Tại sao TT Trump không thể sản xuất iPhone ở Mỹ?

29/04/2025 07:48
Tại sao TT Trump không thể sản xuất iPhone ở Mỹ?

Apple hiện đang tìm cách chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, giữ nguyên chuỗi cung ứng và cố tìm cách đối phó với việc TQ không cho chuyển trang thiết bị sản xuất đi nơi khác. Những động thái tạm thời như tìm cách chuyển hàng tấn iPhone đã thành phẩm về Mỹ và dùng cách mềm dẻo để thuyết phục TT Trump miễn thuế cho các sản phẩm của công ty nhằm ứng phó trước tác động của thương chiến Mỹ - Trung.


Thế nhưng chưa hề có thông tin nói về họ tìm cách chuyển việc sản xuất về Mỹ như chủ trương mà chính quyền Trump muốn. Lần cuối cùng một công ty sản xuất smartphone muốn làm chuyện đó ở Mỹ là Motorola vào năm 2013, khi họ muốn chứng minh rằng quan niệm sản xuất ở Mỹ quá đắt đỏ là sai lầm. Và 12 tháng sau đó, nhà máy của họ ở Fort Worth, Texas đã đóng cửa do doanh thu quá thấp kết hợp với chi phí sản xuất cao.


Một điều tra vừa công bố từ Financial Times cho thấy sự phức tạp khủng khiếp hay nếu không muốn nói là bất khả thi khi muốn chuyển hoàn toàn 2700 thành phần làm nên chiếc iPhone sang chuỗi cung ứng từ các công ty có trụ sở ở Mỹ.


Có ý kiến chỉ ra rằng nguyên nhân khiến việc chuyển sản xuất iPhone về Mỹ là do Trung Quốc mới có đội công nhân "vặn từng con ốc vít" - ý nói giá rẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là vì chi phí nhân công, mà vấn đề phức tạp hơn chính là việc dịch chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng linh kiện làm iPhone hàng thập kỷ qua đang nằm trong tay Trung Quốc.


Andy Tsay, giáo sư hệ thống thông tin tại Đại học Santa Clara cho rẳng "ban đầu vì chi phí lao động rẻ, các công ty đến Trung Quốc. Nhưng họ ở lại TQ và giờ đây họ kẹt lại đó, lợi có hại có. TQ hiện đã nhanh, linh hoạt và tầm cỡ thế giới chứ không chỉ có thế mạnh là chi phí nhân công rẻ."


Sự chằng chịt phức tạp của chuỗi cung ứng linh kiện iPhone


Quay trở lại câu chuyện của Apple, bài toán mà họ đang giải nếu muốn thoát Trung chính là chuỗi cung ứng vô cùng phức tạp. Hãy cùng nhìn lại những con số thống kê do FT thực hiện:


  • iPhone là thiết bị thành công nhất mọi thời đại với khoảng 2,8 tỷ đơn vị được bán ra từ năm 2007, mang về 1 ngàn tỷ doanh thu cho Apple sau 15 năm và hiện nó vẫn chiếm một nửa doanh số của Apple.
  • Ở thế hệ mới nhất, nó chứa tới 2700 linh kiện khác nhau và Apple đã cần tới 187 nhà cung cấp đến từ 28 nước.
  • Chưa tới 5% thành phần của iPhone hiện được làm tại Mỹ, bao gồm vỏ kính, cảm biến laser của Face ID và chip (bao gồm vi xử lý và modem 5G)
  • Hầu hết phần còn lại do TQ chịu trách nhiệm, nhưng phần nhiều các linh kiện công nghệ cao được sản xuất tại Đài Loan, vài thành phần quan trọng được làm tại Hàn Quốc và Nhật.
  • Trong đó, có 3 thành phần quan trọng nhưng lại cực kỳ khó chuyển về Mỹ sản xuất.
  • Kính của màn hình iPhone được làm ở Mỹ nhưng nguyên vật liệu làm màn hình cảm ứng, từ tấm nền đến lớp cảm ứng, đều được làm ở Hàn Quốc và ráp tại Trung Quốc.
  • Hầu hết những chiếc iPhone đều có phần khung nhôm nguyên khối. Để làm ra nó, một khối kim loại sẽ được cắt và định hình bằng những chiếc máy chuyên dụng với số lượng lớn chỉ có ở TQ.
  • 74 con ốc lắp iPhone đang chủ yếu làm ở Trung Quốc và Ấn Độ và được lắp bằng tay.

