Không quân Mỹ (USAF) có nhiều chiến đấu cơ nổi tiếng, nhưng một trong những tổ tiên của các chiến đấu cơ phản lực ngày nay là F-101 Voodoo lại ít được biết đến. Mọi chuyện bắt đầu với oanh tạc cơ đình đám B-52, những máy bay này không hoạt động đơn lẻ mà cần những phi cơ khác làm nhiệm vụ hộ tống, giống như một nhân vật quan trọng cần có các vệ sĩ tháp tùng.
Máy bay hộ tống phải có đủ hỏa lực để đối phó với các mối đe dọa như máy bay lẫn hệ thống phòng không của đối phương, dọn đường cho oanh tạc cơ bay tới mục tiêu và trở về suôn sẻ. F-101 là một phi cơ như vậy và được dùng để hộ tống cho B-52.
McDonnell Aircraft đã phát triển F-101 từ cuối thập niên 1940, song hành cùng với sự ra đời của động cơ phản lực. Là chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của USAF đạt tốc độ siêu thanh, nó có chuyến bay đầu tiên vào năm 1954 và đến năm 1957 thì được đưa vào hoạt động.
Voodoo là sự kế tục của chương trình chế tạo máy bay xâm nhập XF-88 trước đó. Chiếc XF-88 được đòi hỏi có phạm vi tác chiến dài và hiệu suất cao, nhưng bị coi là không đạt và chính thiết kế của XF-88 đã được sửa đổi để biến thành F-101.
Làm vệ sĩ hộ tống cho B-52 không phải là vai trò duy nhất của F-101, nó còn được dùng để làm nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), làm máy bay tiêm kích-ném bom và máy bay đánh chặn. Nhưng chính từ sự đa năng này mà các hạn chế của nó đã bắt đầu phát sinh.
Khi làm ra F-101, người Mỹ vẫn đang ở thời kỳ tìm tòi một vai trò hữu ích nào đó cho chiến đấu cơ đa năng và máy bay đánh chặn, họ chưa định hình được các vai trò cụ thể của phi cơ này mà chỉ biết là nó sẽ có nhiều cái nhất từ tốc độ, hỏa lực, phạm vi bay cho đến độ cao. Vì thế họ cố bắt nó phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, đó là lý do vì sao F-101 có rất nhiều biến thể song ít có mẫu nào hiệu quả.
F-101 được trang bị hai động cơ Pratt & Whitney J57-P-55 với lực đẩy tối đa 75 kN mỗi cái, giúp F-101 đạt tốc độ siêu thanh tối đa 1.765 km/giờ (Mach 1,43). Nhưng tốc độ hành trình chỉ đạt mức cận âm là 877 km/giờ, dù cũng là nhanh. Nó có trần bay 15.880 mét và trọng lượng cất cánh tối đa đạt 23,77 tấn.
USAF đã nhồi nhét mọi thứ có thể vào thân máy bay, bao gồm hai tên lửa không đối không AIR-2A và hai tên lửa dẫn đường AIM-4, cùng với 4 khẩu pháo tự động M39 20mm. Phiên bản F-101C còn có cả bom nhiệt hạch Mk. 28 hoặc Mk. 43.
Có 3 phiên bản chính là F-101A, B và C nhưng đã có nhiều đợt cải tiến để chế ra hàng loạt biến thể khác trải dài từ F-101D đến tận F-101H. Sự dồi dào biến thể này không hề cho thấy nó đựơc phát triển cẩn thận mà ngược lại, thể hiện sự chắp vá. Cho nên người ta phải vội vàng ‘mông má’ cho nó bằng đủ thứ sửa đổi.
F-101 sớm tỏ ra không được đạt tới những gì USAF mong muốn. Nó chỉ như một sự giao thoa tạm thời giữa các chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của Mỹ với các máy bay tiên tiến hơn sau này, mà đại biểu là F-4 Phantom II.
Mọi thứ của F-101 chỉ mới đi được nửa chừng. Tuy bay nhanh nhưng nó lại không cơ động bằng chiếc F-4. Nó cũng có khả năng đa nhiệm kém hơn F-4, vốn nổi bât trong tác chiến không đối không, tấn công mặt đất và cả trinh sát. Phạm vi hoạt động của nó là 2.450 km, hơi ngắn để làm một số nhiệm vụ chiến lược. Khi gộp các yếu tố ‘không tới nơi tới chốn’ này lại, rõ ràng F-101 là một phi cơ mới dừng lại ở mức tham khảo.
USAF đã lờ mờ nhìn ra điều đó rất sớm nên ngay từ năm 1958, chỉ 1 năm sau khi F-101 đi vào hoạt động thì kẻ kế nhiệm nó là F-4 đã được chế tạo và bay luôn chuyến đầu tiên. Chiếc F-4 tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn, chở nhiều vũ khí hơn và nhanh hơn đáng kể. Nó đạt tốc độ tối đa là 2.753 km/giờ (Mach 2,23) và có trần bay tới 18.300 mét. Cuối cùng thì USAF đã thay thế F-101 bằng F-4 để làm máy bay đánh chặn chính vào năm 1972.