Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm, nhưng mà nước Mỹ không thiếu nguồn cung thay thế

29/04/2025 07:53
Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm, nhưng mà nước Mỹ không thiếu nguồn cung thay thế

Khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục leo thang, Bắc Kinh đang phản ứng bằng một trong những chiến thuật trả đũy quen thuộc của mình: hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử công nghệ cao, từ máy bay chiến đấu đến tua-bin gió. Mặc dù các biện pháp hạn chế khoáng sản của Trung Quốc có vẻ đáng lo ngại, nhưng thực tế là chúng chưa chứng minh được hiệu quả trong quá khứ và có khả năng còn kém hiệu quả hơn nữa nếu Hoa Kỳ và các quốc gia khác cuối cùng cũng hành động quyết liệt.


Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 7/2023, khi chính phủ Trung Quốc công bố quy định hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai nguồn đất hiếm quan trọng, chủ yếu được sử dụng trong sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và sản phẩm bán dẫn.


Trong vòng hai năm qua, danh sách các sản phẩm bị kiểm soát từ phía Trung Quốc đã được mở rộng để bao gồm antimony, than chì và các nguyên liệu thô khác. Mới nhất, đầu tháng 04 vừa rồi, chính phủ Trung Quốc đã có động thái leo thang hơn nữa, bằng cách đưa 7 nguyên tố đất hiếm vào một danh sách kiểm soát xuất khẩu toàn diện hơn, ứng dụng trên phạm vi toàn thế giới, và được thiết kế để tiếp tục chặn các công ty Mỹ đặt mua.


Đất hiếm là một tập hợp các nguyên tố nằm trong phạm trù rộng hơn, bao gồm những nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược mà Trung Quốc đã nắm giữ độc quyền kiểm soát trong rất nhiều năm qua. Ở tầm ngắn hạn, các công ty công nghệ hay quốc phòng cần những loại đất hiếm này có thể dựa vào trữ lượng hiện có trong kho, hoặc thậm chí tận dụng thiết bị điện tử tái chế để tìm kiếm chúng.


Nhưng ở tầm dài hạn, nếu cấm vận đất hiếm tiếp diễn, Mỹ và các quốc gia khác sẽ buộc phải tăng cường sản lượng khai thác trong nước hoặc giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm, cả hai đều sẽ làm giảm tác động của chính sách Trung Quốc. "Trung Quốc chỉ có một cơ hội duy nhất, và họ biết điều đó," Ian Lange, giáo sư liên kết về kinh tế và kinh doanh tại Trường Khoa học Mỏ Colorado, Mỹ đưa ra nhận xét.


Mỹ không hề thiếu nguồn cung đất hiếm


Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Trung Quốc công bố đầu tháng này bao gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium, bảy nguyên tố thuộc về một nhóm được gọi là đất hiếm. Chúng được gọi là "hiếm" không phải vì sự khan hiếm của chúng trên toàn thế giới, mà bởi vì chúng thường bị trộn lẫn với các nguồn tài nguyên khoáng sản khác và có thể khó tách ra.


Có tổng cộng 17 nguyên tố đất hiếm, nhưng chính phủ Trung Quốc đã chọn bảy nguyên tố này vì chúng thuộc một tập hợp con nhỏ hơn, gọi là "đất hiếm nặng", thứ mà nước này có quyền kiểm soát nguồn cung tốt hơn, gần như độc quyền trên thị trường, so với các loại đất hiếm khác. Đó là quan điểm của Gracelin Baskaran, giám đốc Chương trình An ninh Khoáng sản Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.


Quyền lực kiểm soát thị trường gần như độc quyền đó đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua khi Trung Quốc tạo ra một chuỗi cung ứng mạnh cho các khoáng sản này. Cùng thời điểm đó, phần còn lại của thế giới quyết định không khai thác mạnh ngành công nghiệp vừa gây ô nhiễm nặng nề, vừa chuyên biệt này. "Trung Quốc xử lý gần như 100% đất hiếm nặng trên toàn thế giới, điều đó có nghĩa là họ không chỉ có lợi thế so sánh, mà họ nắm trong tay lợi thế tuyệt đối," Baskaran nói.


