Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội…
Đây là nhận định được Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đưa ra tại hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Số đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, chúng thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng, như: Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt động phạm tội tại Việt Nam.
Các đối tượng thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, hoàn hảo, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.
Trong khi đó, người bị hại đa phần thiếu ý thức cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, không có kiến thức về bảo mật thông tin và các hoạt động tố tụng hình sự; khi trình báo sự việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, nguyên nhân mất tiền trong tài khoản.
|
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát biểu tại Hội thảo |
Xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng
Trước diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định: “Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, mà phải cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân".
Với quan điểm nêu trên, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nhiệm vụ công tác nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Thứ nhất, đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 30/11/2022, phê duyệt Đề án “Xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng".
Tham mưu thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân triển khai các giải pháp, công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Thứ hai, chỉ đạo hệ lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên toàn quốc triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện nghiệp vụ tiến hành rà soát, phát hiện các mục tiêu, đối tượng nghi vấn có hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để đấu tranh, xử lý. Kết quả, trong năm 2023 các đơn vị đã đấu tranh, khởi tố hơn 1.500 vụ án, với hơn 500 bị can góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, răn đe trấn áp các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tham mưu, triển khai giải pháp rà soát, định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hạn chế tình trạng SIM “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”; áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền ngân hàng hoặc nộp vào ví điện tử với các định mức cụ thể nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật theo Quyết định số 2345/QĐ- NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp công tác quản lý nhà nước, huy động sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong, ngoài nước, các ngân hàng thương mại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo.
Thứ năm, triển khai tuyên truyền “Chiến dịch phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”. Trong Quý I/2024, toàn hệ lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng, đăng tải hơn 66.000 tin, bài viết, video tuyên truyền tới toàn thể người dân cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Kiến nghị loạt giải pháp cụ thể trong phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhận định, thời gian tới, cùng với quá trình phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, các loại tội phạm mạng nói chung, cũng như tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Để giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần xây dựng, triển khai hiệu quả thế trận toàn dân trong phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đưa ra một số giải pháp, kiến nghị.
Thứ nhất, tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, gắn với thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tập trung tham mưu xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng.
Thứ hai, triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân triển khai hiệu quả, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trong năm 2023, theo số liệu thống kê của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng, tập trung chủ yếu các phương thức lừa đảo, như: (1) Tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chiếm 44,7%; (2) Phát tán các mã độc, tấn công chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo chiếm 17,3%; (3) Gọi điện giả danh lực lượng chức năng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng, viễn thông... chiếm 11,6%; (4) Tạo lập các sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán chiếm 13,2%; (5) Giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền chiếm 8,5%; (6) Một số hình thức lừa đảo khác chiếm 4,7%.