Và trên đây là một vài thí dụ cho thấy chuỗi cung ứng là một mạng lưới vô cùng chằng chịt đang chi phối cả nền kinh tế toàn cầu và nó không thể dễ dàng tháo gỡ chỉ bằng chính sách thuế quan. Nếu như 20 năm trước, Trung Quốc thu hút các công ty như Apple bằng nguồn cung lao động và hiện vẫn là một lợi thế tương đối so với Mỹ. Nhưng hiện tại, chuỗi cung ứng linh kiện cho iPhone đang được chuyên môn hóa cho từng thành phần cụ thể và nằm rải rác ở gần một chục quốc gia ở châu Á và sau đó được gom lại nắm giữa bởi các nhà cung cấp ở Trung Quốc.


Bởi thế, các chuyên gia nói rằng việc phá bỏ vị thế của các nhà cung cấp vừa có quy mô, tổ chức lẫn kỹ năng như thế là rất khó có thể diễn ra trong một nhiệm kỳ tổng thống. Một báo cáo đã chỉ ra rằng chuỗi cung ứng smartphone hiện đang bám rễ rất sâu vào Trung Quốc, được hỗ trợ bởi các kỹ sư có tay nghề và lượng lớn nhân công lắp ráp.


Thêm phần phức tạp, các công ty cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử như Foxconn ở Đài Loan, qua thời gian đã theo yêu cầu của Apple mà mở rộng dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc để đáp ứng các đơn hàng khổng lồ. Đầu tiên là nằm trong một khu phức hợp nhà máy ở Thâm Quyến, sau đó mở rộng ra hàng chục địa điểm khác ở TQ, rồi đến các địa điểm ở Đông Nam Á và bây giờ là Ấn Độ.


Riêng năm 2010, Foxconn đã chi 1,5 tỷ đô la để xây dựng thành phố iPhone ở Trịnh Châu để sản xuất khoảng 50% lượng iPhone toàn cầu. Và đó chỉ là chi phí xây dựng cơ sở, chưa tính chi phí điều hành, đặc biệt là lúc cao điểm khi đó có tới 350 ngàn nhân công làm việc ở đó.


Nhưng Foxconn hay các đối tác lắp ráp khác nhỏ hơn như Pegatron, Luxshare chỉ gắn các thành phần đã được làm ra bởi hàng trăm công ty khác. Tất cả những thứ từ ống kính, lớp phủ camera đến các bản mạch in, chất nền khác nhau trong iPhone còn được sản xuất ở khắp Trung Quốc và ĐNÁ. Cuối cùng, hiện 85% iPhone vẫn đang được lắp ráp ở Trung Quốc, phần còn lại là ở Ấn Độ.


Trong chuỗi cung ứng như trước giờ, Apple hưởng lợi từ việc các nhà cung cấp và nhà sản xuất nằm gần nhau, giúp đẩy nhanh tốc độ giao hàng, cải thiện giao tiếp và tối ưu hóa thiết kế sản phẩm cũng như quy trình. Việc chuyển lắp ráp sang Mỹ sẽ gây ra nhiều bất lợi do khoảng cách địa lý, làm phức tạp hóa hoạt động sản xuất. Dù Apple có thể tìm được nhà sản xuất thay thế cho một số linh kiện, nhưng vẫn có những linh kiện quan trọng như bộ vi xử lý do TSMC cung cấp từ Đài Loan vẫn không thể thay thế, ngay cả khi sản xuất đã bắt đầu tại nhà máy của họ ở Arizona.