Điều quan trọng cần biết khác về đất hiếm. Mặc dù chúng được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, trong các những sản phẩm thương mại thường chỉ chứa một lượng rất nhỏ. Và thông thường, những nguyên tố này cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ.


Năm ngoái, nước Mỹ đã nhập khẩu khoảng 170 triệu USD các nguyên tố đất hiếm, bao gồm cả những nguyên tố mà Trung Quốc chưa hạn chế, theo Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ. Để so sánh, Mỹ đã nhập khẩu hơn 327 triệu USD sản lượng khoai tây tươi và 300 triệu USD sản lượng khoai tây cắt sẵn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024.


Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của các nguyên tố đất hiếm là tạo ra nam châm vĩnh cửu, giúp cải thiện hiệu suất của các sản phẩm như động cơ điện ở nhiệt độ cao. Những nam châm này có thể được tìm thấy trong xe điện và các sản phẩm tiêu dùng như máy hút bụi.


"Các nguyên tố đất hiếm nặng được thêm vào như một loại gia vị, một chất bổ sung để duy trì tính từ của nam châm ở nhiệt độ cao. Nó cũng cải thiện khả năng chống ăn mòn và tuổi thọ của nam châm," Seaver Wang, giám đốc nhóm khí hậu và năng lượng tại Breakthrough Institute, một tổ chức nghiên cứu và hoạch định chính sách có trụ sở tại Oakland cho biết.


Ngoài nam châm, các nguyên tố đất hiếm này còn có thể phục vụ nhiều mục đích khác, chẳng hạn như làm kim loại cứng cáp hơn, cải thiện hệ thống radar và thậm chí điều trị ung thư. Nếu không có chúng, trong nhiều trường hợp, cơ sở hạ tầng công nghệ và thiết bị tiêu dùng sẽ không thể hoạt động được như bây giờ, nhưng dĩ nhiên vẫn sẽ duy trì được các chức năng cơ bản. "Tua-bin gió sẽ có tuổi thọ vận hành giảm đi 10 năm; còn xe ô tô điện thì không thể vận hành bền bỉ được," Wang nói.


Giáo sư Lange đồng ý rằng tác động của việc mất nguồn cung đất hiếm nặng có thể được kiểm soát ở mức độ nhất định đối với các công ty Mỹ.


Những giải pháp thay thế


Trong quá khứ, các biện pháp hạn chế khoáng sản chiến lược của Trung Quốc chưa thực sự hiệu quả. Một lý do là vì các công ty Mỹ muốn mua khoáng sản đất hiếm có thể đơn giản đi qua một quốc gia trung gian.


Ví dụ, Bỉ đã nổi lên như một trung tâm tạm nhập tái xuất tiềm năng, được cho là đã chuyển germanium, thứ đất hiếm mà Bắc Kinh đã đưa vào danh sách hạn chế hồi năm 2023, từ Trung Quốc sang Mỹ, theo dữ liệu thương mại. Vì Liên minh Châu Âu có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington so với Bắc Kinh, nên chính phủ Trung Quốc khó có thể ngăn chặn dòng chảy thương mại này một cách hiệu quả.


Một dấu hiệu khác cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc chưa thực sự hiệu quả, là giá khoáng sản chiến lược chỉ tăng nhẹ kể từ khi các chính sách được triển khai lần đầu tiên, cho thấy mức nguyên liệu tồn kho vẫn ổn định. "Những điều mà họ đã làm vào năm 2023 thực sự chưa thay đổi hiện trạng" của thị trường, Lange nói.


Tuy nhiên, các hạn chế mới nhất của Trung Quốc mang tính toàn diện hơn, và cũng đã có một số bằng chứng cho thấy, lần này mọi thứ có thể khác so với 2 năm qua. Các công ty cần những nguyên liệu đất hiếm này đã buộc phải mua lại chúng từ các công ty tích trữ nguồn cung khác đã và đang tích trữ nguồn cung đất hiếm. Những tuần vừa qua, nguồn cung đất hiếm cũng đã trở nên đắt đỏ hơn.


