ở Trung Quốc, bạn sẽ phải có không gian rộng bằng nhiều sân bóng đá để xếp hết những chuyên gia đó lại.”


Nhưng những công nhân kỹ năng thấp cũng chính là thứ mà Apple cần. Ở Trung Quốc, không chỉ có nguồn cung cấp khổng lồ nhân công, mà dựa vào bộ máy lao động ở nước này, họ hoàn toàn có thể được tuyển dụng theo hợp đồng, chỉ làm việc trong vài tháng cao điểm. Cứ mỗi năm, đội quân khổng lồ này được triển khai trong vòng vài tháng, để giúp Apple tăng sản lượng iPhone bán ra trong kỳ nghỉ lễ cuối năm ở Mỹ, sau đó được cho nghỉ khi nhu cầu sản lượng giảm, từ đó giúp tiết kiệm tối đa chi phí của Apple.


Không lâu sau khi Tim Cook kế nhiệm Steve Jobs ở cương vị CEO của Apple, một số người đã chỉ trích Tim, vì ông chưa tạo ra được một quả bom tấn với tác động về kinh tế và xã hội như iPhone của Steve. Giả định của mối lo ngại này, là sự tăng trưởng doanh số và doanh thu từ iPhone rồi sẽ chậm lại.


Rất ít người nhìn ra, và đánh giá cao cách triển khai chuỗi cung ứng một cách thiên tài của Cook, ngang ngửa như cái đầu thiên tài khi phát triển sản phẩm công nghệ của Steve Jobs. Tim Cook đã gói gọn các sản phẩm phụ và dịch vụ bổ sung vào những dòng sản phẩm chủ lực, từ đó mang lại sự tăng trưởng doanh thu lớn.


Năm ngoái, Apple đã bán được 233 triệu máy iPhone, tăng so với con số 93 triệu khi Cook trở thành CEO, theo số liệu của IDC. Vào tháng 12/2024, giá trị vốn hóa của công ty đạt đỉnh, gần 4 nghìn tỷ đô la và nó đã là công ty lớn nhất thế giới tính theo tiêu chí đó trong hầu hết thập kỷ qua.


Cook đã cứu chuỗi cung ứng của mình khỏi các mối đe dọa chính trị trước đây.


Ở Trung Quốc, Apple đã thực hiện các khoản đầu tư chiến lược bao gồm cả trung tâm nghiên cứu và phát triển để lấy lòng các quan chức chính phủ. Apple cũng đã từng được cho phép tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc mặc dù lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong thời kỳ Covid-19 của đất nước.


Tin xem thêm