Các phân tích chỉ ra rằng việc chuyển sản xuất sang Mỹ sẽ mất nhiều năm nếu không muốn nói là hàng thập kỷ do cần đầu tư lớn vào tự động hóa, công cụ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. Thuyết phục các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài xây dựng cơ sở tại Mỹ cũng là một thách thức lớn để thực hiện điều đó. Trong khi đó, các nhà cung cấp Trung Quốc có lợi thế về quy mô và hiệu suất sản xuất do họ cũng cung cấp linh kiện cho các thương hiệu khác như Huawei và Xiaomi. Do đó, họ không có nhiều động lực để tách riêng nhà máy phục vụ Apple.


Ngoài ra, sự bất ổn về chính sách tại Mỹ cũng khiến các doanh nghiệp khó đầu tư dài hạn, vì môi trường kinh tế có thể thay đổi hoàn toàn sau mỗi chu kỳ bầu cử. Thách thức càng lớn khi chi phí lao động tại Mỹ cao hơn đáng kể so với các nước khác, cùng với tình trạng thiếu kỹ sư cơ khí chuyên dụng cần thiết cho sản xuất. Các vấn đề về thuế quan cũng là một rào cản lớn, khiến các công ty khó dự đoán chi phí và lợi nhuận khi xây dựng nhà máy tại Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp thường ưu tiên chiến lược dài hạn, tránh đưa ra quyết định vội vàng trước những biến động kinh tế ngắn hạn.


iPhone made in USA sẽ thế nào?


Việc chuyển sản xuất iPhone sang Mỹ ngoài ra còn đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng phức tạp và phụ thuộc vào nhiều quốc gia. Trong số các thành phần của màn hình, chỉ có lớp kính bảo vệ được sản xuất tại Mỹ bởi Corning ở Kentucky, trong khi phần màn hình OLED và lớp cảm ứng đa điểm chủ yếu do Samsung sản xuất tại Hàn Quốc. Các linh kiện điện tử quan trọng được lắp ráp tại Trung Quốc trước khi chuyển đến nhà máy Foxconn để ghép nối với các bộ phận khác.


Khung kim loại của iPhone thể hiện rõ thách thức trong việc loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng. Cấu trúc này được chế tạo từ nhôm nguyên khối bằng máy CNC có độ chính xác cao. Theo nhà phân tích Wayne Lam từ TechInsights, quá trình này yêu cầu một lượng lớn máy CNC vốn đã được các nhà cung cấp Trung Quốc tích lũy trong nhiều năm và rất khó có thể tạo ra như vậy ở nơi khác trong một sớm một chiều.


Ngay cả các bộ phận đơn giản nhất như ốc vít cũng rất phức tạp. Chúng có nhiều loại vật liệu và hình dạng đầu khác nhau như philips, flat, tri-tip, pentalobe,... Nhưng thách thức lớn nhất nằm ở quá trình vặn ốc. Thiết kế của iPhone không sử dụng keo để gắn kết khung máy, khiến việc lắp ráp trở nên tốn kém hơn nếu không sử dụng nhân công. Các chuyên gia cho rằng việc thuê lao động ở Trung Quốc hiện vẫn tiết kiệm hơn so với đầu tư vào giải pháp tự động hóa tại Mỹ.


Trong khi đó, việc sản xuất iPhone tại Mỹ sẽ cần tự động hóa do lao động Mỹ khó chấp nhận làm các công việc lặp đi lặp lại với mức lương phù hợp để duy trì lợi nhuận của Apple. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu lắp ráp hiện tại.


Mặt khác, cấu trúc nhà máy tại Mỹ sẽ khác xa so với các nhà máy tại Trung Quốc, nơi có hàng trăm nghìn công nhân làm việc trong các khu phức hợp. Mỹ sẽ phải cân đối giữa lao động và tự động hóa tùy theo chi phí. Ngoài ra, ngành công nghệ còn phụ thuộc vào các nguyên tố đất hiếm, như lanthanum (kéo dài tuổi thọ pin, cải thiện màu sắc màn hình) và dysprosium (hỗ trợ màn hình và chức năng rung). Phần lớn những vật liệu này được khai thác và tinh chế tại Trung Quốc vốn đang chiếm 70% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ. Điều này mang lại lợi thế cho Trung Quốc và chính họ đã dùng điều này để như một cách để đối phó với thuế quan từ Mỹ.