Thế nhưng về lâu dài, các công ty có thể tìm thấy các giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề thiếu hụt khoáng sản đất hiếm. Ví dụ, Tesla đã thông báo vào năm 2023 rằng họ đã giảm 25% lượng đất hiếm được sử dụng trong động cơ xe điện của mình và dự định loại bỏ chúng hoàn toàn trong tương lai. Nhà sản xuất ô tô chưa làm rõ sẽ sử dụng gì thay thế, nhưng các chuyên gia suy đoán rằng họ có thể chuyển sang các loại nam châm khác không dựa vào đất hiếm để tối ưu độ bền và hiệu năng.


Các mỏ đất hiếm lớn ở Mỹ thì sao?


Anh em hay đọc tin tức sẽ để ý, đất hiếm hoặc khoáng sản chiến lược nói chung thường được đề cập chung với bán dẫn, là hai ngành công nghiệp mà Mỹ muốn đưa về khai thác và sản xuất nội địa nhiều nhất, nhưng những thách thức liên quan đến việc mang từng ngành này trở lại lãnh thổ Mỹ là rất khác nhau.


Không giống như sản xuất bán dẫn kỹ thuật cao, đòi hỏi sử dụng máy móc phức tạp trị giá hàng trăm triệu USD và xây dựng các nhà máy cực kỳ phức tạp, việc khai thác và tinh luyện khoáng sản chiến lược không quá khó khăn. Các công nghệ liên quan đến khai thác và tinh chế chúng đã có quá nhiều kinh nghiệm. Rồi trong lòng đất ở cả hai nước Mỹ và Canada đều có trữ lượng tự nhiên lớn của một số loại đất hiếm.


Nhưng ngành khai thác mỏ đã bị đẩy ra khỏi các quốc gia phương Tây trong nhiều năm trước, vì nó không tạo ra nhiều giá trị và gây ô nhiễm nghiêm trọng.


Trong quá khứ, các nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược ở Mỹ hoặc bị trì hoãn, hoặc bị hủy bỏ. Điều này chủ yếu là do những tính toán về lợi ích kinh tế cơ bản, theo giáo sư Lange, thay vì những khó khăn về công nghệ. "Nó giống như cúi xuống nhặt một đồng tiền lẻ" ông nói, ý chỉ rằng nỗ lực không xứng đáng với kết quả nhận được.


Bởi vì hầu hết các công ty chỉ cần một lượng nhỏ những loại đất hiếm, thị trường kinh doanh nguồn nguyên liệu thô này thường biến động rất mạnh. Giá cả có thể giảm mạnh khi một nhà máy mới đi vào hoạt động và bắt đầu sản xuất và tinh chế ở quy mô lớn. Điều đó có nghĩa là, nếu một công ty khai khoáng mở cửa tại Mỹ, điều đó vô tình có thể làm sụt giá bán của chính loại khoáng chất mà nhà máy tinh luyện đang cố gắng kiếm lợi nhuận từ nó, theo giáo sư Lange.


Nhưng nếu Trung Quốc đã thành công trong việc thực thi nghiêm ngặt các chính sách kiểm soát xuất khẩu của mình, điều đó có thể cung cấp đủ động lực để chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân đưa ra quyết định, đưa ngành công nghiệp tinh chế khoáng sản trở lại đất Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, ông Lange nói, có thể sẽ mất khoảng hai năm để khởi động lại quá trình khai thác đất hiếm chiến lược.


Seaver Wang cho biết: "Thực sự đáng kinh ngạc, khi chúng ta nhìn vào cách Trung Quốc duy trì những độc quyền thị trường đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng trong vòng 20 năm qua. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đang bắt đầu chuyển hướng, nơi thị phần của Trung Quốc có thể đạt đỉnh... và bạn bắt đầu thấy sự quan tâm được phục hồi đối với các ngành công nghiệp khai khoáng ở Bắc Âu, Úc, Canada, Mỹ và Mỹ Latin."


Tin xem thêm