Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024 vừa được đồng tổ chức bởi Raise Partners và Vietnam Innovators thuộc Vietcetera Media, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam được tổ chức với mục tiêu kết nối các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phi chính phủ trong và ngoài nước. Hội nghị hướng đến việc thúc đẩy các dự án môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG), từ đó xây dựng một tương lai Việt Nam bền bỉ, hòa nhập và thịnh vượng.
Điểm nổi bật của Hội nghị năm nay là hoạt động Kết nối Doanh nghiệp (Networking and Business Matching) - mở ra cơ hội hợp tác tiềm năng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chuyến đi thực địa dành riêng cho các nhà đầu tư khách mời đã mang đến trải nghiệm thực tế về các hoạt động phát triển bền vững và sáng kiến ESG tại Việt Nam.
Hệ sinh thái bền bỉ: Các lĩnh vực khác nhau cùng chung tay giải quyết vấn đề của khí hậu
Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (net-zero), chấm dứt phá rừng vào năm 2030 và giảm thiểu khí nhà kính. Để thực hiện những cam kết này, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lên đến 368 tỷ USD cũng như thúc đẩy các hoạt động quan hệ đối tác công - tư.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và các cơ quan chính phủ nước ngoài đã có những công cụ hỗ trợ tài chính để thực hiện hóa các sáng kiến năng lượng tái tạo và đẩy nhanh triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút đầy đủ nguồn vốn xanh và thúc đẩy hiệu quả các dự án, cần có các chính sách và định hướng chiến lược rõ ràng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư vững chắc để thúc đẩy dòng vốn đáng kể vào các hoạt động giảm thiểu phát thải carbon. Nhiều dự án trọng điểm, bao gồm phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp và dịch vụ, lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng, đang cần nguồn tài chính để triển khai và phát triển, góp phần vào đà tăng trưởng của Việt Nam.
Quan điểm của bà Thanh được ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Giám đốc Kho bạc BIDV, đồng tình trong một tọa đàm riêng. Là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai khung tín dụng bền vững, sáng kiến tài chính xanh của BIDV đã tiếp cận hơn 1.300 khách hàng và dự án chỉ trong năm 2023, với tổng dư nợ cuối năm đạt 2,68 tỷ USD. Điều này cho thấy rõ vai trò quan trọng của các ngân hàng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, lộ trình chuyển đổi năng lượng và mô hình đầu tư hiệu quả cần sự chung tay hợp tác của cả khu vực công và tư, vì mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực hợp tác, tận dụng thế mạnh và nguồn lực từ cả hai phía. Ông Evans khẳng định cam kết của HSBC trong việc đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh những vấn đề kinh doanh, đầu tư vào con người và thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi năng lượng là một yếu tố quan trọng khác để thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc ESG. Các đối tác tư nhân và tổ chức chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả người Việt Nam, xây dựng một xã hội bao dung hơn, trao quyền cho mọi cá nhân phát triển và đóng góp vào phát triển bền vững.
Chuỗi cung ứng bền vững: Chìa khóa để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Là trung tâm sản xuất và nông nghiệp lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại quốc tế. Do đó, các chiến lược và thách thức về khí hậu của Việt Nam cũng tác động đáng kể đến các sự kiện kinh tế và địa chính trị bên ngoài.
Chuỗi cung ứng Việt Nam đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Lũ lụt, bão ngày càng gia tăng gây gián đoạn vận chuyển, tàn phá cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng hoạt động sản xuất. Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành tại Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất và nông nghiệp ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi và áp dụng các biện pháp mang tính bền vững để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động tốt trước tác động của mọi trường. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá nguồn cung, triển khai biện pháp thích ứng và nâng cao năng lực lao động.
Theo ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital và ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Hội đồng Doanh nghiệp vì Sự phát triển Bền vững Việt Nam, đầu tư vào nguồn nhân lực là chìa khóa để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng thích ứng trước những thách thức đang diễn ra.
Với vai trò quan trọng của phụ nữ trong chuỗi cung ứng, đặc biệt ở các ngành may mặc và giày dép, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, lãnh đạo và ra quyết định là điều cần thiết. Bà Anjanette Saguisag, Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị của UNICEF Việt Nam, đề xuất các sáng kiến hỗ trợ phụ nữ và con của họ, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi xã hội. Khi được tích hợp hiệu quả vào mô hình kinh doanh và văn hóa làm việc, những sáng kiến này sẽ góp phần khai thác tiềm năng của các phụ nữ, không chỉ trong công việc mà còn trong toàn xã hội, đồng thời phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và đảm bảo tương lai công bằng và bền bỉ hơn cho tất cả mọi người.