Thoát Trung


Với chủ trương của Tim Cook, Apple đang tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bằng cách tìm kiếm các nguồn linh kiện thay thế và các tuyến sản xuất mới. Khi Mỹ gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc, Apple có thể tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.


Ấn Độ đang trở thành một trung tâm quan trọng, với kế hoạch chuyển toàn bộ lắp ráp iPhone bán tại Mỹ sang đây vào năm tới, qua đó tăng gấp đôi sản lượng smartphone của quốc gia này. Theo một phân tích, Apple thường chọn các nước có lợi thế về địa lý, ưu đãi chính sách, chi phí sản xuất thấp và nhu cầu tiêu dùng cao. Với thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ có thể trở thành nơi sản xuất chủ chốt thay thế cho Trung Quốc.


Năm ngoái, khoảng 16% iPhone toàn cầu được lắp ráp tại Ấn Độ, và con số này có thể đạt 20% trong năm nay. Ban đầu, Apple chỉ gửi các bộ linh kiện chưa hoàn chỉnh đến Ấn Độ để lắp ráp. Sau đó chính phủ Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu lên một số linh kiện như bảng mạch nhằm khuyến khích lắp ráp nội địa, nhưng phần lớn linh kiện vẫn được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.


Việc chuyển hoàn toàn chuỗi cung ứng sang Ấn Độ cũng đang gặp trở ngại do nhạy cảm chính trị giữa nước này với Trung Quốc. Kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc đôi khi gặp khó khăn trong việc xin visa để lắp đặt và bảo trì thiết bị cho Foxconn. Quan hệ căng thẳng giữa hai nước có thể khiến Trung Quốc cố gắng làm chậm quá trình chuyển dịch linh kiện và thiết bị sản xuất.


Brazil cũng là một lựa chọn tiềm năng nếu Mỹ áp thêm thuế 26% lên Ấn Độ. Với chi phí sản xuất ở mức trung gian giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cùng thị trường nội địa lớn hơn Việt Nam, Brazil có thể giúp Apple xuất khẩu dễ dàng sang Mỹ, châu Âu và khu vực Mỹ Latinh.


Tương lai bất định


Mặc dù rất nhiều phân tích đã được đưa ra, nhưng thực sự tác động của thuế quan đối với iPhone và các sản phẩm điện tử khác sản xuất tại Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. TT Trump đã loại trừ điện thoại, thiết bị sản xuất chip và một số máy tính khỏi danh sách thuế quan đối ứng công bố gần đây nhưng đồng thời ông đã khởi động một cuộc đánh giá an ninh quốc gia để xác định cách áp dụng thuế đối với chất bán dẫn và điện tử.


TechInsights dự đoán giá iPhone 17 sẽ tăng từ 10-30% vào nửa cuối năm 2025. Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng Apple có thể tránh tăng giá trong ngắn hạn bằng cách tăng tỷ lệ lắp ráp tại Ấn Độ, chia sẻ gánh nặng chi phí với các nhà cung cấp và ngừng sản xuất các mẫu dung lượng thấp không hiệu quả.


Các vấn đề khác cũng có thể xảy ra. Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ quốc gia nào đàm phán thương mại gây bất lợi cho lợi ích của mình, điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Apple. Quan hệ giữa Apple và Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng, vì Apple phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ với tư cách là nhà cung cấp mà còn là thị trường tiêu dùng lớn. Trung Quốc cũng cần Apple, nên việc chuyển dịch sản xuất sẽ không dễ dàng.


Bởi thế, có thể thấy rằng việc chuyển toàn bộ quá trình sản xuất iPhone về Mỹ là điều gần như không thể ở hiện tại, ít nhất là vài đời iPhone tới. Chắc chắn chính quyền Trump cũng hiểu rõ điều này. Bởi thế, câu hỏi đặt ra có lẽ nên là họ muốn gì ở bước đi này và các bước tiếp theo. Dù vậy, gần như chắc chắn iPhone 17 tới sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của các thay đổi tình hình hiện tại.


Tin xem thêm