LignoSat, vệ tinh nhân tạo đầu tiên làm bằng gỗ, đã được phóng lên không gian vào ngày hôm qua trong một thí nghiệm nhằm kiểm tra tiềm năng của gỗ như một vật liệu cho việc khám phá không gian và sinh sống của con người trong tương lai.
Dự án LignoSat là kết quả của sự hợp tác giữa Đại học Kyoto và công ty Sumitomo Forestry của Nhật Bản. Dự án này lần đầu tiên được công bố vào năm 2020, với mục tiêu khám phá tiềm năng của gỗ như một vật liệu bền vững cho công nghệ không gian. Ý tưởng đằng sau LignoSat được lấy cảm hứng từ các máy bay bằng gỗ thời kỳ đầu và tầm nhìn sử dụng gỗ cho các công trình không gian trong tương lai trên Mặt Trăng và sao Hỏa.
LignoSat là vệ tinh được thiết kế thành một khối lập phương có kích thước bằng lòng bàn tay, với mỗi cạnh dài 10 cm, khác biệt hoàn toàn so với các vệ tinh truyền thống. Vệ tinh này được chế tạo từ gỗ honoki, một loại gỗ mộc lan thường được sử dụng để làm vỏ kiếm ở Nhật Bản, kết hợp với các kĩ thuật xây dựng thủ công truyền thống của Nhật mà không cần ốc vít hay keo dán. Theo nhóm nghiên cứu, cách tiếp cận này nhằm mục đích chứng minh tiềm năng của vật liệu bền vững cùng kỹ thuật thủ công truyền thống trong không gian.
Việc sử dụng gỗ trong chế tạo vệ tinh mang lại nhiều lợi ích về môi trường so với các thiết kế truyền thống làm từ kim loại. Một lợi ích quan trọng là khi vệ tinh bằng gỗ như LignoSat quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất, nó được dự đoán sẽ cháy hoàn toàn và tạo ra ít ô nhiễm hơn so với các vệ tinh hiện tại. Tác động môi trường giảm thiểu này đặc biệt quan trọng khi số lượng vệ tinh trong quỹ đạo ngày càng tăng, góp phần tạo ra rác thải không gian và ô nhiễm khí quyển.
LignoSat sẽ thực hiện một sứ mạng dài sáu tháng trong quỹ đạo với mục tiêu chính là kiểm tra sự phù hợp của vật liệu gỗ này trong các sứ mạng không gian. Vệ tinh sẽ phải chịu đựng những thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt, dao động từ -100°C đến 100°C, nhằm đánh giá khả năng chịu đựng của cấu trúc gỗ trong điều kiện như vậy mà không bị hỏng hóc hay biến dạng. Đây là một yếu tố rất quan trọng cho việc lựa chọn vật liệu cho các sứ mạng không gian.
Ngoài việc kiểm tra độ bền của gỗ, khả năng của gỗ như một lá chắn bức xạ để bảo vệ các linh kiện điện tử như chất bán dẫn cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ. Bức xạ là một mối lo ngại lớn trong không gian vì nó có thể làm hỏng hoặc gây nhiễu hoạt động của các hệ thống điện tử. Hơn nữa, LignoSat cũng sẽ thực hiện các bài kiểm tra để xem xét cách gỗ giãn nở, co lại và hao mòn trong môi trường không gian. Những yếu tố này rất quan trọng vì các vật liệu trong không gian thường có hành vi khác với trên Trái Đất do thiếu khí quyển, trọng lực và sự phơi nhiễm với bức xạ vũ trụ.
Sứ mạng này được kì vọng sẽ tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu dần dần sử dụng gỗ như một vật liệu hợp lý hơn để áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp vũ trụ.