Thời gian gần đây, Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản. Để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong các cơ sở sản xuất, hộ gia đình.
"Bà hỏa" liên tục ghé thăm
Sau vụ hỏa hoạn thương tâm đêm 18/12 trên phố Phạm Văn Đồng khiến 11 người thiệt mạng, đêm 19/12 trên địa bàn quận Hoàng Mai tiếp tục xảy ra một vụ cháy lớn tại một kho lốp ôtô.
Tiếp đó, vào 21 giờ 30 ngày 20/12, trên địa bàn huyện Hoài Đức xảy ra một vụ cháy bãi cỏ. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và dập tắt đám cháy.
Tối 22/12, sự cố cháy nổ xảy ra tại ngôi nhà trong ngõ số 40, phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Sự việc được xác định là một người dân kho nồi thịt và đi ra ngoài. Sau đó, nồi thịt cháy khét, bốc khói mù mịt khiến người dân khu vực sợ hãi và báo cho lực lượng chức năng. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy tại chỗ phường Thượng Đình, cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an quận Thanh Xuân nhanh chóng đến hiện trường xử lý sự cố.
Trưa ngày 24/12, một vụ hỏa hoạn nhỏ xảy ra tại ngõ 66A Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), lực lượng chức năng ngay lập tức có mặt tại hiện trường và xử lý dứt điểm vụ việc.
Dù các vụ việc nhỏ không gây thiệt hại về người nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của toàn xã hội.
Phòng cháy cách nào?
Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra, Công an yhành phố Hà Nội đưa ra các cách đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở, hộ gia đình và khu dân cư cũng như biện pháp cụ thể để ngăn ngừa và xử lý sự cố cháy nổ.
Theo đó, đối với các đơn vị cơ sở cần có lực lượng phòng cháy, chữa cháy được huấn luyện nghiệp vụ và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Các đơn vị này cần có hồ sơ theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đơn vị cần tổ chức tốt hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chỗ và cần thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy để phát hiện và khắc phục kịp thời các vấn đề, nguy cơ phát sinh cháy, nổ.
Phía cơ sở cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy song song với việc rà soát, củng cố hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Xây dựng và chuẩn bị sẵn sang các phương án thoát nạn cho người và tài sản khi có hỏa hoạn xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện và dập tắt cháy ngay từ ban đầu.
Đối với các hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chấp hành theo Nghị định số 137 ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; không buôn bán, tàng trữ trái phép chất dễ cháy, nổ như pháo, pháo hoa.
Người dân không nên lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; trường hợp đã lắp thì phải bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi có sự cố cháy nổ.
Bên cạnh đó, người dân cần lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, trang bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Cùng với đó, người dân cần kiểm soát, bảo dưỡng chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn điện, khu vực chứa các chất dễ cháy trong nhà và phải có phương án thoát nạn nếu có cháy xảy ra.
Đối với các khu dân cư tập trung nhiều nhà và hộ gia đình cần tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy.
Cùng với đó, những khu dân cư cần hủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra, người dân cần tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức tại địa phương./.
Khi xảy ra nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114 và thực hiện quy trình các bước xử lý:
Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.
Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.
Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.